Thất vọng và cay đắng trong hội nghị của Liên Hợp Quốc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 5/3, trong hội nghị của Liên Hợp Quốc (LHQ), lãnh đạo các nước nghèo nhất thế giới thể hiện sự thất vọng và cay đắng về sự đối xử của các quốc gia giàu có.
Thất vọng và cay đắng trong hội nghị của Liên Hợp Quốc ảnh 1

Lãnh đạo các nước nghèo nhất thế giới dự hội nghị thượng đỉnh của LHQ tại Doha, ngày 5/3. (Ảnh: Reuters)

Nhiều lãnh đạo kêu gọi phải chi hàng tỷ đô la như đã hứa và giúp các nước nghèo thoát khỏi đói nghèo, đối phó với biến đổi khí hậu.

Tổng thống Cộng hoà Trung Phi phát biểu tại hội nghị của các nước kém phát triển nhất ở Doha rằng, quốc gia của ông giàu tài nguyên nhưng đang bị các cường quốc phương Tây “cướp bóc”.

Trước đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres chỉ trích mức lãi suất “săn mồi” mà các ngân hàng quốc tế áp với những nước nghèo. Ông nói rằng “không có gì để bào chữa” cho việc không cung cấp viện trợ.

Tuy nhiên, ngày khai mạc của phiên thảo luận chung tại hội nghị thượng đỉnh một thập kỷ mới diễn ra một lần không có thông báo lớn nào về viện trợ, ngoại trừ khoản 60 triệu USD mà chủ nhà Qatar cho biết sẽ tài trợ qua các chương trình của LHQ. Lãnh đạo các nền kinh tế lớn vắng mặt trong kỳ họp kéo dài 5 ngày về tình trạng hỗn loạn ở các nước nghèo.

Tại phiên họp ngày 4/3, ông Guterres kêu gọi huy động 500 tỷ USD để thực hiện chuyển đổi kinh tế và xã hội.

Lãnh đạo các nước cũng kêu gọi những quốc gia công nghiệp thực hiện lời hứa 100 tỷ USD đưa ra năm ngoái để hỗ trợ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Tổng thống Zambia Hakainde Hichilema nói rằng cung cấp tài chính là “vấn đề thể hiện uy tín”.

“Các nước kém phát triển nhất không thể để mất một thập kỷ nữa”, Phó Thủ tướng Nepal Narayan Kaji Shrestha phát biểu. Nepal dự kiến sẽ ra khỏi nhóm quốc gia nghèo nhất thế giới để vào nhóm các nước có thu nhập trung bình vào năm 2026.

Tổng thống Cộng hoà Trung Phi Faustin-Archange Touadera chỉ trích các lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an LHQ và các định chế khác áp với quốc gia dân cư thưa thớt nhưng bất ổn suốt mấy thập kỷ.

Ông Touadera nói rằng quốc gia 5,5 triệu dân không thể hiểu vì sao họ sở hữu trữ lượng vàng, kim cương, cô-ban, dầu mỏ và urani lớn vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới sau hơn 60 năm độc lập.

“Cộng hoà Trung Phi luôn bị một số cường quốc phương Tây coi là nguồn dự trữ tài nguyên chiến lược một cách sai lầm. Chúng tôi bị cướp bóc một cách có hệ thống từ khi giành được độc lập, vì bất ổn chính trị mà một số nước phương Tây hoặc đồng minh của họ hậu thuẫn”, ông Touadera nói.

Quốc gia này bị LHQ cấm vận vũ khí trong 1 thập kỷ qua, trong khi Liên minh châu Âu (EU) áp lệnh trừng phạt hãng quân sự tư nhân Wagner vì các hoạt động ở Cộng hoà Trung Phi và các nước xung quanh. Theo EU, một lãnh đạo bị trừng phạt của Wagner là “cố vấn an ninh” cho Tổng thống Touadera.

Các công ty khai thác vàng và kim cương liên quan đến Wagner ở Cộng hoà Trung Phi và Sudan cũng bị EU trừng phạt.

Theo AP
MỚI - NÓNG