Thầy giáo Afghanistan tiếp tục dạy học bất chấp nguy hiểm

0:00 / 0:00
0:00
Thầy giáo Wesa dạy học cho trẻ em vùng nông thôn Afghanistan.
Thầy giáo Wesa dạy học cho trẻ em vùng nông thôn Afghanistan.
TP - Thầy Matiullah Wesa tin rằng cho phép phụ nữ và trẻ em gái tiếp tục hưởng quyền được giáo dục và làm việc là cách duy nhất để Afghanistan có thể phục hồi sau gần hai thập kỷ chiến tranh.

Matiullah Wesa chỉ hơn 10 tuổi khi các chiến binh Taliban có vũ trang đến nhà vào một buổi chiều để tìm cha mình. Họ đến với một thông điệp: “Hãy rời khỏi ngôi làng trong vòng một tuần, nếu không cả gia đình sẽ bị bắn chết”.

Mối đe dọa nhắm vào cha và ông của Wesa, cả hai đều thường xuyên lên tiếng ủng hộ sự nghiệp giáo dục trẻ em ở Afghanistan, đặc biệt là đối với trẻ em gái. Đó là năm 2004, ngay trước khi liên minh do Mỹ dẫn đầu lật đổ chính phủ Taliban, tạo điều kiện cho một chính quyền dân sự mới được thành lập. Tổng thống đương thời Hamid Karzai bắt đầu cải cách: ông mở cửa nền giáo dục cho tất cả mọi người, cho phép phụ nữ làm việc và di chuyển mà không cần một giám hộ nam, chấm dứt các hình thức hành quyết công khai và triển khai một hệ thống pháp luật mới.

Nhưng giờ đây, sau gần hai thập kỷ, thầy giáo Wesa, hiện 29 tuổi, nhận ra anh đang đối mặt với chính những áp lực cha và ông mình từng trải qua, khi họ bắt đầu chiến dịch biểu tình dưới chính quyền Taliban cuối những năm 1990.

Ngay cả khi hàng chục nghìn người Afghanistan đổ xô rời khỏi đất nước tháng trước, anh vẫn quyết định ở lại. Là người sáng lập chiến dịch Pen Path (Con đường cây bút), anh Wesa đã huy động hỗ trợ và nguồn lực cho nền giáo dục kể từ năm 2009, và sẽ không bỏ lại sự nghiệp của mình.

Sau khi gia đình anh đứng lên chống lại Taliban ở tỉnh Kandahar vào năm 2004, ngôi nhà của gia đình đã bị thiêu rụi, và bị phá hủy cùng với nó là nghề bán trái cây khô truyền thống của họ. Bạn bè và thậm chí cả những người lạ đã gọi điện đến để thúc giục anh hãy trốn đi để được an toàn. “Tôi biết là một ngày nào đó, tôi có thể bị giết vì công việc của mình”, anh chia sẻ. “Cho dù đã mất tài sản và công việc kinh doanh của gia đình, điều đó không ngăn được tôi dạy học cho mọi đứa trẻ, ngay cả ở những góc hẻo lánh nhất của vùng nông thôn Afghanistan”.

“Nếu bạn muốn hòa bình, nếu bạn muốn chấm dứt bạo lực, nếu bạn muốn Afghanistan không còn đau khổ, thì bạn phải cho những đứa trẻ này học tập”, anh nói. “Những ai muốn Afghanistan chấm dứt 43 năm chiến tranh bất tận, sẽ phải cho tất cả học sinh – kể cả các em gái – được đến trường”.

Chiến dịch Pen Path của thầy giáo Wesa đã mở lại hơn 100 trường học bị đóng cửa do xung đột, đồng thời giám sát quá trình giáo dục của 57.000 trẻ em. Vào năm 2018, anh đã được tổng thống Ashraf Ghani trao tặng huân chương Meer Bacha Khan, một trong những danh hiệu dân sự quốc gia cao quý nhất của đất nước, cho công việc của anh.

