Thành tổ Triết Vương Trịnh Tùng, phập phồng phần mộ

Mộ Thành tổ Triết Vương Trịnh Tùng tại làng Sáo Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Xuân Ba
Mộ Thành tổ Triết Vương Trịnh Tùng tại làng Sáo Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Xuân Ba
TP - Ít hôm nữa là chính kỵ Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm (18 tháng 2 ÂL). Những sải chân lang thang ở xứ quê chợt rẽ vào một phần mộ sè sè nấm đất... Mộ người con trai cụ Trịnh Kiểm từng tốn không ít giấy mực trong sử sách Đại Việt, Thành tổ Triết Vương Trịnh Tùng.

> Kỳ II: Chuyện rước mười một vị Chúa về quê Biện Thượng

Mộ Thành tổ Triết Vương Trịnh Tùng tại làng Sáo Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Xuân Ba
Mộ Thành tổ Triết Vương Trịnh Tùng tại làng Sáo Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Xuân Ba.
 

Thảng thốt chuyện mả tặc đào mộ cổ

Ấy là một đêm về sáng tháng bảy năm 1992.

Chủ tịch xã Vĩnh Hùng (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) Lê Đình Viên đột ngột bị người nhà dựng dậy. Tiếng chó rộ lên cùng với những sải chân gấp gáp. Bám theo tốp dân quân, ông Viên tới khu vực Thác Sơn thuộc địa phận Sáo Sơn của xã nhà thì đã sáng bạch.

Một đám đông xúm xít chỗ mấy đám ruộng. Một cảnh tượng lạ lùng mà đến tận bây giờ 20 năm sau thuật lại, ông cựu chủ tịch xã chất giọng vẫn còn thảng thốt. Một khoảng đất đào xới nham nhở, ở giữa chình ình một chiếc quách to tướng màu trắng ngà đã phá toang hoác.

Giữa quách là cỗ quan tài màu nâu đất cũng đã bật ván thiên. Vải lụa các màu sặc sỡ vung vãi xung quanh bao bọc lấy một hình cốt màu vàng ngà.

Ông xã đội trưởng hổn hến báo cáo lại rằng có kẻ đào trộm mộ. Ông Cấp nhà ở gần đó giọng cũng hổn hển rằng từ chặp tối đã thấy chó cắn rộ. Nhà ông Cấp ở ven làng Sóc Sơn, cạnh nhánh con suối có tên là Thác Sơn đổ vào sông Mã.

Mãi đầu những năm 60, ông Cấp cùng mấy hộ rời trung tâm xã Vĩnh Hùng đất chật người đông lên định cư ở đây. Mấy khoảng ruộng mà đột nhiên phát lộ ra ngôi mộ này gần nhà ông Cấp vốn phẳng lỳ bằng địa hàng bao năm nay tuyệt nhiên không có gò đống gì hết.

Thế mà lạ lùng, không biết căn cứ vào đâu bọn đào trộm lại tăm đúng mộ khơi ra toang hoác như thế này? Nghe chó cắn rộ nhưng ông Cấp coi là sự thường vì xóm trại hẻo lánh. Nhưng gần về sáng nghe âm thanh lịch kịch mơ hồ vẳng lại, ông Cấp cầm đèn pin đi ra thì có tiếng chân chạy huỳnh huỵch. Ra đến nơi thoạt thấy cảnh tượng ấy ông Cấp đành hoảng hốt la làng...

Quan sát và chắp nối lại các chi tiết, ông Viên cùng Ban lãnh đạo xã nhận định bọn đào trộm mộ táo tợn đã đào trúng ngôi mộ cổ! Không biết chúng đã khoắng được những gì? Số vải vóc vương vãi càng rộ thêm lời đồn rằng có vàng bạc châu báu tùy táng?!

Hồi ấy có một bọn đào trộm mộ đã liều lĩnh quật mộ bà thứ phi của Chúa Trịnh Tráng tại thôn Đa Bút cách Vĩnh Hùng chỉ hơn 2km (làng Đa Bút, di chỉ khảo cổ nổi tiếng, nơi yên nghỉ nhiều bà phi của các Chúa Trịnh).

Tại hiện trường, người ta cũng thấy nhiều vải vóc vương vãi và lạ thay, không gian quanh mộ cứ phảng phất một mùi hương rất lạ in hệt như ngôi mộ gần nhà ông Cấp này(?)

