Thấp thỏm, mừng, lo khi Hà Nội cho học sinh nhiều khu vực đến trường

0:00 / 0:00
0:00
Học sinh ngoại thành Hà Nội sẽ được đi học vào 8/11 tới. Ảnh minh họa
Học sinh ngoại thành Hà Nội sẽ được đi học vào 8/11 tới. Ảnh minh họa
TPO - Mong con sớm trở lại trường học để giảm tải áp lực, nhưng khi Hà Nội mở cửa trường với 5 khối học khi dịch COVID-19 diễn biến còn khó lường khiến nhiều phụ huynh vừa mừng lại vừa lưỡng lự, thấp thỏm. Còn giáo viên thì lo phải vừa dạy học trực tuyến, vừa dạy học trực tiếp trên trường. 

Chiều 1/11, theo quyết định của UBND Hà Nội, học sinh khối 5, 6, 9, 10 và 12 của 18 huyện, thị xã (mức độ dịch ở cấp 1 và 2, trong 14 ngày tính đến thời điểm đi học không còn F0 cộng đồng) học trực tiếp từ 8/11, các khối còn lại cùng toàn bộ học sinh nội thành duy trì học online.

Chiều 1/11, Đức Phúc, học sinh lớp 6, huyện Hoài Đức rất vui vẻ khi được bố mẹ thông báo tuần sau là các con được đến trường học. Vì nhà em thuộc danh sách 18 huyện, thị xã cho học sinh đầu cấp, cuối cấp đi học lại từ ngày 8/11 theo quyết định của UBND thành phố.

Phúc cho biết, em rất háo hức khi từ đầu năm đến giờ chưa được gặp thầy cô, bạn bè mới. Vậy là, từ thứ hai tuần sau, em sẽ không phải bám bàn và vất vả mỗi khi học online nữa. Mặt khác, theo Phúc, nhà em ở gần đường to, khu vực nhà em nhiều nhà làm nghề phụ, việc học ở nhà ầm ầm rất khó tập trung.

Phúc cho biết, em rất buồn vì tuần trước kiểm tra giữa kì môn Địa lý, em ngỡ ngàng khi chỉ đạt 5 điểm với lí do kiểm tra theo hình thức trực tuyến mà nếu học trực tiếp em chắc chắn sẽ không bị kết quả thấp như vậy.

Tuy nhiên, Phúc chia sẻ, đã không học trực tiếp từ đầu năm nên việc đến trường sẽ bỡ ngỡ và lo lắng vì em ra trường chuyên của huyện học với toàn bạn mới, thầy cô mới.

Là học sinh cuối cấp, Nguyễn Thanh Hương, học sinh lớp 9, huyện Thạch Thất, cũng khấp khởi khi được trở lại trường. Hương cho rằng, học online không thể hiệu quả như với trên lớp. Nếu không đi học trực tiếp, chắc chắn khi thi chuyển cấp sẽ khiến em thực sự lo lắng.

Tuy nhiên, nữ sinh bày tỏ, nhận được tin đi học lại, em mừng nhưng cũng thấy lo. Điều lo nhất với Hương là các em đều chưa được tiêm vắc xin. Liệu việc đi học có được kéo dài hay có thể bị dừng lại bất cứ lúc nào.

Là phụ huynh thấm thía nỗi vất vả khi có 3 con học trực tuyến ở nhà, chị Đỗ Thị Yến, ở Hoài Đức cho biết, nghe thông tin con ở trong khối được Hà Nội cho đi học vào 8/11 tới, chị vừa mừng, vừa lo. Từ hơn 2 năm nay, mỗi khi phải nghỉ dịch học trực tuyến ở nhà, một mình chị phải lo cho 3 con. Có nhiều thời điểm, chị như đến giới hạn chịu đựng.

Tuy nhiên, đến lúc nhận tin con trai (lớp 5) và con gái (lớp 12) thuộc nhóm học sinh được trở lại trường từ 8/11, một mặt chị phấn khởi vì sẽ không phải chịu cảnh ở nhà mẹ con vật lộn bảo ban nhau học bài, trả bài thầy cô nữa. Nhưng thực sự thì chị lại đối diện với nhiều nỗi lo khác.

Theo quyết định của Hà Nội, học sinh khi trở lại trường chỉ học một buổi và trường chưa triển khai dịch vụ bán trú. Chị không thể đưa đón con giữa ngày hay lo bữa trưa vì chị làm việc xa nhà. Chị cũng không thể nhờ bà nội hay ông bà ngoại đón hộ ở trường.

Mặt khác, khi cùng học trực tuyến, chị rất yên tâm vì có hai con lớn ở nhà bảo ban và trông đứa con út mới học lớp 2, nay không ai giúp chị làm điều đó. Hơn nữa, khi các con chưa được tiêm vắc xin cũng là vấn đề chị lo không kém.

Theo chị Yến, thực sự một tuần trước chị rất mong ngóng các con được đi học khi cả toàn thành phố chỉ có hơn 10 ca/ ngày. Nhưng những ngày gần đây, Hà Nội vẫn ghi nhận số ca mắc mới tăng lên, nhiều F0 cộng đồng. Mặt khác, nhìn các tỉnh cho các cháu đi học, khi giáo viên học sinh lây nhau đến cả 100 ca cũng thấy lo lắng.

"Trường con tôi là hoàn toàn các cháu ở nhiều xã khác nhau trong huyện nên việc tiếp xúc trên lớp cũng là vấn đề nan giải. Không thể bảo các con không nói chuyện với nhau. Mặt khác, người lớn ở nhà cũng đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều chỗ, nhỡ may bị lây nhiễm thì sao”- chị Yến nói.

Giáo viên cũng lo lắng

Dù trong danh sách 18 huyện, thị xã cho học sinh đầu cấp, cuối cấp đi học lại từ ngày 8/11 theo quyết định của UBND thành phố nhưng thời điểm này nhiều giáo viên, hiệu trưởng các trường đều chưa rõ ràng trường mình phải triển khai dạy trực tiếp như thế nào.

Bà Đỗ Thị Ngọc Dung, hiệu trưởng trường THCS Minh Khai, Hoài Đức cho rằng, hôm nay nhà trường vẫn chưa có hướng dẫn nào từ phòng giáo dục của Huyện về việc đi học sắp tới.

Bà Dung cho rằng, bà và giáo viên trong trường rất “vui mừng” vì thông tin mở cửa trường. Thông tin này như một sự cởi trói, việc dạy online kéo dài khiến nhiều giáo viên thực sự cảm thấy mệt mỏi.

Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì theo bà Dung cũng chia sẻ về nhiều nỗi lo khác.

“Việc học trên lớp có thể sẽ phải chia nhỏ sĩ số sẽ khiến việc giáo viên phải dạy nhiều hơn. Mặt khác, nếu giáo viên đảm nhiệm nhiều khối sẽ phải vừa dạy online, vừa dạy trực tiếp thì sẽ thế nào. Mặt khác, việc học trực tiếp sẽ là 45 phút sẽ dài hơn việc học online. Như vậy, việc điều chỉnh lại thời khóa biểu cũng phải cân nhắc để tránh quá tải cho giáo viên”- bà Dung chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Tuyến, giáo viên ở một trường THCS Đông Anh cho biết, cô phải dạy ba khối lớp là lớp 6,8 và lớp 9. Vậy nếu dạy trực tiếp lớp 6 và 9 trên trường thì cô vẫn phải mang máy tính để dạy tiết trực tuyến cho học sinh lớp 8.

“Thực ra, việc đi học trực tiếp thì giáo viên đỡ vất vả hơn nhưng đó là nếu tất cả học sinh các khối đều đi học. Còn nếu như này vừa dạy trực tiếp vừa dạy online thì giáo viên lại có những vất vả riêng”- cô Tuyến chia sẻ.

Theo thông tin từ UBND thành phố Hà Nội, tính từ 24/10 đến nay có 5 huyện của Hà Nội ghi nhận các ca mắc cộng đồng tại ổ dịch mới gồm: Quốc Oai, Thanh Oai, Ứng Hoà, Hoài Đức, Mê Linh. Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, những địa bàn gần đây có ca mắc cộng đồng sẽ được xem xét cho học sinh đi học trở lại ở các đợt tiếp theo.

Phụ huynh cần lưu ý gì?

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc Gia Hà Nội cho rằng, lần quay lại trường học này sẽ khác rất nhiều so với khi trẻ nghỉ hè những năm trước. Cha mẹ và giáo viên cần phải hiểu là với các em trở lại trường là trở lại với những nỗi lo (back to school = back to anxiety, back to stress).

Ông Nam cho rằng, các em có thể sẽ trải qua lo âu này đến lo âu khác. Mặc dầu tôi tin là trong những ngày đầu tiên trở lại trường thì các em rất hào hứng.

“Việc thay đổi những thói quen, hạn chế hoạt động trong bình thường mới cũng khiến cho tăng cảm giác bất an dẫn đến phản ứng cáu kỉnh nóng giận với bạn bè. Tất cả lo lắng và hình mẫu bạo lực dồn nén lại có thể là nguyên nhân dẫn đến những hành vi xấu tính và bạo lực với những người khác khi trở lại trường”- ông Nam chia sẻ.

Cũng theo ông Nam, trong thời gian đầu trở lại trường, cũng cần lưu ý trẻ sẽ quên thói quen dậy sớm, quên thói quen đến lớp - việc chuẩn bị này của bố mẹ đơn giản: Bắt đầu phải giảm tải học online, tập lại thói quen giờ giấc ăn, ngủ đúng theo lịch đến trường.

MỚI - NÓNG