Hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội cho rằng, phải chờ đến chương trình khung chi tiết được công bố thì mọi đánh giá mới chính xác. Hiện nay, các chủ biên mới giới thiệu về mục tiêu và khái quát về chương trình môn học nên rất khó hình dung về hình hài chương trình, sách giáo khoa mới.
Tuy nhiên, theo vị hiệu trưởng này, chương trình thay đổi rất lớn, từ việc đưa cụ thể từ dạng Toán, tác phẩm văn, giai đoạn lịch sử vào sách giáo khoa, giáo viên chỉ sáng tạo phương pháp dạy học, đến chỗ nay giáo viên được quyền chủ động lựa chọn phương pháp lẫn nội dung dạy học. Điều này, đòi hỏi giáo viên phải chủ động, năng động và có năng lực thì mới mang lại hiệu quả. Ngược lại, giáo viên không năng động, không sáng tạo thì học sinh sẽ lĩnh hậu quả.
“Ngoài ra, một số bộ môn được cho là sẽ lược bỏ bớt nội dung rườm rà, học sinh được giảm tải. Đưa Tin học vào môn bắt buộc thay vì tự chọn, đưa các hoạt động trải nghiệm vào 3 tiết/tuần…là những điểm mới, phù hợp hiện nay”, Hiệu trưởng này nói.
Ông Khúc Trung Kiên, Giám đốc Chương trình Fast Track SE, ĐH FPT cho rằng, việc gộp kiến thức 2 môn Lịch sử và Địa lý lại với nhau trong chương trình THCS cho thấy đó là cách gộp khiên cưỡng, chưa nhìn thấy bóng dáng của môn học tích hợp. Ông cũng đặt vấn đề, tại sao phải tách môn học trong khi kiến thức Lịch sử, Địa lý, Tự nhiên và xã hội, Giáo dục công dân, Đạo đức và pháp luật có thể gộp kiến thức lại theo các môn học hoàn toàn mới, ví như: Trái đất và loài người, Việt Nam học, Thế giới hiện đại…
Ví dụ, nhóm kiến thức về Trái đất và loài người: sẽ xoay quanh môi trường sống của con người và những vấn đề cơ bản của xã hội loài người. Kiến thức này phù hợp với học sinh cấp 1. Những câu chuyện xoay quanh cuộc sống sẽ rất hấp dẫn, phù hợp, cuốn hút và cũng giúp học sinh hiểu về môi trường, sự sống xung quanh.
Lên cấp 2, chương trình mới nên giáo dục sâu về lịch sử, địa lý, truyền thống, văn hóa của dân tộc để giáo dục lòng yêu nước, tình yêu Tổ quốc.
Trên thế giới, nhiều nước đã thực hiện chương trình tổng hợp từ lâu. Ví như, nhiều bang ở Canada, các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân được thay bằng môn xã hội học.
Ví như môn Toán, theo ông Kiên, chương trình khung chỉ nên dừng lại ở lớp 9. Sau đó, lớp 10 nên phân luồng, định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Em có năng lực Toán mới nên học sâu hơn về Toán ở lớp 10, còn học sinh khác có thể không học Toán nữa. “Bởi vì, nếu học hết cấp 2 mà em không có kiến thức nền tảng thì dù có học thêm 3 năm, đưa thêm nhiều nội dung toán học vào, em đó cũng sẽ không tiếp thu được”, ông nói.
Chương trình vẫn chung chung khi chưa xây dựng được yếu tố hướng nghiệp, đào tạo kỹ năng cho học sinh. Theo ông, làm sao sau khi học hết THPT học sinh có kỹ năng, nghề nghiệp để có thể tự làm, kiếm sống.
Văn học thiếu cân đối?
TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An cho rằng, chương trình khung dự kiến có 6 tác phẩm bắt buộc nên nội dung, tư tưởng, thể loại chưa thật sự cân đối. 6 tác phẩm gồm: bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình ngô đại cáo, Truyện kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn độc lập thì đa số các tác phẩm đều phản ánh tinh thần quật cường, bất khuất, ý chí độc lập dân chủ của dân tộc Việt Nam trong và sau những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Sẽ thật thiếu sót khi không đưa các tác phẩm mang bóng dáng, hơi thở cuộc sống bình dị, đời thường của đời sống con người trong xã hội. Chưa kể, 6 tác phẩm bắt buộc cũng mới chỉ dừng lại ở hai thể loại văn học là thơ và chính luận. Yếu tố thời đại, giai đoạn lịch sử cũng bố trí khập khiễng khi đa số tác phẩm đều nằm vào giai đoạn văn học trung đại.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, TS Tuyết cũng cho rằng, chương trình xây dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể mà chú trọng yêu cầu những mục tiêu cần đạt cho học sinh về nói, đọc, viết.
Trong khi đó, bà Phạm Thái Lê, giáo viên Ngữ văn, Trường Marie Curie Hà Nội cho rằng, rất hào hứng khi đọc chương trình ngữ văn mới, bởi vì chương trình đã thiết kế mở cho giáo viên được quyền chủ động lựa chọn tác phẩm dạy học. 6 tác phẩm bắt buộc mà chủ biên chương trình đưa vào là nền tảng cốt lõi của nền văn học nên bắt buộc học sinh phải được học.
Với mục tiêu, thiết kế môn học thay đổi do đó sẽ kéo theo sự thay đổi trong thi cử và đánh giá học sinh. “Đó là điều mà giáo viên dạy văn như chúng tôi luôn kỳ vọng. Bởi vì trước đó, giáo viên dạy học sinh vẫn theo kiểu đọc chép. Khi kiểm tra, đánh giá, học sinh “nhai lại” lời giáo viên đã truyền thụ”, bà nói.
Vì vậy, khi áp dụng chương trình mới, ngoài 6 tác phẩm bắt buộc, cốt lõi, giáo viên mỗi nơi có thể lựa chọn những tác phẩm khác nhau để giới thiệu, dạy học cho học sinh. Điều quan trọng là dạy làm sao để học sinh phát triển năng lực cảm thụ văn học, khi kiểm tra đánh giá, đề thi có thể ra bất cứ tác phẩm mới nào, kể cả ngoài chương trình học sinh cũng làm được.
Điều quan trọng là sau này các đơn vị, cá nhân viết sách giáo khoa sẽ đưa những gì vào sách giáo khoa? Bà Lê cũng cho rằng, để đạt mục tiêu đổi mới, nên học tập các nước tiên tiến rồi mới làm sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
“Chương trình sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh, nhiều thế hệ, chúng ta không nên áp dụng nhiều bộ SGK ngay đối với tất cả các môn. Cụ thể, nên đợi 5 năm sau, các môn KHXH, như Ngữ Văn, Lịch sử, Giáo dục công dân mới áp dụng, khi đã đưa Toán, các môn KHTN vào dạy học ổn định”. GS Phạm Hồng Tung, Chủ biên môn Lịch sử.