Thấy gì từ hàng loạt vụ 'sập bẫy' đầu tư tiền ảo?

Thấy gì từ hàng loạt vụ 'sập bẫy' đầu tư tiền ảo?
TP - Dù Ngân hàng Nhà nước liên tục lên tiếng khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, nhưng các vụ huy động đầu tư tiền ảo theo mô hình kinh doanh đa cấp vẫn “ngầm” diễn ra với đáp số chung là... vỡ trận mất hàng trăm, ngàn tỷ đồng.

“Sập bẫy” lãi suất 300%

Ngày 23/7/2018, nhiều nhà đầu tư (NĐT) tại TPHCM bất ngờ lên tiếng “tố” Công ty Sky Mining (còn gọi là Hợp tác xã Bầu Trời Công Nghệ - mạng lưới đầu tư máy đào tiền ảo cực lớn tại Việt Nam) có dấu hiệu lừa đảo.

Sự việc bắt đầu với việc họ không thể liên lạc được với Tổng giám đốc Lê Minh Tâm của Sky Mining - người trước đến nay vẫn đại diện đứng ra huy động vốn. Ngay sau đó, các NĐT đến gặp ban lãnh đạo lâm thời của Sky Mining thì nhận được câu trả lời: Theo hợp đồng, mỗi gói đầu tư trị giá 5.000 USD, tương đương 115 triệu đồng được quy đổi thành một chiếc máy cày tiền ảo (còn gọi là trâu cày). Giờ công ty phá sản, không hoạt động nữa nên công ty trả lại máy…Tuy nhiên, khi NĐT tìm đến nơi thì toàn bộ hệ thống máy cày tiền ảo đã biến mất sau một đêm.

Tìm hiểu, hệ thống ủy thác đào tiền ảo do Lê Minh Tâm đứng đầu mới hoạt động trong vòng 4 tháng nay (từ tháng 3 - 7/2018) nhưng đã huy động được số tiền lớn của hơn 5.000 NĐT. Theo đó, Công ty này yêu cầu các NĐT chọn nộp tiền vào các gói từ 100 USD đến 5.000 USD để mua máy đào, không giới hạn số lượng gói có thể mua. Sau 12 tháng, hợp tác xã sẽ trả lại vốn và lãi đến 300% mức đầu tư.

Với 7.000 máy đào tiền ảo hoạt động trong 26 xưởng của Sky Mining được rải tại một số vùng miền, số tiền công ty này ôm vào ước tính khoảng 800 tỷ đồng (chỉ tính những NĐT mua gói 5.000 USD). Điểm đặc biệt, rất nhiều người đã sẵn sàng trao tiền liền tay khoản đầu tư với mức 5.000 USD mà không có bất cứ giấy tờ hợp đồng nào; đó là còn chưa tính những NĐT nhỏ lẻ từ 3.000 USD trở xuống thì đều không hợp đồng ủy thác.

Phản ánh với báo chí, anh Huy, một NĐT trong cuộc cho hay, lý do để nhiều người dễ dàng rút tiền túi ra đầu tư bởi Sky Mining đã hứa sẽ mang lại mức lợi nhuận khổng lồ lên tới 300%. Cách Sky Mining khiến nhà đầu tư thấy cả tin và hấp dẫn là nhờ hoạt động theo mô hình kim tự tháp - đó là người vào trước “dụ” người đến sau và hễ cứ gọi thêm được người đầu tư thì người cũ sẽ được hưởng “hoa hồng” trên số tiền người mới góp vào.

Trước việc nhiều người dân gửi đơn tố cáo ông Lê Minh Tâm, Tổng Giám đốc Sky Mining lừa đảo chiếm đoạt tài sản rồi biến mất không rõ lý do, Công an cho biết vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.

Ðánh vào lòng… tham?

Câu chuyện của Sky Mining khiến người ta nhớ lại một loạt vụ việc mới xảy ra gần đây. Vào cuối năm 2017, cả nước chấn động trước vụ lừa đảo tiền ảo AOC tại một số huyện nghèo thuộc tỉnh Bắc Giang do Nguyễn Tuấn Giảng (63 tuổi, trú tại phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cầm đầu.

