Thành phố ngầm - Nơi người Việt được tin cậy

Thành phố ngầm - Nơi người Việt được tin cậy
TP - Thị trấn Viengxay (Lào) hiện ra thật nhỏ bé bởi xung quanh sừng sững, trùng điệp những dãy núi đá. Ít người biết đây là thành phố ngầm từng có tới 23.000 người sinh sống và chiến đấu dưới mưa bom suốt 9 năm ròng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

> Nhà nước Lào trao Huân chương cho tướng lĩnh Việt Nam

Nhiều thập niên sau năm 1975, thành phố ngầm Viengxay là vùng đất cấm đối với người nước ngoài, hầu hết thông tin đều được bảo mật, vì đây từng là đại bản doanh, căn cứ địa cách mạng độc đáo có một không hai trên thế giới của Mặt trận Pathet Lào trong những năm đánh Mỹ.

Tuy nhiên, những năm gần đây, Lào đã tôn tạo 7 hang động (từng là nơi trú ngụ của lãnh đạo Chính phủ kháng chiến) trong số hàng trăm hang thuộc dự án du lịch cứ địa Viengxay để đón khách tham quan. Nhiều hang động khác đang được một số tổ chức quốc tế hỗ trợ trùng tu hứa hẹn biến nơi đây thành điểm tham quan du lịch độc đáo, hấp dẫn.

Nhờ địa hình hiểm trở, núi đá trùng điệp với hệ thống hang động dày đặc, thuận đường tiến lui, Pathet Lào đã chọn Viengxay làm căn cứ kháng chiến. Bộ đội Việt Nam đã hỗ trợ biến nơi đây thành một thành phố ngầm có tới 23.000 quân dân sinh sống và chiến đấu dưới mưa bom suốt 9 năm ròng, cho đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ giành thắng lợi.

“Người Việt Nam không phải người nước ngoài”

Viengxay là huyện miền núi xa xôi cách trở thuộc tỉnh Houaphan (Lào) tiếp giáp với huyện Quan Sơn, Thanh Hóa, Việt Nam.

Cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa) chỉ cách thị trấn Viengxay của huyện này khoảng 60km nhưng chiếc Toyota Vigo của chúng tôi phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ vật lộn với đèo dốc quanh co, mặt đường toàn đá cấp phối.

Tuy nhiên phong cảnh hai bên đường thật hoang sơ, thơ mộng khiến những người ít lãng mạn nhất cũng phải ngẩn ngơ.

Bên trái đường, dòng sông Mã đỏ nặng phù sa, thảng hoặc lại gầm lên hung dữ như trong bài thơ Tây tiến của Quang Dũng. Phía bên phải điệp trùng đồi núi với những cánh rừng thâm u, rẫy lúa bắp tươi tốt của người Lào Sủn, những vạt sim, mua tím ngát; đồi hoa trạng nguyên đỏ rực sưởi ấm tiết trời âm u giá lạnh thay cho ánh dương bởi vào mùa mưa nhiều khi hàng tuần không thấy ánh mặt trời.

Nhiều thác nước trườn qua vách núi tung bọt trắng xóa bên đường. Khoảng 6 - 7 giờ chiều, từng tốp 5 -7 người cùng nhau đi tắm thác. Các cô gái tóc vấn cao, xà rông quấn ngang ngực để lộ bờ vai trần thon thả và làn da ngăm thật duyên dáng. Một vài phụ nữ lớn tuổi chỉ quấn xà rông ngang bụng và thoải mái tắm gội với bộ ngực trần.

Dưới chân núi hùng vĩ là đồng lúa mênh mông của người Lào Thưng - dân tộc hiếu khách nhất trong số hàng chục tộc người sinh sống trên đất Lào.

Nhà cửa lác đác, chủ yếu là nhà sàn nhỏ xinh xắn làm bằng gỗ (kể cả mái) trông xa cứ như chuồng chim câu và hầu như nhà nào cũng có ăng ten chảo; sân vườn rất nhiều hoa cỏ dại; phía dưới nhà sàn thường có bếp lửa để nấu nướng, sưởi ấm cho người và gia súc.

Máy lọc oxy trong phòng trú ẩn khẩn cấp ảnh: Kim ANh
Máy lọc oxy trong phòng trú ẩn khẩn cấp ảnh: Kim ANh.

Thoáng thấy bóng khách lạ, mấy đứa trẻ mặt mũi lem luốc đang nướng khoai lang kêu lên “Hey, khone tang mak thết!” (Ồ, người nước ngoài!).

Người đàn ông gần 60 tuổi xuất hiện và vui vẻ chào hỏi chúng tôi bằng tiếng Việt: “Xin chào! Từ Việt Nam sang phải không?”. Ông tên là Buon Khong - cựu chiến binh Lào, từng được cử sang huấn luyện ở Việt Nam mấy năm.

Vừa mời khách vào sưởi ấm, ăn khoai nướng, ông vừa quay sang giảng giải điều gì đó với mấy đứa trẻ. Anh Hùng - Việt kiều sinh sống hơn chục năm ở Lào dịch lại lời ông: “Việt Nam với Lào thân thiết như anh em ruột thịt. Người Việt Nam không phải người nước ngoài”.

Anh Hùng khuyên chúng tôi khi đến Lào, đặc biệt là Viengxay bí quá thì cứ nói tiếng Việt vì khá nhiều người vùng này từng học tập tại Việt Nam hoặc cùng sống, làm việc và chiến đấu với người Việt. Nếu lỡ bộ đường thì cứ ghé vào nhà dân xin ngủ nhờ vì họ quý người Việt lắm.

Thành phố ngầm - 23.000 người

Đường hầm xuyên núi do bộ đội Việt Nam thi công
Đường hầm xuyên núi do bộ đội Việt Nam thi công.
 

Thông tin này nhanh chóng được kiểm chứng bởi chị Phang Xy - hướng dẫn viên cứ địa Viengxay. Chị cho biết từ năm 1964 - 1975, chiến tranh diễn ra rất ác liệt. Viengxay bị cày nát dưới mưa bom của quân đội Mỹ nên quân dân phải dời vào sống và chiến đấu trong 500 hang động tự nhiên ẩn sâu trong các dãy núi hẻo lánh, lúc cao điểm lên tới 23.000 người.

Thành phố ngầm trong hang đá này không chỉ là sở chỉ huy của Chính phủ kháng chiến (Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane, Hoàng thân Souphanouvong, Đại tướng Khamtay Siphandone...) mà còn có cả trường học, bệnh viện, nhà hát, nhà in, xưởng may, ngân hàng, trạm phát thanh, cửa hàng bánh mì...?

Leo 30 bậc đá sát vách núi, chúng tôi chui vào hang của Tổng Bí thư và không khỏi ngạc nhiên bởi điều kiện làm việc và sinh hoạt quá đơn sơ: Phòng họp chỉ có bộ bàn ghế bằng gỗ giữa lòng hang; ngách bên là phòng nghỉ của Tổng Bí thư và 6 phản giường để các đồng chí trong Bộ Chính trị nghỉ trưa hoặc tạm lánh chờ ngớt tiếng bom.

Hiện vật trong hang cũng rất ít ỏi: Chỉ có máy điện thoại để bàn (loại quay số), chiếc đèn dầu con con, bình hoa, bình thủy và bộ ấm chén bằng gốm... phần lớn do Việt Nam tặng. Cạnh đường hầm thoát hiểm là phòng trú ngụ khẩn cấp với cửa sắt kiên cố và được trang bị máy lọc oxy do Liên Xô tài trợ để đề phòng địch phóng khí độc.

Theo lời chị Phan Xy, hang tự nhiên khá nhỏ nên bộ đội Việt Nam phải hỗ trợ đục đá để mở rộng ra rồi xây thêm bằng xi măng sao cho hang của mỗi lãnh tụ có thêm các phòng dành cho con cái, bảo vệ, bác sĩ...

Lúc bấy giờ rất hạn chế về máy móc, thuốc nổ nhưng lực lượng công binh đã biến những việc tưởng chừng không thể thành có thể: Hầu như chỉ với sức người và những cái búa, đục thô sơ mà đục xuyên núi đá tạo thành hang nhân tạo, những đường hầm thông qua các hang khác hoặc lối thoát hiểm ra ngoài...

Đặc biệt, đường hầm từ nơi làm việc của Tổng Bí thư đến phòng họp của Bộ Chính trị dài tới 42m, ngang 1,2m và cao 2m được đào khoét công phu trong suốt 7 tháng, lúc cao điểm có cả trăm người thi công liên tục cả ngày lẫn đêm.

Hang được cải tạo, xây dựng lớn nhất là hội trường Bộ Quốc phòng ở núi Na Cay sức chứa hàng ngàn người với đầy đủ sân khấu, nơi hóa trang của các diễn viên, ghế đại biểu danh dự...

