Ngoài việc đưa ra phương án xử lý trên, quận Liên Chiểu còn đề nghị TP Đà Nẵng xem xét trách nhiệm của Chi cục Kiểm lâm thành phố và Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý nhưng đã buông lỏng, thiếu giám sát để việc sai phạm kéo dài.
Phạt tiền, buộc tháo dỡ
Sau khi có công văn của UBND TP Đà Nẵng giao toàn quyền việc đưa ra phương án xử lý cho cấp quận, UBND quận Liên Chiểu đã có văn bản báo cáo thành phố, trong đó, kiến nghị thành phố xem xét, sớm có chỉ đạo để quận có cơ sở triển khai.
Phương án mà UBND quận Liên Chiểu đưa ra đối với việc xử lý việc xây dựng trái phép kéo dài của hai hộ gia đình ông Phan Như Thạch và ông Ngô Văn Quang, như sau: Đối với công trình biệt thự của ông Phan Như Thạch, buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đất không được phép xây dựng theo quy định tại Khoản 1, Điều 12, Nghị định 180/NĐ-CP. UBND quận sẽ ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trước ngày 5/2/2015 và yêu cầu chủ hộ tự phá dỡ công trình vi phạm trong thời gian 35 ngày kể từ ngày ban hành quyết định (vì công trình có quy mô lớn và đúng vào thời gian Tết Nguyên đán).
Sau ngày 10/3/2015, nếu chủ hộ không chấp hành tự phá dỡ, UBND quận sẽ cưỡng chế theo qui định và chủ hộ phải chịu toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ. Ngoài ra, hộ ông Thạch cũng bị xử phạt hành chính từ 40 - 50 triệu đồng hành vi xây dựng trái phép. Khác với ông Thạch chỉ phải tháo dỡ công trình nhà 3 tầng, quận Liên Chiểu đưa ra phương án tháo dỡ toàn bộ khu biệt thự của ông Ngô Văn Quang ở đồi Chim Chim (thuộc tiểu khu 11, rừng đặc dụng Nam Hải Vân). Ông Quang cũng phải nộp phạt 40- 50 triệu đồng vi phạm xây dựng trái phép.
Chờ chỉ đạo của ông chủ tịch
Trong khi quận Liên Chiểu đưa ra phương án xử lý đúng pháp luật, được xem là mạnh tay, được dư luận hoan nghênh thì các sở, ban ngành của Đà Nẵng có liên quan lại “không có ý kiến gì”.
Ngày 20/1, UBND quận Liên Chiểu đã chủ trì, tổ chức buổi làm việc với các đơn vị có liên quan bàn biện pháp xử lý và mời ông Phan Như Thạch, ông Ngô Văn Quang thông báo về việc xử lý theo quy định của pháp luật. Cũng trong ngày này, quận đã phát công văn gửi các sở, ban ngành liên quan để tham gia đóng góp ý kiến bằng văn bản đối với việc xử lý công trình xây dựng trái phép này và gửi về UBND quận trước trưa ngày 26/1. Tuy nhiên, đến nay, UBND quận vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản phản hồi nào. Trước đó, hai cơ quan tham mưu là Sở Xây dựng và Sở TNMT đều có văn bản gửi thành phố, đề nghị xử lý theo hướng: nộp phạt hành chính, cho tồn tại vì giá trị công trình lớn.
Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo quận Liên Chiểu cho hay, không thể vị nể mà làm trái luật. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phương án của quận đưa ra, còn quyết định thế nào sẽ phải chờ lãnh đạo thành phố. “Quận mới gửi văn bản đề nghị lên UBND thành phố. Trong đó, cơ bản là đề nghị thành phố cho ý kiến thống nhất về việc xử lý. Còn phương án của quận đưa ra là bắt buộc tháo dỡ hoàn toàn” - ông Dương Thành Thị - Chủ tịch quận nói.
Được biết, quận Liên Chiểu cũng đề nghị Chủ tịch UBND thành phố xem xét về thẩm quyền xử lý việc xây dựng trái phép và sử dụng đất sai mục đích của ông Thạch và ông Quang có thuộc thẩm quyền xử lý của UBND quận hay không.
“Trường hợp sử dụng đất rừng của 2 hộ nêu trên thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân trước đây (nay là Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu) trực thuộc Chi cục Kiểm lâm và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố quản lý; đồng thời, việc xây dựng trên đất rừng diễn ra trong thời gian dài (trên dưới 20 năm). Hiện nay, việc sử dụng đất sai mục đích của hai ông vẫn thuộc trách nhiệm quản lý của chủ rừng là Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu, chưa thực hiện bàn giao cho địa phương” - lãnh đạo quận cho biết.
Như vậy, phương án cuối cùng đã được đưa ra, giờ đây chỉ còn chờ chỉ đạo của tân Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. Hôm Thứ hai vừa qua (26/1), sau khi được bầu làm Chủ tịch UBND thành phố, ông Thơ hứa sẽ mạnh tay xử lý đúng pháp luật, không vị nể.
Trong khi quận Liên Chiểu đưa ra phương án xử lý đúng pháp luật, được xem là mạnh tay, được dư luận hoan nghênh thì các Sở, Ban ngành của Đà Nẵng có liên quan lại “không có ý kiến gì”.