Người coi mỗi lúc một đông thêm. Người ta hướng về phía Khu Lăng mộ nhà Trịnh cách đó khoảng hơn cây số phỏng đoán rằng ngôi mộ này dứt khoát thuộc về dòng nhà Trịnh? (Cũng cần nói thêm, Khu Lăng mộ nhà Trịnh bên chân núi làng Sáo Sơn đời đời yên nghỉ các viễn tổ nhà Trịnh như Trịnh Kỷ, Trịnh Liễu, Trịnh Lan, Trịnh Lâu...

Cụ Trịnh Lâu sinh ra cụ Trịnh Kiểm thân phụ Thành Tổ Triết vương Trịnh Tùng. Lẩu lâu trước thời tiền Lê đã hiền hòa một làng Sáo Sơn nép dưới núi Báo và bên dòng sông Mã nay là thôn Sóc Sơn, xã Vĩnh Hùng. Núi Báo là tâm điểm cuộc khởi nghĩa của Tống Duy Tân...)

Ngay sau đó, các cụ tộc Trịnh Vĩnh Hùng như cụ Trịnh Phỏng, Trịnh Đản... lập tức có mặt. Người ta phỏng đoán có thể đây là mộ một người có máu mặt của họ Trịnh, nhưng vẫn mơ hồ và phỏng đoán vì lấy chi để làm bằng? Một số cụ hăng hái đề nghị đã là mộ thuộc họ Trịnh thì phải đưa về an táng ngay trong khu vườn của Phủ Trịnh (di tích lịch sử đã được nhà nước công nhận) tại Trung tâm xã!

Để làm bằng, một cụ họ Trịnh (nguyên là Chủ tịch huyện Vĩnh Lộc) còn trưng ra những dòng trong Trịnh Gia Chính Phả thế này: Trịnh Tùng sinh năm 1548 mất năm 1623. Mất ngày 20 tháng 8 năm Quý Hợi niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 5, tức là năm 1623, thọ 74 tuổi. Tôn phong Triết Vương tên hèm là Ruệ Vũ, miếu hiệu là Thành Tổ. Lăng ở làng Sáo Sơn.

Cụ khẳng định, chính phả nhà Trịnh đã ghi rõ như thế. Hàng mấy trăm năm vật đổi sao rời, Lăng bị mất dấu, thành bình địa cũng là điều dễ hiểu! Vậy đây dứt khoát là phần mộ của Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng!

Trước những bàn cãi rộ lên như thế, mọi người đều nhất trí với ý kiến của ông Chủ tịch xã Lê Đình Viên là để tránh những huyên náo đồn đại không cần thiết, một mặt cử người cấp báo cho cơ quan cấp trên như công an và Sở Văn hóa tỉnh để họ về điều tra nghiên cứu, mặt khác mộ phát lộ ở đâu thì cứ để yên chỗ đó chờ cấp trên về coi xét!

Phần việc trước mắt phải lo là sang cát (chuyển hài cốt từ quan tài sang tiểu sành) tử tế cho ngôi mộ vừa bị quật trộm. Chất giọng run rẩy, ông Viên kể lại rằng, những vải lụa vương vãi từ ngôi mộ hình như chỉ nửa buổi màu đã nhạt và mủn dần.

Lạ nữa, không biết người nằm trong quan là ai, chôn chắc đã lẩu lâu nhưng chắc phải là một ông tướng (?) vì ngoài chất cốt vàng hươm ra phải là một hình thể khác với người thường? Bình sinh việc sang cát, phần cốt thường chỉ lưng lửng tiểu, nhưng chiếc tiểu sành bình thường vừa được đưa cấp tốc đến, cốt ngài xếp chật ních cả! Ông Viên còn nhớ mãi đốt xương sống của ngài gồ mấu như cái chén tống uống nước. Chắc bình sinh ngài phải rất cao lớn lực lưỡng.

Bữa ấy cả một khúc xóm thơm ồn lên một thứ hương lạ mà làng Sáo Sơn cũng như xứ này chưa bao giờ có. Thứ gỗ làm quan tài không biết bằng gỗ gì nhưng chắc phải thứ quý hiếm. Vùi hàng bao lâu trong đất sâu như vẫn bóng lọng vẫn rắn như đinh bốc mùi thơm rất khó tả, người ta đem đốt lên thì cháy như đình liệu. Rất nhiều người thó những mảnh con con đem về mà chả ngại chi.

Một trong mẫu Lăng mộ Thành tổ Triết Vương Trịnh Tùng . Ảnh: Xuân Ba
Một trong mẫu Lăng mộ Thành tổ Triết Vương Trịnh Tùng.
Ảnh: Xuân Ba.
 

