Khu kinh tế cửa khẩu đìu hiu:

Thành phố mặt trời 'chết lâm sàng'

Những công trình trăm tỷ bỏ hoang. Ảnh: Văn Minh
Những công trình trăm tỷ bỏ hoang. Ảnh: Văn Minh
TP - Hình ảnh xe cộ, khách thập phương tấp nập đổ về các siêu thị miễn thuế ở khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) chỉ còn trong ký ức của nhiều người. Giờ đây, các trung tâm thương mại, siêu thị, khu phi thuế quan ở khu kinh tế cửa khẩu này đang “chết lâm sàng”...

Những công trình trăm tỷ bỏ hoang

Những ngày đầu tháng 9/2019, phóng viên Tiền Phong tận mắt chứng kiến cảnh vắng hoe, chốt gác trống trơn tại các siêu thị miễn thuế ở khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Phía trong cổng chào, các cửa hàng miễn thuế đóng cửa, bỏ hoang, rệu rã theo thời gian. Những dự án nhà ở trăm tỷ nằm “đắp chiếu”…

Từ con đường chính đi vào cổng, bên tay trái bãi xe rộng thênh thang không một bóng xe cộ. Bên phải là một loạt các siêu thị, cửa hàng miễn thuế cũng nằm chơ chỏng. Các tấm quảng cáo, vật liệu trang trí bên ngoài cửa hàng bóng tróc, hư hỏng. Phía sau cửa kính là những vật dụng của siêu thị như xe đẩy hàng, kệ hàng, quầy thông tin…nằm ngổn ngang, lộn xộn trên sàn.

Tiêu điều nhất là các dự án nhà ở liền với khu đô thị cửa khẩu từng được giới truyền thông gọi với cái tên rất chất “thành phố Mặt trời” rộng cả trăm hecta. Chạy theo các trục đường nhựa, hai bên đường là những công trình nhà ở trăm tỷ bỏ hoang, xây dang dở. Cỏ mọc um tùm, bao phủ những khối xi măng cốt thép đã hoen gỉ.

Nằm phía ngoài trục đường chính vào cửa khẩu Mộc Bài, khu đô thị được đầu tư đường giao thông, điện nước đầy đủ nhưng thưa người ở. Một số dãy nhà cho thuê để bán hàng nước, quán cơm cho cánh tài xế xe tải, container chở hàng qua Campuchia.

Nỗi bật nhất là dãy nhà văn phòng một trệt hai lầu ở mặt tiền trục đường chính bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng. Quan sát phía trên dãy nhà dễ thấy dòng chữ  Công ty Cổ phần địa ốc An Phú, Công ty Amasco… to hoành tráng. Nơi đây thỉnh thoảng là điểm dừng của các cánh tài xế xe tải, xe container nghỉ ngơi, trốn nắng trong khi chờ tới giờ qua cửa khẩu.

Cách dãy nhà này không xa, nằm đối diện bên kia trục đường chính là khu vực bến xe Mộc Bài cũng trong tình trạng vắng khách, những chiếc xe buồn không muốn lăn bánh. Dãy nhà văn phòng cạnh bến xe cũng bỏ hoang, tiêu điều. Chỉ còn lại vài căn được dùng làm phòng điều hành bến xe, đặt trạm y tế.

Chứng kiến những hình ảnh này, không ai không cảm thấy xót xa, đứt ruột cho một nơi từng kỳ vọng sẽ trở thành “thành phố Mặt trời” nằm dọc biên giới Tây Nam của Tổ quốc. “Chỉ mới đây vài năm thôi, các trung tâm thương mại, cửa hàng siêu thị miễn thuế,…nhộn nhịp người mua, người bán nay chỉ còn lại khung cảnh ảm đạm, hoang vắng. Những công trình trăm tỷ nằm bỏ hoang, rệu rã”, bà Lê Thị Mười (47 tuổi, ngụ xã Thuận Lợi, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) nói.