“Chiêu” lừa được những người đứng đầu hệ thống này đưa ra đó là hứa hẹn sẽ giúp dân thoát nghèo nhanh chóng, đem lại giàu sang phú quý với lãi suất siêu khủng. (Lãi suất trả 0,5%/ngày, mỗi tháng nhận tiền lãi 2 lần, sau 180 ngày có thể rút vốn đầu tư nếu muốn, nếu giới thiệu được thêm người tham gia sẽ được hưởng thêm hoa hồng từ 6 đến 10% số tiền các nhà đầu tư tham gia). Với lời hứa đầu tư tiền ảo AOC lãi gấp 20 lần gửi ngân hàng, hàng trăm dân nghèo đã rơi vào thảm cảnh phải bán nhà trả nợ.

Mới đây nhất ngày 30/7, lãnh đạo Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C44) cho biết đã khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng đối với các bị can trong vụ án lừa đảo 6.000 NĐT thông qua sàn tiền ảo VNCOINS dạng đa cấp. Theo lời khai của Nguyễn Hữu Tiến, “ông trùm” tiền ảo thì tháng 5/2015 Tiến thành lập và điều hành Công ty cổ phần đầu tư Thiên Rồng Việt, do Tiến làm chủ tịch HĐQT và đại diện pháp luật. Cùng với những đồng phạm khác, việc thành lập công ty chỉ là cách hợp thức hóa để người dân tin tưởng đầu tư vào các dự án ảo do Tiến tạo ra trong đó có sàn tiền ảo VNCOINS.

Sau một loạt các vụ lừa đảo tiền ảo vừa qua, dư luận đặt câu hỏi, tại sao đã có quá nhiều cảnh báo về mô hình này mà nhiều người vẫn bị... mắc lừa? Trao đổi với Tiền Phong ngày 31/7, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết: Cơ quan này đã làm hết sức khi vài năm nay liên tục đưa ra thông tin khẳng định việc không chấp nhận các loại tiền ảo như phương tiện thanh toán. “Mặc dù chúng tôi đã cảnh báo rất nhiều nhưng không hiểu sao người dân vẫn dễ bị dụ. Tới đây, chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền. Đồng thời cũng đề nghị cơ quan pháp luật cần xem xét xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo trên”, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, động cơ chính tham gia đầu tư tiền ảo vẫn là lòng tham của NĐT khi được hứa hẹn sẽ đạt 100%, thậm chí 1.000% trên số tiền đã bỏ ra. Bên cạnh đó còn có những lý do khác như các sự kiện liên quan đến tiền ảo đều được tổ chức hoành tráng, hào nhoáng; đa số NĐT không am hiểu tiền ảo nhưng lại tin tưởng công nghệ hiện đại 4.0; do sự truyền miệng, rủ rê từ những người thân quen...

Theo TS Hiếu, hoàn toàn không thể làm giàu từ đầu tư tiền ảo. Đây là các bẫy để thu hút người chơi nuôi tham vọng trở thành triệu phú, tỷ phú đô-la một cách dễ dàng mà không cần làm gì. Tất cả những chuyên gia đều biết không có 1 công ty nào có thể tạo ra lợi nhuận kinh khủng như vậy để trả 100% cho đầu tư. Ở các ngân hàng, lợi nhuận chỉ khoảng 10%/năm đã là khó rồi nên mức lợi nhuận của các dự án tiền ảo là không khả thi.

Thống kê của Tổng cục Hải quan, từ năm 2017 đến tháng 4/2018 đã có 15.600 máy đào tiền ảo được nhập khẩu vào Việt Nam, gồm máy xử lý dữ liệu bitcoin, dữ liệu bitmain, máy xử lý thuật toán, thiết bị xử lý dữ liệu thuật toán, máy xử lý dữ liệu tự động và máy xử lý dữ liệu tự động dùng cho hệ thống quản lý điều khiển từ xa, nội bộ. Riêng 4 tháng đầu năm có hơn 6.300 máy được nhập về. Nơi tiêu thụ chủ yếu là Hà Nội, TPHCM và Ðà Nẵng. 

Ðầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước nhất trí với Bộ Công Thương trong việc xem xét đề nghị tạm dừng nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động nhằm mục đích đào tiền ảo.

MỚI - NÓNG