> Thổ Nhĩ Kỳ cải tổ nội các quy mô lớn
> Hai bộ trưởng từ chức vì tham nhũng
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: AP. |
Tổng cộng, 10 bộ trưởng đã bị thay thế trong đợt cải tổ nội các lần này, trong đó có Bộ trưởng Bộ Gia đình, Tư pháp, Giao thông… Trong khi đó, các cuộc biểu tình đòi ông Erdogan từ chức bùng phát tại nhiều thành phố, đặc biệt tại Istanbul, Ankara và Izmir.
Chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có của ngành tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26/12 đưa ra những bằng cứ chính trị bất lợi cho ông Erdogan, với sự từ chức của 3 bộ trưởng thân cận, gồm Bộ trưởng Nội vụ Muammer Güler, Bộ trưởng Kinh tế Zafer Caglayan và Bộ trưởng Môi trường Erdogan Bayraktar. Hai bộ trưởng Güler và Caglayan đang bị chỉ trích dữ dội, sau khi con trai họ bị bắt giam cuối tuần qua, do bị buộc tội tham nhũng, rửa tiền trong khuôn khổ một cuộc điều tra liên quan việc bán vàng bất hợp pháp cho Iran, bất chấp lệnh cấm vận.
Bộ trưởng Bayraktar cũng có con trai bị buộc tội dính líu một vụ áp phe liên quan thị trường bất động sản. 24 người khác cũng đã bị điều tra, tống giam trong cuộc điều tra tham nhũng ảnh hưởng danh tiếng của đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Thủ tướng Erdogan, giữa lúc diễn ra chiến dịch bầu cử địa phương vào ngày 30/3/2014.
Bộ trưởng Erdogan Bayraktar gắn bó với Thủ tướng từ những năm 1990, nhưng bất ngờ kêu gọi ông Erdogan từ chức. Ông Bayraktar quả quyết rằng, Thủ tướng Erdogan biết rõ mọi việc ông ta làm. “Vì lẽ đó, tôi tin rằng, Thủ tướng cũng nên từ chức”, ông Bayraktar tuyên bố.
Phát biểu trước các quan chức của đảng AKP, Thủ tướng Erdogan tuyên chiến chống tham nhũng. Ông tố cáo một âm mưu lớn nhằm chống lại chính phủ, núp bóng chiến dịch chống tham nhũng, làm tổn hại tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ tướng Erdogan cũng lên án hội giáo của giáo sĩ Hồi giáo Fetullah Gülen đứng sau giật dây. Thủ tướng Erdogan tuyên bố sẽ không dung thứ cho những tổ chức tranh giành quyền lực với nhà nước, cam kết đoạn tuyệt với “các băng nhóm chỉ biết nghĩ đến lợi ích riêng dưới vỏ bọc tôn giáo”.
Diễn biến gay cấn trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ hé lộ sự chia rẽ giữa chính phủ do đảng AKP đứng đầu với phong trào của ông Fethullah Gülen, hiện sống tại Mỹ nhưng có ảnh hưởng lớn trong ngành cảnh sát và tòa án Thổ Nhĩ Kỳ.
Vốn là đồng minh trung thành của đảng AKP, hội giáo của ông Gülen đã giúp AKP giành chiến thắng liên tiếp trong 3 cuộc bầu cử kể từ năm 2002. Nhưng mới đây, tổ chức này công khai tuyên chiến với chính phủ vì kế hoạch hủy bỏ các cơ sở giáo dục tư nhân, một trong những nguồn thu chính của hội giáo.
Giáo sĩ Gülen phủ nhận cáo buộc ông nhúng tay vào cuộc điều tra và lên án việc thanh trừng các sĩ quan cảnh sát của Thủ tướng Erdogan là âm mưu nhằm kết liễu phong trào của ông.
Theo các nhà phân tích, sự đổ vỡ này đe dọa tiền đồ chính trị của ông Erdogan, người buộc phải rời chức vụ vào năm 2015 và đang khao khát chiếc ghế tổng thống trong cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu trực tiếp, tổ chức lần đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 8/2014.
Thục Ninh
Tổng hợp