Thay đổi mô hình 'ba tại chỗ', thêm gói hỗ trợ 20 nghìn tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
Thay đổi mô hình 'ba tại chỗ', thêm gói hỗ trợ 20 nghìn tỷ đồng
TPO - Trong khi Bộ Tài chính, NHNN sẽ đề xuất, áp dụng các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, thì Bộ Công Thương- Y tế sẽ nghiên cứu thay đổi mô hình “ba tại chỗ” cho phù hợp.

Thêm gói 20 nghìn tỷ hỗ trợ doanh nghiệp

Chiều 11/8, tại họp báo Chính phủ, trả lời câu hỏi về các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, năm 2021, dự kiến khoản hỗ trợ như gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí lên tới 118 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng cũng được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cũng theo ông Chi, Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm 50% các loại thuế phải nộp với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm thuế VAT với một số lĩnh vực chịu ảnh hưởng của dịch COVID; miễn tiền chậm nộp với người nộp thuế gặp khó khăn, giảm tiền thuê đất phải nộp. Theo tính toán, tổng giá trị ước tính của gói này hơn 20 nghìn tỷ đồng.

Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các Bộ, ngành, sau đó tổng hợp ý kiến để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong phiên họp gần nhất.

Cũng tại buổi họp báo, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, 16 ngân hàng thương mại đã cam kết giảm lãi suất cho các doanh nghiệp tuỳ mức độ khó khăn. Ước tính gói giảm lãi suất của 16 nhà băng này khoảng 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm 2021.

Ngoài ra, 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước cũng cam kết giảm lãi suất cho các doanh nghiệp tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, mỗi nhà băng 1.000 tỷ đồng.

Chi phí áp dụng “3 tại chỗ” quá cao

Liên quan tới việc tính toán phương án “3 tại chỗ” trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, phương án này đã áp dụng thành công tại các địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang. Tuy nhiên, khi triển khai tại 19 tỉnh thành phía Nam thì xuất hiện bất cập. Phương án này chỉ phù hợp thực hiện trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, ở các khu công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang ít người hơn, trong khi các tỉnh phía Nam mỗi doanh nghiệp có hàng nghìn hoặc hàng chục nghìn lao động. Thành phần dân cư phức tạp, xuất thân từ nhiều tỉnh, thành khác nhau nên không thể ở mãi một chỗ.

Mặt khác, nhiều vùng bị đứt gãy chuỗi vận tải, cung ứng nên khó khăn trong việc áp dụng tại chỗ. Thêm vào đó, chi phí áp dụng “3 tại chỗ” quá cao nên họ chỉ có thể áp dụng trong 7-20 ngày, nên gây cản trở cho việc áp dụng 3 tại chỗ.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, quy định phòng dịch của mỗi địa phương khác nhau, nhiều địa phương đóng cửa cả khu công nghiệp khi phát hiện ca nhiễm trong khi doanh nghiệp phải mất nhiều công sức chuẩn bị phương án “3 tại chỗ”. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chủ động xin không thực hiện phương án này.

Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này sẽ phối hợp với Bộ Y tế để sớm ban hành văn bản hướng dẫn các phương án bảo đảm vừa chống dịch vừa bảo đảm sản xuất – kinh doanh.

Trao đổi với báo giới bên lề buổi họp báo, ông Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Y tế cho biết, Bộ Y tế sẽ cử đại diện cục, vụ chức năng phối hợp làm việc với Bộ Công Thương để xây dựng, đưa ra tiêu chí mới cho mô hình sản xuất an toàn, phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.

Trên cơ sở đó, hai bộ sẽ khảo sát, tham vấn ý kiến thực tế của các doanh nghiệp, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp đang thực hiện "3 tại chỗ". Việc này nhằm mục đích đưa ra tiêu chí sát thực tế, phù hợp nhất khi mô hình sản xuất an toàn trong thời dịch bệnh được ban hành.

Ông Thuấn khẳng định, hai Bộ sẽ cố gắng trong thời gian sớm nhất đưa ra tiêu chí mô hình sản xuất, phù hợp tình hình mới.

MỚI - NÓNG
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
TPO - Đại diện pháp luật một số doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hòa Bình, Quảng Ninh... bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Trong đó, bà L.H.L. bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình - chủ đầu tư dự án La Saveur De Hoà Bình nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng.