Thấu hiểu và chia sẻ

0:00 / 0:00
0:00
Thấu hiểu và chia sẻ
TP - Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay có lẽ đặc biệt nhất từ khi hình thành. Dịch bệnh là một thử thách lớn với hầu hết giới doanh nhân, nhưng qua đó cũng cho thấy những đóng góp không nhỏ của họ khi đất nước cần.

Hôm qua, trong cuộc gặp gỡ doanh nhân ở TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu nhấn mạnh, có 5 “liều thuốc tinh thần” để các doanh nghiệp vực dậy và phục hồi. Trong đó quan trọng nhất là tinh thần yêu nước. Doanh nhân, nhất là doanh nhân trẻ phải thấm nhuần tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn và ý chí của dân tộc. Trong khó khăn, doanh nhân càng phải đoàn kết, gắn bó giúp đỡ lẫn nhau cùng vượt thách thức. Còn tại Hà Nội, chúc mừng đội ngũ doanh nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ “thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, càng trân trọng những đóng góp của người dân và doanh nghiệp bao nhiêu thì càng thấy trách nhiệm của mình”. Cách đây vài tháng, hưởng ứng lời hiệu triệu của Chính phủ kêu gọi các nguồn lực ủng hộ lập Quỹ Vắc xin phòng chống COVID, nhiều doanh nhân ngay lập tức đáp lời vừa bằng tiền mặt, vừa bằng hiện vật (máy móc, trang thiết bị y tế…). Đến nay, sự đóng góp của người dân và doanh nghiệp cho quỹ này đã đạt gần 8.700 tỷ đồng, góp phần hữu hiệu trong công tác phòng chống dịch. Nhiều người đã ví sự đóng góp trong bối cảnh này giống với sự kiện “Tuần lễ vàng” trong lịch sử.

Cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng một sự chuyển đổi, tháo gỡ cơ chế tạo sự thông thoáng, linh hoạt từ bộ máy công quyền. Từ trung ương xuống địa phương, chính quyền và cơ quan chức năng phải “thấy trách nhiệm của mình”, doanh nghiệp mới có cơ hội tự tin lớn mạnh. Vì sao doanh nghiệp không chịu lớn? Bởi vì chỉ cần lớn hơn một chút, doanh nghiệp có thể gặp nhiều rào cản. Số liệu thống kê cho thấy, quy mô vốn của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn rất khiêm tốn. Trước khi dịch bệnh diễn ra, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ước tính, cả nước có hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh không muốn lớn thành doanh nghiệp.

Dịch bệnh có thể khiến doanh nghiệp tìm thấy trong nguy có cơ. Nếu như trước đây còn trù trừ chuyển đổi số, thì bây giờ thực sự là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp thực hiện. Dự báo nhiều năm nữa, con người khó mà lưu thông nếu không có mã số điện tử (QR code). Nhiều cách thức vận hành doanh nghiệp truyền thống sẽ biến mất. Nhà nước cũng cần tạo nhiều cơ hội hơn để doanh nghiệp được trưởng thành.

Kinh doanh thời nào và ở đâu cũng thế, nếu không biết chia sẻ lợi ích cho cộng đồng, sẽ khó bền lâu. Nhiều doanh nghiệp tồn tại lâu đời trên thế giới vì họ giữ được giá trị cốt lõi: sản phẩm, dịch vụ hướng tới nhân sinh, sẵn sàng san sẻ lợi nhuận… Phong trào “Pay it forward” (trả ơn bằng cách cho đi) của cộng đồng doanh nghiệp không chỉ diễn ra ở các nước phương Tây, mà ngay ở trong nước, tự bao giờ “lá lành” đã biết “đùm lá rách”.

MỚI - NÓNG