Thắp nến trong lòng

Thắp nến trong lòng
TP - “Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn, mà đời không ngại đào mấy con kênh” - nhiều thanh niên tuổi mười tám đôi mươi đã tình nguyện tới lao động trên những công trình thủy lợi gian khó như lời bài hát: “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý.

> Cứu hộ bằng những bàn tay trần tứa máu
> Xé lòng nỗi đau sau 35 năm mới kể

Cách đây 35 năm, trên công trường thủy lợi cống Hiệp Hòa ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, một tai nạn đã cướp đi sinh mạng của 98 đoàn viên khi đang làm việc trên công trường xã hội chủ nghĩa. Họ chết trong tư thế đang lao động, quang gánh trên vai, cuốc xẻng cầm tay...

Thế nhưng, sau đó những người thanh niên này vẫn không được công nhận là liệt sỹ, nơi họ hy sinh không một bảng ghi công. Hôm nay đây, biết bao nhiêu thanh niên tình nguyện cũng đã có mặt ở những vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, những điểm nóng sẵn sàng đưa sức trẻ của mình cống hiến cho Tổ quốc. Có người đã hy sinh khi đang cứu người chết đuối, bị lũ quét lúc gieo chữ xóa mù ở vùng cao, hay vì viên đạn của kẻ buôn ma túy...

Những thanh niên tình nguyện ấy khi hy sinh hầu hết đều không được công nhận liệt sỹ. Vì sao? Hy sinh trong xây dựng đất nước cũng vinh quang như trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Những cái chết vì Tổ quốc đều thiêng liêng và cần được ghi nhận như nhau. Máu ở đâu cũng đỏ và những giọt nước mắt đều mặn.

Có lẽ đã đến lúc cần phải có cái nhìn công bằng trong vấn đề này, để đưa ra những chính sách xứng đáng với những sự hy sinh trong thời bình của tuổi trẻ. Cuộc sống dù trong thời bình vẫn luôn cần sự hy sinh, vẫn luôn cần những người dám lội nước đi trước nhưng “ăn cỗ” lại đến sau.

Những liệt sỹ trong thời bình cũng giống như những bông hoa đẹp, trong một khu vườn đã xen nhiều cỏ dại. Liệt sỹ thời bình như một “chỉ số” nhân văn quan trọng của xã hội văn minh ở thời buổi nhiều bạn trẻ: “Sống thì lay lắt mà chết lại tiếc mình”.

Xét cho cùng mọi danh hiệu đều hữu hạn, chỉ có lòng tri ân mới vô hạn và còn mãi. Đất nước ta có rất nhiều tượng đài, nhưng tượng đài vĩ đại nhất được tạc trong lòng người.

Ngày 27/7 này sẽ nhiều lời ca ngợi công ơn các liệt sỹ, nhưng lời nói “uống nước nhớ nguồn" cảm động nhất phải xuất phát từ trái tim và từ những việc làm giản dị, thực chất. Ví như, khi một cô gái ngồi lên mộ liệt sỹ để chụp ảnh và đưa lên Facebook, lập tức cả cộng đồng mạng “nổi sóng”, lên án, tẩy chay. Hay khi tôi viết loạt bài về nỗi đau của 98 thanh niên hy sinh khi làm cống Hiệp Hòa đang bị quên lãng đăng trên báo Tiền Phong thì ngay sau đó đã nhận được rất nhiều chia sẻ và một nhiều bạn trẻ đã muốn góp tay để xây một bia tưởng niệm...

Dịp 27/7 tuổi trẻ cả nước sẽ thắp nến khắp các nghĩa trang trên dải đất hình chữ S này. Mỗi ngọn nến như một tấm lòng tưởng nhớ tất cả những người đã hy sinh trong bảo vệ cũng như xây dựng Tổ quốc. Nhưng nến rồi sẽ tắt, chỉ có những ai dám hy sinh không toan tính vì cộng đồng mới thắp lên được những ngọn nến trong lòng người cháy mãi và tỏa sáng lửa tri ân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG