Thời gian gần đây, hàng rào chắn bằng ống thép dùng để ngăn xe máy đi vào làn đường dành cho xe đạp cao khoảng 50 cm ở những lối của đường dành cho xe đạp ven sông Tô Lịch được tháo bỏ. |
Trước đó, tuyến đường dành riêng cho xe đạp dọc sông Tô Lịch dài 2km có tới 10 rào chắn khiến nhiều người dân "ngại" di chuyển trên đoạn đường này vì cảm thấy việc dắt xe qua rào chắn quá "phiền". |
Việc tháo rào chắn ở điểm đầu - cuối tuyến đường dành riêng cho xe đạp được thực hiện vào 29/3. Phần rào này được gỡ ra là để xử lý lại, lắp đặt khác sao cho phù hợp hơn với người đi xe đạp. Dự kiến sẽ được lắp lại trong tuần này. |
Tuy nhiên, sau khi rào chắn bị tháo, nhiều chủ phương tiện điều khiển xe máy, xe máy điện đã tranh thủ di chuyển vào tuyến đường này. |
"Trước đó, việc bê xe qua barie rất vất vả với người cao tuổi muốn đạp xe rèn luyện sức khỏe như tôi. Tôi thấy điều chỉnh rào chắn sẽ giúp tuyến đường thân thiện với người dân hơn nhưng cũng tạo điều kiện cho xe máy đi vào gây nguy hiểm khi tham gia giao thông tại đây", bà Đặng Thị Hà (67 tuổi, Trung Hoà, Cầu Giấy) chia sẻ. |
Đoạn cuối của tuyến đường từ cầu Hòa Mục tới cầu Cống Mọc là đoạn đường có nhiều xe máy di chuyển vào đường dành riêng cho xe đạp để tránh ùn tắc và đèn đỏ. |
Điểm tập kết xe đạp công cộng trở thành chỗ để xe cho nhiều người. |
Bên cạnh đó, đi dọc tuyến đường, không khó để bắt gặp các bãi rác tự phát, từ phế thải xây dựng, rác sinh hoạt, đồ dùng gia đình, vật liệu bằng sành sứ bị vứt bỏ lộ ra các mảnh vỡ sắc nhọn hay những điểm tập kết rác bị đốt nham nhở, cháy đen. |
Nhiều hàng quán mọc lên ngay trên làn đường dành cho xe đạp. |
Sau 2 tháng đi vào hoạt động, tuyến đường dài 2 km vẫn vắng hoe người đi xe đạp và đi bộ do bất tiện cùng với mùi hôi thối của sông Tô Lịch bốc lên. |
Từ ngày 1/2, Sở GTVT Hà Nội đã khánh thành thí điểm tuyến đường ưu tiên cho xe đạp đầu tiên trên địa bàn Thủ đô, mang tên "Đường ven sông Tô Lịch". Tuyến đường dành riêng cho xe đạp dài 2,3km từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy, chạy dọc sông Tô Lịch, kết nối ga Láng (thuộc đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông) với ga S8 (thuộc tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội) và kết nối với 11 tuyến xe buýt. Trong đó, có 3m dành riêng cho người đi xe đạp và 1m dành cho người đi bộ. |