Liên quan đến vụ việc công ty CP Ba Huân (Ba Huân) gửi thư cầu cứu Thủ tướng Chính phủ can thiệp, hủy thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp này với VinaCapital như một hồi chuông cảnh báo đối với doanh nghiệp Việt.
Theo Luật sư - Tiến sĩ Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, thành viên của Đoàn Luật sư TPHCM, đây là một trong những sự cố đáng tiếc trong hợp tác giữa quỹ đầu tư và doanh nghiệp.
Đánh giá về việc VinaCapital quyết định chấm dứt hợp tác với Ba Huân sau những câu chuyện hiểu lầm giữa 2 bên thời gian vừa qua, ông Tín cho rằng, trong kinh doanh, khi 2 bên đã không còn “cơm lành canh ngọt” thì câu chuyện hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ không còn nhiều ý nghĩa nữa. “Qua vụ lùm xùm này, giới kinh doanh đang nhìn thấy sự thiếu chuyên nghiệp trong việc hợp tác, kêu gọi đầu tư của doanh nghiệp Việt” – LS Tín nhìn nhận.
Vị chuyên gia này cho biết, công ty Ba Huân xuất phát từ một mô hình nhỏ đi lên, nên ở đâu đó có lẽ doanh nghiệp vẫn còn chút dấu vết tồn đọng cung cách làm việc chưa thực sự chuyên nghiệp.Bởi vậy đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp khi kêu gọi đầu tư và hợp tác với các quỹ đầu tư vốn, đặc biệt là các quỹ đầu tư nước ngoài.
“Để hạn chế rủi ro không đáng có, doanh nghiệp cần nắm vững quy định của pháp luật trong nước và quốc tế. Không chỉ đội ngũ tư vấn, giúp việc mà chính thành viên của Hội đồng quản trị cũng cần có sự sát sao và nắm vững các quy định trong quá trình hợp tác” - TS Bùi Quang Tín khẳng định.
Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho rằng, việc nắm không vững quy định pháp luật, thiếu thận trọng trong quy trình xét duyệt, thẩm định quá trình hợp tác cũng như chưa đánh giá rõ ràng hiệu quả đã dẫn Ba Huân và VinaCapital đến những tranh chấp không đáng có.
“Thông thường, các bên phải có bộ phận dịch thuật chuyên nghiệp hoặc thuê văn phòng luật sư để tư vấn, giải thích các điều khoản trước khi ký những hợp đồng có giá trị lớn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng việc này và thường coi trọng “quan hệ cá nhân” với đối tác nên dễ dãi hơn trong việc ký hợp đồng. Có thể khi thỏa thuận miệng, doanh nghiệp nói rất tốt nhưng khi thể hiện các điều khoản bằng văn bản, các thỏa thuận ban đầu sẽ thay đổi. Do đó, phải thật cẩn trọng khi ký hợp đồng làm ăn” – ông Hưng nhận định.
Trước đó, Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lý thông báo đã đầu tư 32,5 triệu USD để mua lại một số lượng cổ phần thiểu số đáng kể của công ty sản xuất trứng và thịt gia cầm của Ba Huân. Sau gần nửa năm hợp tác, Ba Huân vừa có văn bản nhờ Thủ tướng Chính phủ can thiệp hủy thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp này với VinaCapital.
Theo bà Phạm Thị Huân, Giám đốc công Ba Huân cho biết, thời điểm ký thỏa thuận hợp tác giữa hai bên cũng cận kề tết Nguyên đán 2018 nên việc chuẩn bị chưa được chu tất. Lúc này, VinaCapital đưa qua bảng thỏa thuận bằng tiếng Anh và hai bên đã ký văn bản này. Khoảng 20 ngày sau, VinaCapital chuyển văn bản thỏa thuận bằng tiếng Việt sang thì Ba Huân đối chiếu và phát hiện có nhiều điểm không hợp lý nên không đồng ý ký.
Tối 8/8, đại diện công ty Ba Huân xác nhận, VinaCapital đã đồng ý hủy hợp đồng, dừng đầu tư vào công ty. Dẫu vậy, 2 bên vẫn đang thương thảo, giải quyết việc liên quan đến giấy tờ, số tiền VinaCapital đã chuyển vào công ty… “Nói là đồng ý dừng hợp đồng chứ chưa thể hủy ngay được vì còn nhiều việc phải giải quyết” – vị này cho hay.