Thấy gì từ việc doanh nghiệp Việt sợ lớn?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Qua theo dõi của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho hay, có tình trạng doanh nghiệp không muốn lớn, “sợ” lớn. Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Công thẳng thắn chỉ ra, nếu môi trường kinh doanh chật hẹp, “thiếu dinh dưỡng”, doanh nghiệp không phát triển được.

Chính phủ mới ban hành Nghị quyết số 66 nhằm thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có 10 tỷ phú USD, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á, sẽ có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, trong đó ít nhất 70 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD, 120 doanh nghiệp có doanh thu thuần đạt trên 1 tỷ USD và 100 doanh nghiệp đạt lợi nhuận trước thuế trên 100 triệu USD…

Thấy gì từ việc doanh nghiệp Việt sợ lớn? ảnh 1

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ không kỳ vọng Nghị quyết 41 là “cây đũa thần” lập tức tạo đột phá cho môi trường kinh doanh, bởi thực tế có những luật đợi nhiều năm, thậm chí qua các nhiệm kỳ chưa chắc ban hành được. Pháp lý kinh doanh của Việt Nam cũng chưa hoàn thiện rõ ràng, có những hoạt động nằm giữa ranh giới vi phạm hay không, do cách hiểu khác nhau.

“Có 10 tỷ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á, 2 triệu doanh nghiệp… không phải tất cả, mục tiêu cuối cùng phải là doanh nghiệp làm ra giá trị gì, không đơn thuần là tiền. Việt Nam cần có đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh, chứ không chỉ 10 tỷ phú. Nhiều quốc gia như Nhật Bản hay các nước Bắc Âu không xem tỷ phú là thước đo cho khu vực doanh nghiệp”, ông Công cho biết.

Về môi trường kinh doanh, Chủ tịch VCCI cho rằng các yếu tố bao hàm rất rộng, bên cạnh pháp lý còn có khí thế kinh doanh. Khát vọng phát triển, kinh doanh của người Việt rất lớn, vấn đề là kiến tạo môi trường ra sao.

“Môi trường pháp lý cần bình đẳng giữa các doanh nghiệp, chứ không phải như tình trạng hiện nay, có địa phương chỉ tạo điều kiện tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài. Làm sao doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp dân tộc có thể lớn mạnh?”, ông Công đặt vấn đề.

Qua theo dõi của VCCI, ông Công thừa nhận có tình trạng doanh nghiệp không muốn lớn, sợ lớn. Nguyên nhân phân tích sẽ thấy dưới 2 góc độ: Môi trường kinh doanh và đội ngũ doanh nhân. Nếu môi trường kinh doanh chật hẹp, “thiếu dinh dưỡng”, doanh nghiệp không phát triển được.

“Cũng phải xem xét doanh nhân có khả năng, khát vọng phát triển hay không, môi trường kinh doanh liệu đã phù hợp. Chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn xuất hiện, nếu đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng. Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử để chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu, điều kiện hiện tại cho phép chúng ta tham gia”, Chủ tịch VCCI khẳng định.

MỚI - NÓNG