Ngày 22/11, Trung tâm phát triển OECD, do Liên minh Châu Âu đồng tài trợ với sự phối hợp của Bộ Nội vụ, tổ chức Hanns Seidel Foundation, CHLB Đức tổ chức lễ công bố báo cáo về “Tổng quan về chính sách phúc lợi của thanh niên ở Việt Nam”.
Theo báo cáo, thanh niên hiện đang chiếm hơn 1/4 tổng dân số Việt Nam, cung cấp cho đất nước cơ hội vàng cho phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, tiềm năng này chỉ có thể được khai thác nếu những người trẻ tuổi được tiếp cận tới nền giáo dục có chất lượng, được chăm sóc sức khỏe, có được việc làm đàng hoàng với cuộc sống chính trị và xã hội tích cực.
Tuy thế, báo cáo nhận định, trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế và xã hội thay đổi nhanh, thanh niên Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ nhiễm HIV và nguy cơ tiếp xúc với các bệnh tật do các hành vi mạo hiểm trong quan hệ tình dục và lạm dụng chất gây nghiện. Cùng với đó, thanh thiếu niên cũng phải đối mặt với những thách thức đi kèm.
Báo cáo nhận định, dù tỷ lệ phơi nhiễm HIV trong thanh thiếu niên đã giảm nhưng HIV/AIDS vẫn là nguyên nhân lớn thứ hai gây tử vong. Nguyên nhân đứng đầu gây tử vong cho thanh thiếu niên là vấn đề tai nạn đường bộ, đặc biệt là trong nhóm nam thanh niên trẻ.
Báo cáo cũng cho biết, việc lạm dụng ma túy trong giới trẻ vẫn là mối lo ngại ở Việt Nam. Cùng với đó là tình trạng ngày càng có nhiều thanh niên uống rượu bia mặc dù tuổi uống rượu hợp pháp là 18. Một cuộc điều tra của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế năm 2015 cho thấy 34% thanh thiếu niên từ 14 – 17 tuổi và 57% thanh niên tuổi từ 18 – 21 trả lời đã từng uống rượu bia. Báo cáo cho rằng, tình trạng sử dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông cũng như các bệnh tật khác.
“Tỷ lệ sử dụng rượu, bia của người Việt Nam từ 15 – 19 tuổi là cao nhất trong số các nước ASEAN”, báo cáo viết.
Báo cáo nhấn mạnh, thanh niên được coi là tài sản cho sự thịnh vượng của quố gia, chỉ có thể khai thác được nếu họ được tiếp cận với nền giáo dục có chất lượng, được chăm sóc sức khỏe, có việc làm đàng hoàng và có cuộc sống chính trị - xã hội tích cực.