Thầy giáo Afghanistan tiếp tục dạy học bất chấp nguy hiểm ảnh 1
Một lớp học ở làng thuộc quận Spin Boldak, tỉnh Kandahar do thầy Wesa mở.

Em Gulali, 13 tuổi, là một trong những học sinh được hưởng lợi từ chiến dịch. Em được nhận bộ sách học đầu tiên, một chiếc cặp và dụng cụ học tập khi các tình nguyện viên từ Pen Path đến thăm trường của em. Hiện đang ở tiêu chuẩn thứ tư (tương đương với lớp Ba), em Gulali muốn trở thành một phi công, nhưng sự gián đoạn giáo dục do chiến tranh, em đã bỏ lỡ hai năm học quý giá. “Nếu trường em không bị đóng cửa, thì em đã được học lên đến tiêu chuẩn thứ sáu”, em nói thêm rằng em không muốn trường mình đóng cửa nữa.

Những thỉnh cầu này cũng được các bậc cha mẹ ủng hộ. Ông Aminullah Ghaznawi từ tỉnh Ghazni, miền đông nam Afghanistan, một người cha của hai đứa trẻ đang độ tuổi đi học, nói rằng ông đang chuẩn bị tinh thần cho ngày ông phải chiến đấu để cho con được đến trường. Cũng là giáo viên, ông Ghaznawi nói: “Tôi muốn các con tôi tiếp tục học, và tôi cũng muốn tiếp tục làm giáo viên. Tôi sẽ không dừng lại”. Ông hiện là một trong số hơn 2.000 tình nguyện viên trong chiến dịch Pen Path, những người tin rằng rằng giáo dục là cách duy nhất để thoát khỏi cuộc xung đột đang diễn ra.

Đất nước mà Taliban kiểm soát ngày nay không giống với đất nước mà họ cai trị vào cuối những năm 1990, khi thế hệ phụ nữ mới nhất, thời bấy giờ mới chập chững biết đi, giờ đây đã được học hành và hiểu rõ các quyền của mình. Cô Zarlasht Wali, 27 tuổi, nói “Tôi yêu cầu Taliban cho phụ nữ và trẻ em gái đến trường cho tới đại học. Hơn một nửa dân số đất nước này là phụ nữ. Chúng ta cần để họ đứng vững trên đôi chân chính mình và không bị phụ thuộc vào một ai khác giống như 25 năm trước”.

Cô cũng là một tình nguyện viên giống như anh Wesa, quyết định ở lại và giúp đỡ quê hương mình. Theo cô, được giáo dục là quyền cơ bản của mỗi người. “Chúng tôi có thể phải đối mặt với nhiều mối đe dọa và hạn chế nhưng không quan trọng. Tôi sẽ ở lại đây vì tôi tin rằng đặc biệt trong thời gian này, dân tộc của tôi – đặc biệt là phụ nữ và trẻ em – đang trông chờ vào tôi”.

Thầy giáo Wesa nói rằng mọi người đều đang cảnh giác với Taliban, và biết rất rõ mức độ nguy hiểm của họ. Ngoài ra, anh cho biết sẵn sàng đối thoại với họ nếu điều đó giúp công cuộc giáo dục trẻ em của Pen Path được tiếp tục. “Tôi sẵn sàng cử các thủ lĩnh bộ lạc và các học giả tôn giáo đến thương lượng về quyền giáo dục của những đứa trẻ này”.

Nhưng cùng lúc đó, anh cũng chuẩn bị tinh thần cho những gì sẽ đến nếu Taliban từ chối đàm phán. “Ngay cả khi Taliban muốn tôi dừng lại, tôi sẽ không làm vậy. Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh hơn nữa trong những ngày tới”, anh Wesa nói và cho biết thêm rằng trong thời gian tới sẽ huy động ủng hộ cho việc xây dựng một thư viện công cộng.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.