Thanh tra Hà Nội từng thay kết luận thanh tra vụ mua chế phẩm RedOxy-3C

Nhiều hồ ở Hà Nội được xử lý ô nhiễm bằng chế phẩm RedOxy-3C
Nhiều hồ ở Hà Nội được xử lý ô nhiễm bằng chế phẩm RedOxy-3C
TPO - Thanh tra thành phố Hà Nội từng có Kết luận thanh tra số 555 về việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước các hồ trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên sau đó, chính Thanh tra Hà Nội lại thay kết luận này bằng Kết luận số 794, với nhiều nội dung khác biệt.

Ngày 20/8, Cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015”.

Hành vi của ông Hùng được cho là có liên quan đến việc mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C để xử lý các hồ ô nhiễm trên địa bàn Hà Nội.

Đáng chú ý, Thanh tra Hà Nội cũng từng tiến hành thanh tra toàn diện việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy-3C kể trên.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, ngày 12/2/2020, Thanh tra Hà Nội ban hành văn bản số 555 kết luận thanh tra việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước các hồ trên địa bàn Hà Nội.

Theo văn bản này, Thanh tra Hà Nội đánh giá, qua thanh tra còn thấy có một số tồn tại. Cụ thể, sau khi có kết quả thử nghiệm bước đầu và trong khi tổ công tác chưa có báo cáo đánh giá kết quả thử nghiệm đối với 3 hồ (Hố Mẻ, Ba Mẫu, Giáp Bát), UBND thành phố chưa có văn bản cho phép nhân rộng, thì ngày 26/9/2016, Cty Thoát nước Hà Nội đã có văn bản gửi Sở Tài chính, Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội đề nghị mua 141 tấn chế phẩm RedOxy-3C (20 tấn bằng đường hàng không và 121 tấn bằng đường biển) để xử lý ô nhiễm 81 hồ nội thành. Theo thành tra, việc làm này là nóng vội.

Mặc dù đến ngày 31/10/2016 (sau khi tổ công tác có báo cáo đánh giá, UBND thành phố có văn bản chấp thuận cho nhân rộng), Cty Thoát nước mới thực hiện ký hợp đồng mua chế phẩm RedOxy-3C nhưng thiếu sót này thuộc trách nhiệm của ông Võ Tiến Hùng – Giám đốc Cty Thoát nước (người ký văn bản).  

Bên cạnh đó, Sở Tài chính và Liên ngành đã có nhiều văn bản đề nghị Cty Thoát nước đàm phán, thỏa thuận ký hợp đồng mua 141 tấn chế phẩm Redoxy 3C là chưa thận trọng. Thiếu sót này thuộc Ban Giá (Sở Tài chính), người ký văn bản là ông Phạm Công Bình – Phó Giám đốc Sở Tài chính (nay đã nghỉ hưu).

Thanh tra Thành phố Hà Nội cũng kết luận, quá trình Cty Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm RedOxy-3C, giá mua chế phẩm có biến động tăng do tỷ giá ngoại tệ tăng, Cty đã báo cáo thành phố và các sở. UBND thành phố Hà Nội sau đó giao cho Sở Tài chính chủ trì cùng Sở Xây dựng có ý kiến. Liên tờ trình của 2 sở này ngày 31/10/2017, báo cáo thành phố, trong đó viện dẫn Điều 1, Điều 22 của Luật Đấu thầu năm 2013 là không phù hợp với nội dung Cty Thoát nước xin ý kiến về giá mua chế phẩm.

Cũng theo Kết luận số 555, UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát chất lượng nước sau xử lý bằng chế phẩm RedOxy-3C, nhưng đến thời điểm kết luận, Sở Xây dựng chưa thực hiện. Thiếu sót này thuộc phòng Hạ tầng kỹ thuật, Ban Duy tu và của người đứng đầu đơn vị là ông Lê Văn Dục.

Từ những vấn đề trên, tại kết luận số 555, Thanh tra giao Sở Tài chính thông báo đến ông Phạm Công Bình – Nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính rút kinh nghiệm đối với thiếu sót đã nêu tại kết luận. Giao Giám đốc Sở Tài chính, Sở Xây dựng tổ chức rút kinh nghiệm đối với các phòng, ban trực thuộc về tồn tại đã nêu.

Tuy nhiên chỉ 14 ngày sau khi Kết luận thanh tra số 555 được ban hành, Chánh thanh tra thành phố Hà Nội Nguyễn An Huy lại ký ban hành Kết luận thanh tra số 794, ngày 26/2/2020, thay thế Kết luận số 555.

Kết luận 794 của Thanh tra thành phố Hà Nội, những vấn đề tồn tại đã được chỉ rõ ở kết luận số 555 không còn.

Thay vào đó, Kết luận 794 chỉ nêu ra thực trạng xử lý ô nhiễm ở các hồ trên địa bàn, đơn vị sản xuất, đơn vị phân phối chế phẩm Redoxy-3C, quá trình thử nghiệm, mua chế phẩm về quản lý, sử dụng...
MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.