Siêu thị  trống vắng

Hết thời miễn thuế, các siêu thị, trung tâm thương mại ở khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài rơi vào cảnh “vườn không nhà trống”. Len lỏi vào bên trong các siêu thị, trung tâm thương mại mới thấy hết được cảnh tượng hoang tàn. Các gian hàng cửa đóng then cài, tường bao xung quanh nơi bong tróc sơn, các tấm bảng siêu thị nằm xiêu vẹo…

Vào sâu bên trong siêu thị miễn thuế Winmart càng thấy xót xa hơn khi mọi thứ bỏ hoang, hư hỏng nặng…Những kệ hàng nằm siêu vẹo, những chiếc xe đẩy nằm chỏng chơ. Mạng nhện, bụi bẩn phủ một lớp dày vì lâu lắm rồi không có người đặt chân vào. Những chiếc xe mini chở khách tham quan siêu thị hư hỏng toàn bộ, nằm xếp lớp bên trong siêu thị. Trên trần nhà bong tróc, lộ ra những đường ống gãy đôi…

Thành phố mặt trời 'chết lâm sàng' ảnh 1 Ông Nguyễn Ðức Di dạy cháu học bài, ông hi vọng nơi đây sớm thay da đổi thịt. Ảnh: Văn Minh

Khi nhắc đến cảnh tượng trên, bà Lê Thị Mười kể, vài năm trước bà là nhân viên bán hàng trong siêu thị này. Sau khi siêu thị đóng cửa, các công ty tháo chạy để lại cảnh tượng bề bộn như trên. Bà Mười mất việc từ đó, giờ nhảy ra bán nước uống, cơm trưa cho tài xế qua đường.

Giờ đây, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài chỉ nhộn nhịp ở khu vực qua cửa khẩu nước bạn Campuchia. Nơi đây vẫn còn khách qua lại để làm ăn, du lịch, trong đó có cánh xe tải, xe container qua lại cửa khẩu.

Cách cửa khẩu khoảng cây số, phía bên phải là cảnh tượng trái ngược hoàn toàn. Cả khu khá vắng vẻ đìu hiu. Khu bên trái vẫn còn sôi động chút ít bởi có một số công ty. Công nhân lui tới làm việc. Khu chợ vùng biên mọc lên để phục vụ công nhân vào mỗi chiều.

Từng kỳ vọng sẽ đổi đời nhờ “ăn ké” các siêu thị miễn thuế ở khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, bà Phạm Thị Liên (56 tuổi, ngụ xã Thuận Lợi, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) buồn bã nói: “Cuối năm 2005, các siêu thị miễn thuế ở đây hoạt động, khách thập phương đổ về mua sắm, du lịch rất đông. Công việc buôn bán đồ ăn thức uống vì thế cũng khấm khá. Thế nhưng từ năm 2015, các siêu thị miễn thuế bắt đầu đóng cửa, khách vắng dần nên giờ buôn bán chỉ cầm chừng nhờ khách là công nhân làm ở đây”.

Ông Nguyễn Đức Di (57 tuổi, ngụ xã Thuận Lợi), cho biết, kể từ khi bị giải tỏa nhà cửa để lấy đất làm khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, gia đình ông sống tạm bợ ở gần cổng vào cửa khẩu buôn bán nước, cơm trưa mưu sinh qua ngày. Con có 3 người đi làm phụ hồ, làm công nhân cho các công ty ở đây.

“Bây giờ cuộc sống khó khăn hơn trước bởi nơi đây vắng vẻ, ít người đến. Hồi các siêu thị còn hoạt động, mỗi ngày kiếm được 10 đồng thì nay chỉ còn có 1 đồng”, ông Di ví von. Dù cuộc sống khốn khó, nhưng ông vẫn mong khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài hồi sinh trở lại.

Mong quê hương thay da đổi thịt

Sống ở vùng biên này từ nhỏ, ông Trần Văn Tri (62 tuổi, ngụ xã Thuận Lợi, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) chứng kiến nơi đây trải qua bao đổi thay, nhất là sự hình thành khu kinh tế cửa khẩu. “Cuối năm 2005, khu này nhộp nhịp sôi động nhưng dần dần thưa vắng khi các siêu thị miễn thuế không còn hoạt động”, ông Tri nhớ lại. Cuộc sống khó khăn dần khi nơi đây không còn nhộp nhịp, vợ và các con ông xuống TPHCM kiếm sống bằng nghề buôn bán rau quả. Còn ông một mình bám trụ ở đây để giữ đất, mong được một ngày nhìn thấy nơi đây thay da đổi thịt.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.