Thay đổi cách dạy, học văn

Thay đổi cách dạy, học văn
Sẽ có sự thay đổi trong việc dạy học môn văn để học sinh không còn buồn chán mà say mê, yêu thích môn học này.

> Toàn cầu hóa dạy và học thời internet
> Đề văn làm thay đổi cách dạy, học

Hôm nay 5.1, tại Trường ĐH Sư phạm Huế, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo quốc gia về dạy và học môn văn trong trường phổ thông. Các nhà khoa học, nhà giáo, nhà văn... sẽ thảo luận, hiến kế để có thể lấy lại vị thế thực sự của môn văn trong trường phổ thông.

Năm 2012, Báo Thanh Niên đã có nhiều bài viết phản ảnh những vấn đề của việc dạy và học môn văn trong trường phổ thông
Năm 2012, Báo Thanh Niên đã có nhiều bài viết phản ảnh những vấn đề của việc dạy và học môn văn trong trường phổ thông.

Học để biết cách giao tiếp

Phó giáo sư Đỗ Ngọc Thống, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, đại diện nhóm nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông mới môn ngữ văn, cho rằng chương trình môn ngữ văn hiện hành có 2 bất cập lớn.

Thứ nhất, việc cung cấp kiến thức được coi là mục tiêu số một nên chương trình tập trung nhấn mạnh kiến thức chứ không phải kỹ năng, năng lực.

Thứ hai, các khái niệm cơ bản, hiện đại và nhất là “tính hệ thống về ngôn ngữ và văn học” đã tạo điều kiện cho các tác giả chương trình và sách giáo khoa nghiêng về trang bị các tri thức mang tính hàn lâm, xây dựng môn ngữ văn trong nhà trường tương ứng với toàn bộ khoa học ngữ văn.

Kết quả là học sinh được học tất cả từ ngôn ngữ học, Việt ngữ học, lý luận văn học, lịch sử văn học... Trong đó có một số kiến thức quá cao, sâu chưa cần thiết đối với học sinh phổ thông.

Từ thực tế đó, Phó giáo sư Thống nhận định: “Môn ngữ văn sau 2015 cần điều chỉnh theo hướng: Đề cao mục tiêu hình thành và phát triển năng lực ngữ văn, mà trước hết là năng lực giao tiếp với việc sử dụng thành thạo 4 kỹ năng cơ bản: đọc, viết, nghe, nói.

Việc lựa chọn kiến thức (văn học, tiếng Việt...) cần cơ bản, hiện đại nhưng phải hướng tới phục vụ cho yêu cầu phát triển năng lực, tránh kinh viện, không thiết thực và không quá chú trọng tính hệ thống như hệ thống lịch sử văn học, hệ thống ngôn ngữ...”.

Cũng theo ông Thống, phải chuyển mục tiêu giáo dục theo yêu cầu xã hội, quan tâm đến nhu cầu, sở thích của cá nhân người học và người dạy để xác định nội dung chương trình học.

Phải làm học sinh yêu thích

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn ngữ văn phổ thông, đề xuất: “Trong lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa tới đây, môn ngữ văn nên được xác định là một môn học công cụ có mục tiêu hình thành và phát triển năng lực sử dụng tiếng Việt, trong đó có năng lực đọc hiểu các tác phẩm văn học. Môn học này cần trang bị cho học sinh công cụ để nhận thức về xã hội và con người, bồi dưỡng xúc cảm và thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh nhằm hoàn thiện nhân cách”.

 Không nhồi nhét kiến thức, không bắt nhớ máy móc, cần biết quên các cụ thể chi tiết, chỉ nhớ cách làm, cách xử lý vấn đề... giúp học sinh tự học, tự khám phá, kích thích sáng tạo.

Phó giáo sư Đỗ Ngọc Thống, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam

Đồng quan điểm, ông Thống cho rằng cần tập trung hình thành cho học sinh phương pháp học, tạo tính hiếu kỳ, tò mò và sự đam mê để họ tự đi tìm và lý giải, qua đó hình thành năng lực.

“Không nhồi nhét kiến thức, không bắt nhớ máy móc, cần biết quên các cụ thể chi tiết, chỉ nhớ cách làm, cách xử lý vấn đề... giúp học sinh tự học, tự khám phá, kích thích sáng tạo”, ông Thống nhấn mạnh.

Phần lớn các ý kiến đều cho rằng giờ học văn, trước hết hãy giúp học sinh yêu thích, say mê văn chương, mong muốn tìm tòi, tìm hiểu cái hay, cái đẹp của thế giới nghệ thuật, rồi sau đó mới là những yêu cầu khác.

Thay đổi ngữ liệu và cách đánh giá

Do hướng tới năng lực giao tiếp với 4 kỹ năng cơ bản nên ngữ liệu học tập môn văn sẽ có sự khác biệt đáng kể so với tài liệu duy nhất là các tác phẩm, văn bản đưa vào sách giáo khoa như hiện nay.

Khi đó, tất cả các tác phẩm, văn bản văn học không theo lịch sử văn học như cấu trúc chương trình hiện hành mà theo yêu cầu mức độ khác nhau của kỹ năng đọc.

Theo đề xuất của nhóm nghiên cứu, ngữ liệu sẽ bao gồm 2 nguồn chính: văn bản văn học và các loại văn bản khác. Văn bản đọc hiểu cho kỹ năng đọc có số lượng không nhiều, ưu tiên chất lượng. Các văn bản này chỉ là ngữ liệu để dạy và học trên lớp nhằm hình thành phương pháp đọc hiểu, năng lực tiếp nhận văn bản chứ không thi.

Bên cạnh sách học trên lớp, cần có một bộ sách văn tuyển cung cấp một số lượng lớn các văn bản - tác phẩm tương ứng với mỗi thể loại đã học để học sinh đọc ở nhà và là ngữ liệu để ra đề thi, kiểm tra đánh giá khách quan năng lực vận dụng sáng tạo của học sinh trong học tập.

Việc kiểm tra đánh giá môn văn cũng trên 2 bình diện: ý tưởng sáng tạo và khả năng diễn đạt, thể hiện/trình bày ý tưởng đó một cách sáng sủa, mạch lạc.

Là môn học bắt buộc

Theo nhóm nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông mới môn ngữ văn, 100% số người được hỏi cho rằng ngữ văn là môn học bắt buộc. Đây là kết quả mà nhóm nghiên cứu Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thông tin qua các buổi tọa đàm, trao đổi và qua phân tích các phiếu hỏi từ các chuyên gia, cán bộ quản lý và giáo viên ở TP.Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Nam Định cũng như hiệu trưởng, hiệu phó của gần 100 trường THPT.

Theo dự kiến, môn ngữ văn sẽ là môn học bắt buộc từ tiểu học đến hết THPT cùng với môn toán, giáo dục công dân, ngoại ngữ.

Phản ảnh liên tục về dạy và học môn văn

Trong năm 2012, Báo Thanh Niên có nhiều bài viết phản ảnh những vấn đề cụ thể của việc dạy và học môn văn trong trường phổ thông hiện nay. Chẳng hạn như việc chỉnh sửa chi tiết trong truyện cổ tích Tấm Cám, cắt bỏ một phần tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, tình trạng thiếu sáng tạo trong việc dạy và học văn, từ thói quen dùng văn mẫu đến đạo văn... Trong đó, có 2 chuyên đề lớn phân tích sâu, đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp để đổi mới, nâng cao việc dạy và học văn trong trường phổ thông.

Vào tháng 11, loạt bài Rập khuôn là giỏi cho thấy thực trạng bài tập làm văn hiện nay của học sinh thường phải theo chuẩn mực chung, khuôn mẫu dẫn đến những chuyện cười ra nước mắt. Trước đó, trong tháng 5, chuyên đề Vừa học vừa chán môn văn cũng tạo hiệu ứng tốt trong dư luận khi nêu lên thực tế chương trình môn văn hết sức khiên cưỡng, không quan tâm đến sự yêu thích của người học khiến môn học này ngày càng mất dần sức hút với học sinh.

Theo Tuệ Nguyễn
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.