ĐBSCL:

Thấp thỏm đối phó với dịch tả lợn Châu Phi

Một đàn lợn bị dịch ở ĐBSCL
Một đàn lợn bị dịch ở ĐBSCL
TP - Đến thời điểm này, tại khu vực ĐBSCL, có đến 7 địa phương đã phát dịch tả lợn châu Phi, tiêu hủy khoảng 2.000 con lợn, với tổng trọng lượng hơn 100 tấn. Nỗi lo dịch bệnh trên đàn lợn bao trùm, người dân bán tháo 28.000- 35.000 đồng/kg.

Tốc độ lây lan nhanh

ĐBSCL đang giao mùa, từ nắng sang mưa, hệ thống kênh rạch dày đặc, giao thông đường thủy - bộ đan xen, khó kiểm soát đứng trước nguy cơ lây lan cao.

Ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau cho biết, trên địa bàn tỉnh Cà Mau chỉ có 10 trang trại, còn lại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. “Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, thực hiện an toàn sinh học rất khó và không thể”- ông Huy nói.

Ổ dịch tả lợn châu Phi vừa xuất hiện tại huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) làm rúng động đàn lợn tỉnh này hơn 237.000 con, 84 trang trại. Tỉnh Sóc Trăng có 30 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, với công suất 280 con lợn/ngày.

Còn tại tỉnh Kiên Giang, diễn biến dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Tân Hiệp, đang có dấu hiệu lây lan nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường. Chỉ trong 3 ngày từ 24-26/5, huyện Tân Hiệp ghi nhận 5 điểm xuất hiện dịch, số lượng lợn tiêu hủy 112 con của 5 hộ dân với trọng lượng hơn 6 tấn.

Ông Nguyễn Văn Sáng, ở Hưng Mỹ (Cái Nước, Cà Mau) nói: “Sợ quá, dịch bệnh lan nhanh, gia đình tôi chỉ biết vệ sinh chuồng trại, cho đàn lợn tới lứa, bán giá bèo là may rồi”.

Thấp thỏm đối phó

Tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu chưa phát hiện nhưng dịch tả lợn châu Phi áp sát ranh giới hai tỉnh này. Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, quyết tâm hành động trong ứng phó, ngăn chặn dịch xâm nhập. Kể cả khi có tình huống, phải kịp thời phát hiện, khoanh vùng, làm đúng quy trình dập dịch, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi - thú y Cà Mau nói: “Chúng tôi đã thành lập 32 chốt, trạm để kiểm soát phương tiện và lợn vào địa bàn. Khi phát hiện thịt lợn không rõ nguồn gốc, thịt lợn giết mổ do dịch bệnh đều tiêu hủy”.

Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cũng khuyến cáo người nuôi tuyệt đối không nhập con giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch, kiểm soát tốt nguồn thức ăn, phương tiện vận chuyển ra vào trại…

Bà Phan Kim Loan, Trưởng Phòng NN- PTNT huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), cho hay: “Sau khi phát hiện có dịch, cơ quan chức năng lập tức khoanh vùng tiêu độc, khử trùng khu vực các hộ chăn nuôi để phòng, chống dịch bệnh lây lan rộng; đồng thời tiến hành chôn xác lợn chết theo quy định và triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa”.

UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành kế hoạch ứng phó, đặt ra 3 phương án: Chưa phát hiện dịch bệnh, dịch bệnh áp sát địa bàn tỉnh và dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Riêng huyện Hồng Dân giáp ranh với Kiên Giang, Sóc Trăng nên áp dụng phương án 3, thành lập 6 đội kiểm tra lợn lưu động để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những phương tiện vận chuyển lợn ngang qua địa bàn mà không chứng minh được nguồn gốc, lợn có biểu hiện bệnh.       

Khu vực ĐBSCL đã có 7 tỉnh, thành phố phát hiện dịch là Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ và Sóc Trăng. 

MỚI - NÓNG