Ba Huân muốn hủy hợp tác với VinaCapital

Bà Ba Huân đòi ly hôn với Quỹ đầu tư VinaCapital
Bà Ba Huân đòi ly hôn với Quỹ đầu tư VinaCapital
TPO - Đại diện công ty Ba Huân cho biết, trong chiều nay (7/8), Vina Capital sẽ tiếp tục đàm phán với công ty để đưa ra thông báo chung.

Hồi đầu năm 2018, quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lý thông báo, đã đầu tư 32,5 triệu USD để mua lại một số lượng cổ phần thiểu số đáng kể của công ty sản xuất trứng và thịt gia cầm của công ty CP Ba Huân.

Tuy nhiên, sau gần nửa năm hợp tác, Ba Huân vừa có văn bản nhờ Thủ tướng Chính phủ can thiệp hủy thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp này với VinaCapital.

Theo bà Phạm Thị Huân, Giám đốc công Ba Huân cho biết, thời điểm ký thỏa thuận hợp tác giữa hai bên cũng cận kề tết Nguyên đán 2018 nên việc chuẩn bị chưa được chu tất. Lúc này, VinaCapital đưa qua bảng thỏa thuận bằng tiếng Anh và hai bên đã ký văn bản này.

Khoảng 20 ngày sau, VinaCapital chuyển văn bản thỏa thuận bằng tiếng Việt sang thì Ba Huân đối chiếu và phát hiện có nhiều điểm không hợp lý nên không đồng ý ký.

Cụ thể, trong văn bản bằng tiếng Anh, VinaCapital đã đưa tỉ suất hoàn vốn đầu tư của mình lên mức 22%. Ngoài ra, VinaCapital cũng hạn chế ngành nghề hoạt động kinh doanh của Ba Huân, chỉ gồm sản xuất kinh doanh thịt gà, trứng gà và loại bỏ các ngành kinh doanh khác.

Ba Huân muốn hủy hợp tác với VinaCapital ảnh 1 Nguyên nhân được cho là VinaCapital lừa hợp tác

Quỹ đầu tư này cũng quy định nếu Ba Huân không đạt được kết quả kinh doanh như thỏa thuận sẽ bị phạt hoặc yêu cầu trả lại vốn đầu tư cộng dồn với lãi suất 22% hoặc phải chuyển giao cho VinaCapital (hoặc một quỹ đầu tư do VinaCapital chỉ định) tối thiểu 51% cổ phần.

Cho rằng những yêu cầu này là không hợp lý vì mức lãi suất quá cao, lại bị bó hẹp phạm vi hoạt động nên Ba Huân đã đề nghị phía VinaCapital hủy bỏ thỏa thuận, “của ai lấy về nhà nấy”. Tuy nhiên, đến nay, phía VinaCapital vẫn chưa đồng ý đề nghị này, thay vào đó có ý định trì hoãn, yêu cầu Ba Huân phải thanh toán thêm cho các chi phí phát sinh với lãi suất 22%.

“Vụ việc vẫn đang trong quá trình đàm phán, Ba Huân muốn hủy bỏ thỏa thuận đã ký nhưng phía VinaCapital chưa chấp nhận. Mức lãi suất VinaCapital đưa ra là quá cao, Ba Huân không thể đảm bảo nên phải gởi đơn nhờ Chính phủ can thiệp để doanh nghiệp có thể giữ được một thương hiệu đã dày công xây dựng” - bà Ba Huân nói.

Đến nay, văn bản thỏa thuận bằng tiếng Việt giữa hai bên vẫn chưa được ký.

Được biết, đại diện VinaCapital đã ngồi lại với Ba Huân trong chiều ngày 7/8 nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. “Dự kiến chiều nay, 2 bên sẽ tiếp tục đàm phán để hủy bỏ thỏa thuận. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ thông báo chính thức trên các phương tiện truyền thông” – đại diện công ty Ba Huân cho biết.

Trong 2 ngày 6-7/8, PV báo Tiền Phong đã nhiều lần liên hệ với đại diện VinaCapital nhưng đơn vị này vẫn không nghe điện thoại, không hồi âm!

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho rằng, trong lĩnh vực kinh tế, vấn đề hợp đồng kinh tế giữa các bên, dù là có pháp nhân Việt Nam hay không, đều không hạn chế việc ký bằng ngôn ngữ nào, bao nhiêu thứ tiếng…

Tuy nhiên, trong nội dung hợp đồng thường có ghi chú thêm là hợp đồng này được ký bằng bao nhiêu ngôn ngữ, có giá trị ngang nhau hay không… Khi xảy ra tranh chấp, phải xem lại những thông tin ghi chú này để xác định giá trị của hợp đồng. Nếu hợp đồng được ký bằng hai ngôn ngữ và có giá trị ngang nhau thì khi xảy ra tranh chấp, ngôn ngữ nào được ưu tiên hơn…

Trường hợp hợp đồng được ghi bằng 2 ngôn ngữ, nhưng các thỏa thuận hợp tác không giống nhau thì sẽ phải đề nghị thỏa thuận lại. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì doanh nghiệp có thể đề nghị hủy hợp đồng. “Vì trong trường hợp này, phải xác định yếu tố nào dẫn đến việc có sự sai lệch trong hai bản ngôn ngữ này, ví dụ như dịch thuật chưa chính xác hoặc có một bên lừa dối bên còn lại” - luật sư Hưng chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.