Theo ông Buon Khong, trước kia người dân địa phương đi rừng phát hiện voi ra vào hang này nên đặt tên là Xang lot day (hang voi vô được). Bộ đội Việt và Lào đã cải tạo xây tường, làm trần cao hơn, đổ bê tông nền...biến Xang lot thành nơi hội họp của quân đội cũng như các buổi diễn kịch, ca nhạc của văn công trong và ngoài nước (Liên Xô, Việt Nam...).

Mặc cho máy bay Mỹ liên tục bắn phá làm sạt lở nhiều ngọn núi, hang Xang lot khổng lồ vẫn luôn an toàn.

Tường chắn tên lửa trước hang Đại tướng Khamtay Siphandone
Tường chắn tên lửa trước hang Đại tướng Khamtay Siphandone.

Gần Xang lot day là hang của Đại tướng Khamtay Siphandone với một bức tường bê-tông dày 2m, cao 6m, dài 9m án ngữ phía trước có thể ngăn được cả tên lửa. Bộ đội còn khoét những lỗ thông từ các hang lên đỉnh núi để đặt những khẩu pháo cao xạ đánh trả địch.

Dưới mưa bom và đạn rốc - két, nhiều chiến sĩ đã hy sinh nhưng những họng pháo vẫn không ngừng nhả đạn. Bên vách núi là các bếp nấu ăn Hoàng Cầm với đường ống dẫn khói bằng thép ẩn trong vách; đầu ra của ống được thiết kế sao cho khói ra mỏng như sương chứ không dày đặc như khói để che mắt địch.

Mỗi ngày chỉ nấu nướng một lần vào sáng sớm nhằm đề phòng trực thăng Mỹ phát hiện ném bom.

Con đường đầy ổ trâu, ổ voi cho tới ngã ba rẽ vào trung tâm huyện lỵ. Từ đó, tuyến đường mới được thảm bê tông nhựa phẳng phiu dẫn đến Viengxay. Hồ nước mênh mông, bãi cỏ xanh mượt nhưng hàng quán, nhà dân rất thưa thớt. Tuy nhiên, có nhiều khách sạn, nhà hàng đang được gấp rút xây dựng.

Hang động trú ẩn của Ông Hoàng đỏ

d
Mộ con trai Hoàng thân Souphanouvong ở cứ địa Viengxay

Bên trong hang của Hoàng thân Souphanouvong (biệt danh Ông Hoàng đỏ nổi tiếng trên chính trường thế giới) cũng được cải tạo và trang bị tương tự như hang của Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane.

Là con trai út của Phó vương Bounkhoong, hoàng tử Souphanouvong thành thạo 8 thứ tiếng, từng là sinh viên ở Hà Nội, sau đó học ở Pháp rồi trở về làm kỹ sư cầu đường ở Nha Trang, lấy người vợ Việt Nam Nguyễn Thị Kỳ Nam sinh hạ mười người con, tám trai, hai gái.

Ông được giác ngộ cách mạng bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh và duy trì tình đồng chí keo sơn qua nhiều năm.

Ông từng bị quân đội của chính phủ Lào thân Mỹ bắt giam tại Viêng Chăn vào tháng 7-1959.

Đến tháng 5-1960, 9 chiến sĩ tình báo và đặc công Việt Nam được phái sang phối hợp với các đồng chí Pathet Lào hoạt động bí mật trong nội thành giải cứu thành công Hoàng thân Souphanouvong và 15 người khác khỏi trại giam Phôn Khênh. Sau đó ông về căn cứ Viengxay tham gia lãnh đạo quân Pathet Lào.

Cách bài trí bên ngoài hang của ông mang đậm cốt cách của một ông hoàng yêu nước: Cây hoa thuộc họ hoa lốc (Polemoniaceae) nghĩa là ngọn lửa với sắc màu đỏ rực tượng trưng cho cách mạng được trồng khắp nơi xung quanh hang.

Trước cửa hang có cây bưởi quý (chiết từ cây bưởi của Bác Hồ trong Phủ chủ tịch ở Hà Nội) do Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang sang tặng vào năm 1972.

Ông còn cho xây dựng một nhà sàn theo mô hình nhà sàn Bác Hồ trong khu vườn; xây mộ tưởng nhớ cậu con trai cả (từng đi học ở Liên Xô về) đã bị quân đặc vụ địch giết ở gần hang.

Ông đích thân thiết kế xây dựng ao thả cá mang hình trái tim từ hố bom lớn gây ra bởi máy bay Mỹ với ngụ ý rằng kẻ thù đã bắn vào trái tim của nhân dân Lào.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG