Tháo gỡ khó khăn về xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác

Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 13, sửa đổi những điểm chưa phù hợp, bất cập trong Thông tư 21, hiệu lực kể từ ngày 25/12 tới.
Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 13, sửa đổi những điểm chưa phù hợp, bất cập trong Thông tư 21, hiệu lực kể từ ngày 25/12 tới.
Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 13/2020 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 21 (15/11/2018) quy định ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thuỷ sản; công bố cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác; danh sách tàu cá khai thác thuỷ sản bất hợp pháp; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho biết, Thông tư 13 đã sửa đổi những điểm chưa phù hợp, bất cập trong Thông tư 21, hiệu lực kể từ ngày 25/12 tới.

Đơn cử, tại khoản 2 (điều 7) về giảm sát việc bốc dỡ qua cảng đã được sửa đổi: Khi nhận được đề nghị cập cảng của thuyền trưởng tàu cá, tổ chức quản lý cảng cá đối chiếu với danh sách tàu cá khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, trường hợp tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác thuỷ sản bất hợp pháp thì không cho bốc dỡ thuỷ sản và thông báo cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Trường hợp không nằm trong danh sách tàu cá khai thác thuỷ sản bất hợp pháp thì bố trí cho tàu cá cập cảng bốc dỡ thuỷ sản và cử cán bộ giám sát sản lượng, thành phần loài thuỷ sản bốc dỡ qua cảng.

Trong trường hợp phát hiện sản lượng thuỷ sản bốc dỡ thực tế sai lệch trên 20% so với sản lượng khai báo trước khi cập cảng thì lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền hoặc bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Liên quan đến vấn đề biên nhận thuỷ sản bốc dỡ qua cảng (tại khoản 3, điều 7 Thông tư 21) cũng được sửa đổi: Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thu mua thuỷ sản, tổ chức quản lý cảng cá kiểm tra thông tin khai trên Giấy biên nhận thuỷ sản bốc dỡ qua cảng theo “Mẫu số 02 Phụ luc II” ban hành kèm theo Thông tư, xác nhận khi các thông tin đúng với thực tế cá tàu cập cảng; lưu bản sao chụp tại tổ chức quản lý cảng cá.

Tổ chức, cá nhận thu mua thuỷ sản từ mỗi tàu cá cập cảng được cấp 01 giấy biên nhận thuỷ sản bốc dỡ qua cảng theo đúng khối lượng, thành phần loài đã thu mua.

Theo Vasep, tại hội nghị đánh giá 3 năm triển khai chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU mới đây, một số doanh nghiệp đề xuất cần điều cho hợp lý liên quan đến quy định về chữ ký thuyền trưởng trên giấy chứng nhận (CC) và 3 chữ ký trên biên bản bốc dỡ gồm chữ ký đại diện cảng cá, đại diện tàu và chữ ký DN.

Theo đó, nhiều DN mong muốn dự thảo sửa đổi theo hướng phù hợp: Chữ ký thuyền trưởng chỉ cần hiển thị trong văn bản phù hợp trong hệ thống chuỗi hồ sơ truy xuất nguồn gốc, không nhất thiết phải hiển thị trên giấy CC, hoặc chỉ nên có trong giấy CC của lô hàng sống xuất khẩu.

Doanh nghiệp cũng cho rằng việc yêu cầu chữ ký doanh nghiệp trong biên bản bốc dỡ là không hợp lý vì doanh nghiệp mua bán qua nhiều trung gian: từ nậu vựa ngoài cảng mua xong bán cho doanh nghiệp này sơ chế rồi bán cho doanh nghiệp khác…Vì vậy, chỉ cần có chữ ký đại diện cảng cá và tàu cá trong biên bản bốc dỡ là phù hợp.

Tháo gỡ khó khăn về xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác ảnh 1 Việc bị “thẻ vàng” IUU của EC đã khiến cho xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm liên tục từ từ năm 2018 đến nay.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phản ánh vướng mắc liên quan đến việc cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (SC) bị đình trệ khi một số cảng địa phương đã được cơ quan thẩm quyền địa phương công bố mở cảng nhưng vẫn phải chờ quyết định của Bộ NN&PTNT công bố cảng chỉ định.

Việc thu mua nguyên liệu cũng khó khăn hơn khi một số cảng bị công bố ngừng cấp SC để tu bổ, ngư dân không chịu cập cảng khác có đủ điều kiện và thẩm quyền cấp SC…

Theo Vasep, việc Việt Nam bị “thẻ vàng” IUU (đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định) của EC đã khiến cho xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm liên tục từ từ năm 2018 đến nay.

Năm 2020, xuất khẩu sang  EU bị tác động kép bởi dịch COCVID -19, thẻ vàng IUU và Brexit, khiến cho giá trị xuất khẩu hải sản sang thị trường này trong 9 tháng đầu năm tiếp tục giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.

Vasep cho biết, với quyết tâm tháo gỡ thẻ vàng IUU và hướng tới phát triển nghề cá bền vững, giữ vững thị trường trọng điểm EU với mục tiêu xuất khẩu thuỷ hải sản ít nhất 1,4 tỷ USD/năm, Vasep và cộng đồng doanh nghiệp hải sản cam kết sẽ tiếp tục chung tay cùng Bộ NN và PTNT, các cơ quan quản lý và bà con ngư dân trong chương trình chống khai thác IUU.

Cụ thể, các DN cam kết: “Nói không với thủy sản khai thác IUU: Không thu mua, không nhập khẩu, không vận chuyển, không chế biến và không xuất khẩu thủy sản khai thác IUU sang bất cứ thị trường nào”.

Theo Vasep, tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến  nhấn mạnh vấn đề cốt lõi việc tháo gỡ thẻ vàng IUU là phải chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Các doanh nghiệp hải sản đã nhận thức và tuân thủ các quy định về hồ sơ, thủ tục và cố gắng thực hiện cam kết tốt nhất.

Còn các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn Chính phủ, các Ban quản lý cảng cá, các Chi cục thủy sản địa phương, các doanh nghiệp và ngư dân kiên quyết hơn, đặc biệt cần phải quyết liệt trong các cái chế tài xử phạt đối với các chủ tàu để họ thay đổi nhận thức, không đi đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, khi đó mới đạt điều kiện tiên quyết để gỡ được thẻ vàng IUU.

MỚI - NÓNG