Phập phồng hy vọng

Tôi nhỡ dịp không có mặt ở quê cái ngày cơ quan chức năng về Sáo Sơn thẩm định danh tính phần mộ. Công an có mở những cuộc điều tra ráo riết, nhưng cũng như bọn đào trộm mộ bà thứ phi Chúa Trịnh Tráng, thủ phạm vụ đào trộm mộ ở làng Sáo Sơn cho đến tận bây giờ, 20 năm sau, vẫn biệt vô âm tín. Nhưng nhờ sự vào cuộc của nhiều cơ quan văn hóa, người ta đã có kết luận hệt như cụ nguyên Chủ tịch huyện Vĩnh Lộc bữa ấy đã trưng ra bằng chứng trong Trịnh Gia Chính Phả!

Xã nghèo Vĩnh Hùng những năm gần đây đời sống có kha khá lên. Nội một xã mà có tới 3 di tích lịch sử quốc gia kể cũng ghê! Phủ Trịnh, nơi phát tích nhà Trịnh. Nghè Vẹt nơi thờ Đại Vương Trịnh Ra và 12 Chúa Trịnh.

Đền thờ tướng Hoàng Đình Ái (vị tướng có công phò Minh Khai Thái Vương Trịnh Kiểm và Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng đánh nam dẹp bắc khôi phục cơ đồ nhà Lê). Thêm một di tích cấp tỉnh nữa là khu Lăng mộ Trịnh Tùng.

Khu Lăng mộ Trịnh Tùng chính là nơi bọn mả tặc khơi gần nhà ông Cấp 20 năm trước. Hàng bao năm ngôi mộ ở vị trí cũ vẫn khiêm nhường nép vào bờ ruộng. Sau này có tu tạo thêm chút nếu để ý đi tìm thì mới nhận ra bởi một lá cờ hội cắm bên mộ vào ngày Tết.

Nhiều cuộc hội thảo về huân nghiệp Trịnh Tùng đã được tổ chức với sự tham góp của ngành lịch sử văn hóa T.Ư và Thanh Hóa. Công bằng và tất nhiên cả hào phóng nữa, người ta thấy cần phải xây dựng một khu lăng mộ cho xứng với huân nghiệp của vị Chúa này.

Tôi đã may mắn được dự các hội thảo ấy cùng với việc nhiều lần chiêm quan sơ đồ khu lăng mộ. Thứ phối cảnh thứ chi tiết. Trong đó bắt mắt có lẽ là tác phẩm của hai anh em ruột trực hệ cụ Trịnh Tùng là KTS Trịnh Hồng Triển và KTS Trịnh Hồng Đoàn.

Phải là nhiệt tâm với tiền nhân lắm thì một ông nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội và một ông nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Kiến trúc mới vẽ ra được những thứ như thế? Nhưng vấn đề vẫn là tiền đâu? Lắm lắm những hoang mang trước con số nhiều tiền tỷ. Đã đành nhà nước mình quan tâm nhưng lưng vốn có hạn.

Phần đóng góp của con cháu họ Trịnh cũng khá nhưng biết bao năm gom góp lại những nhỏ lẻ ấy mới đủ chi dùng? Tôi nhớ có lần về Phủ Trịnh dâng hương, ông Bí thư Vĩnh Phúc hồi đó là Trịnh Đình Dũng (nay là Bộ trưởng Bộ XD) nghe BQL Phủ phàn nàn đương kẹt tiền cạp bờ ao trước Phủ bèn về rút ngay 50 triệu tiền tiết kiệm ra cung tiến. Con cháu nhà Trịnh tứ tán khắp thế giới, hằng tâm thì không hồ nghi nhưng mấy người hằng sản được như thế?

Thời gian vùn vụt, gần mươi năm nay, người quan tâm xứ Thanh và bà con họ Trịnh vẫn phập phồng đợi. Lấy những mốc khác thì chả nên nhắc lại nhưng mới toanh thì quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa với nội dung phê duyệt báo cáo KTKT xây dựng công trình khu Lăng mộ Thành tổ Triết Vương Trịnh Tùng (đề ngày 9-11-2011), trong đó những hạng mục quan trọng như Khu lăng mộ, Nhà bia, Cổng tứ trụ, Hậu chẩm, Sân chầu, Hồ bán nguyệt vv... trên diện tích 10.996 m2. Khu lăng mộ thuộc công trình văn hóa cấp II với tổng kinh phí gần 13 tỷ.

Tôi hồi hộp gạn thêm ông Trịnh Hưng, Chủ tịch HĐ Tộc Trịnh Việt Nam rằng cứ như lời văn được ghi trong QĐ tại mục nguồn vốn đầu tư theo kế hoạch và các nguồn huy động hợp pháp khác là thế nào thì được biết thêm, đi kèm QĐ ấy không phải chủ đầu tư có ngay 13 tỷ! Có lẽ chỉ một phần. Phần quan trọng vẫn là hằng tâm hằng sản của bà con tộc họ. Có phép rồi cứ khởi công đi đã rồi tính sau...

Chớm tháng ba dương mà vẫn chưa thấy động tĩnh gì việc khởi công khu lăng mộ. Dân vẫn phập phồng một niềm hy vọng chứ chẳng phải nghi ngại về một quyết định hợp lòng dân, hợp xu thế để kết nối một vùng du lịch tâm linh. Ấy là một trục liền nhau trong bán kính 10km2 đậm đặc những di tích Phủ Trịnh - Nghè Vẹt- Đền Hoàng Đình Ái - Khu Lăng mộ Trịnh Tùng - Đàn Tế Nam Giao Núi Đún - Thành Nhà Hồ - Suối cá thần Cẩm Lương (cách đó hơn chục cây số).

Thành tổ Triết Vương Trịnh Tùng - vị Chúa Trịnh đầu tiên

Trịnh Tùng (1550-1623) là con trai của Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm với phu nhân Ngọc Bảo, con gái cưng của Thái sư Nguyễn Kim- người dựng cờ “phù Lê diệt Mạc” ở nửa đầu thế kỷ 16.

Trịnh Tùng sớm bộc lộ thiên tài quân sự bẩm sinh, “thần cơ diệu toán”, bách chiến bách thắng. Ông phải gánh vác trọng trách quốc gia đang vận suy sụp, “trứng treo đầu đẳng” khi vừa mới tròn 20 tuổi.

Sử sách chép, nếu sự nghiệp trung hưng nhà Lê (chống Nhà Mạc) được Nguyễn Kim khởi xướng từ năm 1533 và Thái Vương Trịnh Kiểm đứng mũi chịu sào chèo chống con thuyền suốt 25 năm (1545 – 1570) và Nam triều cũng chỉ có thể gây dựng làm chủ được hai trấn từ Thanh Hóa trở vào, thì chỉ trong già nửa thời gian ấy, Trịnh Tùng đã đưa công nghiệp “phò Lê” dang dở của cha về đến đích vẻ vang, oanh liệt. Ông đã kết thúc mỹ mãn sự nghiệp trung hưng đầy gian truân, “ca khúc khải hoàn” đưa vua Lê trở lại ngai vàng nơi đế đô Thăng Long. Là người mở nền “Thái bình cho trăm họ”, an dân, dựng lại nguyên khí Đại Việt sau gần 100 năm lầm than, suy kiệt.

Uy danh của Bình An vương Trịnh Tùng không những lừng lẫy trong nước, mà vang dội đến Trung Quốc. Vua nhà Minh cử sứ thần là Vương Kiến Lập sang Đại Việt tặng Bình An vương Trịnh Tùng 8 chữ vàng: Quang hưng tiền liệt, Đinh quốc nguyên huân (Công đứng đầu làm rạng rỡ công đức tổ tiên, làm cho nước yên ổn thái bình) và ban đai ngọc, mũ xung thiên, ngựa tốt; đồng thời ca ngợi Trịnh Tùng là Chân anh hùng và tặng tôn hiệu Đại nguyên soái.

Trong Lịch Triều Hiến chương loại chí, sử gia Phan Huy Chú đã viết về Trịnh Tùng “… Ông tính khoan hòa, yêu người, khéo vỗ về tướng sĩ, dùng binh như thần…Ông thực sự làm chúa, cầm quyền chính, công lao sự nghiệp danh vọng lừng lẫy…”.

Xét theo thế thứ, ông là đời thứ hai của họ Trịnh kế tục việc “phù Lê” suốt 249 năm dằng dặc trong lịch sử Việt Nam. Phải từ thời Trịnh Tùng trở đi, họ Trịnh mới nhận tước vương khi còn tại vị, được gọi là chúa và lập thế tử, nên ông được xem là vị chúa Trịnh chính thức đầu tiên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG