Dự kiến khi hoàn thành, nhà máy điện rác sẽ xử lý được khoảng 70% lượng rác thải sinh hoạt tại Thủ đô. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng |
Mỗi ngày, thành phố Hà Nội phát sinh gần 7.000 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, 5.000 tấn rác thải được vận chuyển, thu gom lên bãi rác Nam Sơn, số còn lại được đưa lên bãi rác Xuân Sơn. Ngoài ra, còn một lượng lớn rác thải công nghiệp từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Theo tính toán, với đà gia tăng như hiện nay, đến năm 2030, mỗi ngày Hà Nội sẽ phải xử lý số rác thải gấp 1,5 lần con số hiện tại.
Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) - đơn vị được giao vận hành bãi rác Nam Sơn, hơn một năm nay, khối lượng rác trung bình mỗi ngày đưa vào bãi là khoảng 4.700 tấn/ngày, tương đương 1.700.000 tấn/năm. Trong đó riêng lượng nước rỉ rác phát sinh là khoảng 2.800-3.000 m3/ngày (chưa bao gồm lượng nước rỉ rác phát sinh do mưa). Do hoạt động nhiều năm, diện tích mở rộng không đáng kể lại sử dụng công nghệ chôn lấp nên các ô chứa, chôn lấp rác của bãi Nam Sơn đang trong tình trạng quá tải, vượt ngưỡng thiết kế ban đầu.
Ở phía Tây Hà Nội, bãi rác Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) cũng trong tình trạng “ngập” trong rác khi liên tục để xảy ra sự cố khiến Sở Xây dựng phải điều chỉnh phân luồng giảm tải sang bãi Nam Sơn.
Có một thực tế đã được nhắc đến từ nhiều năm nay, đó là tất cả các Khu xử lý chất thải rắn đều đã quá tải từ nhiều năm trước nhưng vẫn chậm trễ chưa có phương án xử lý. Giờ đây, các đơn vị liên quan đều phải “ăn đong” từng ngày để rác thải không bị ùn ứ.
Sau nhiều năm loay hoay với vấn nạn ùn ứ, quá tải rác thải năm 2017, Hà Nội quyết định cấp phép chủ trương xây dựng một dự án điện rác lớn thứ 2 thế giới tại Sóc Sơn. Khi hoàn thành nhà máy điện rác này sẽ xử lý được hơn 70% số rác thải sinh hoạt tại Thủ đô.
Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, nhà máy điện rác Thiên Ý sẽ chạy thử nghiệm từ nay đến tháng 11/2022. Khi chạy đủ công suất có thể tiếp nhận hơn 5.000 tấn rác/ngày, cơ bản đủ công suất tiếp nhận hiện đang chôn lấp ở bãi rác Sóc Sơn. Nhà máy đốt rác phát điện theo chuẩn hiện đại giúp tiết kiệm tài nguyên đất đai, tránh ảnh hưởng đến môi trường, cũng là mục tiêu thành phố đang hướng đến. “Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp tục khởi công, kêu gọi đầu tư các nhà máy đốt rác công nghệ khác đã có trong quy hoạch”, lãnh đạo thành phố thông tin.
Ðiện rác là xu thế tất yếu
Đến ngày 25/7 vừa qua, nhà máy điện rác Sóc Sơn do chủ đầu tư Công ty Cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội đã được hòa lưới điện quốc gia với công suất phát điện là 15 MW ở giai đoạn 1.
Thông tin từ Công ty cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội cho biết, nhà máy được khởi công từ tháng 8/2019, đến nay phần xây dựng đã hoàn thành 98%.
Tiến độ vận hành nhà máy được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 đã đi vào vận hành thử nghiệm bao gồm 1 lò đốt và 1 tổ máy. Công suất đốt rác giai đoạn 1 là 800 tấn/ngày, mỗi ngày nhà máy có thể tiếp nhận xử lý 1.000 tấn rác. Tính đến ngày 19/8/2022, lượng chất thải rắn sinh hoạt nhà máy đã tiếp nhận khoảng 45.000 tấn.
Giai đoạn 2 bao gồm 2 lò đốt và 1 tổ máy. Công tác lắp đặt thiết bị giai đoạn 2 đã hoàn thành 100% và sẵn sàng đi vào vận hành thử nghiệm. Công ty đã phối hợp với các đơn vị tư vấn hoàn thành lập hồ sơ xin cấp Giấy phép môi trường giai đoạn 2 và nộp Bộ TN&MT thẩm định và cấp giấy phép theo quy định.
Giai đoạn 3 bao gồm 2 lò đốt, 1 tổ máy. Hiện các thiết bị chính của 2 lò hơi giai đoạn 3 đã hoàn thành lắp đặt 100%, thiết bị phụ trợ dây chuyền số 2 đã hoàn thành lắp đặt 98%. Giai đoạn 3 dự kiến trong tháng 9 được cấp giấy phép bảo vệ môi trường và bắt đầu đốt rác để hiệu chỉnh trạng thái nóng thiết bị. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn tồn tại yếu tố rủi ro khách quan không kiểm soát, đó là hoàn thành thủ tục điều chỉnh từ 75MW thành 90MW vào cuối tháng 9/2022. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ không phê duyệt Quy hoạch điện VIII vào cuối tháng 9/2022 thì Công ty khó có thể hoàn thành điều chỉnh thủ tục điện vào cuối tháng 9/2022.
Ðiện rác dần trở thành xu hướng tất yếu trong xử lý rác thải tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng |
Ông Lý Ái Quân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội cho biết thêm, với những nơi mà chúng tôi đặt dự án, chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho người dân. Các dự án đốt rác sẽ giúp người dân có cuộc sống trong lành hơn, vì rác được xử lý triệt để sẽ không gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, việc đốt rác phát điện sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu điện đang xảy ra, đặc biệt tại miền Bắc.
Ngoài ra, việc đốt rác sẽ giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên đất. Vì nếu cứ tiếp tục xử lý bằng cách chôn lấp rác, thì bao nhiêu đất cũng sẽ hết. Tại các nơi chôn lấp rác, đất ở đó phải mất cả trăm năm mới tái sử dụng lại được. Thêm nữa, dự án điện rác sẽ đem lại công ăn việc làm cho người dân địa phương khi đến làm việc tại nhà máy.
“Trên thế giới, Thiên Ý đã có nhiều dự án, tại Việt Nam hiện chúng tôi có 4 nhà máy ở các địa phương như Thanh Hóa, Phú Thọ, Hà Nội... Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong muốn được phát triển thêm các dự án ở nhiều địa phương khác. Chúng tôi tin rằng trong tương lai, điện rác sẽ trở thành xu hướng tất yếu để Việt Nam xử lý vấn đề đang rất đau đầu, đó là rác thải sinh hoạt tại hầu hết các tỉnh, thành”, ông Lý Ái Quân cho biết.