Ngày 28/11, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII tổ chức Hội nghị lần thứ 2. Phát biểu bế mạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Hội nghị đã thành công tốt đẹp với nhiều nội dung quan trọng.
Liên quan đến Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Chương trình kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2020 - 2025 và năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố…, theo ông Huệ, cùng với việc ban hành Quy chế mới với các quy định bổ sung và chú trọng tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ kiểm tra, giám sát các cấp, năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng trong toàn Đảng bộ sẽ có chuyển biến thực chất, đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.
“Trong quá trình tổ chức thực hiện, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cũng yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc quy định về công khai kết quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng trong các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy”, ông Huệ nêu.
Theo ông Huệ, các Thành ủy viên đồng tình, nhất trí cao về 10 nội dung lớn đối với công tác kiểm tra, giám sát trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố năm 2021.
Trọng điểm công tác kiểm tra, giám sát năm 2021 gồm: Kiểm tra công tác quán triệt, học tập và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố; việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc, chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội các cấp.
Giám sát việc thực hiện Nghị quyết 08, ngày 15/9/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố” và Chỉ thị 09-CT/TU, ngày 01/9/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn thành phố”.
Cùng với đó, sẽ kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 15, ngày 04/7/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về “xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn” và Chỉ thị 15, ngày 16/12/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”. Ngoài ra, sẽ có các cuộc kiểm tra, giám sát bất thường theo yêu cầu.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng cho biết, Ban Chấp hành cơ bản nhất trí, đồng tình về những định hướng lớn, khung chính sách về kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách và đầu tư công trung hạn do Ban cán sự đảng UBND thành phố trình và cho rằng các Kế hoạch này đã quán triệt đầy đủ mục tiêu tổng quát đến năm 2025, 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá, 14 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho cả giai đoạn 5 năm đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII.
Đối với Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, ngân sách thành phố cần tập trung đầu tư vào các dự án hạ tầng kỹ thuật khung; hệ thống các cầu bắc qua sông Hồng; những dự án trọng điểm có vai trò thúc đẩy liên kết các tỉnh vùng Thủ đô, liên kết các huyện; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các huyện phía Nam như quốc lộ 1A cũ, quốc lộ 21B, nâng cấp quốc lộ 32…) thể hiện quan điểm phát triển đồng đều; đồng thời quan tâm đầu tư thúc đẩy các huyện sớm trở thành quận trong giai đoạn 2021 - 2025.
Ban Chấp hành đồng tình nhất trí cao với các nguyên tắc lập, bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn như trong tờ trình của Ban cán sự đảng UBND thành phố; đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp, giao quyền mạnh hơn cho các quận, huyện trong quản lý đầu tư.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, ông Huệ cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã thảo luận và thống nhất mục tiêu tổng quát: Tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19 có hiệu quả. Lấy lại đà tăng trưởng gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.
Phát triển mạnh sự nghiệp văn hóa, xã hội, thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới, các hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp. Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân.
Tăng cường xây dựng, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hóa; tạo chuyển biến căn bản trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh cải cách hành chính; thăng hạng các chỉ số PCI, PARIndex; có giải pháp nâng cao chỉ số PAPI, SIPAS; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, thực thi pháp luật; tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy;...