Thanh long chất đống, không ai mau: Thương nông dân mình quá!

Thanh long bán đổ đống trên vỉa hè ở TPHCM. Ảnh: U.P
Thanh long bán đổ đống trên vỉa hè ở TPHCM. Ảnh: U.P
TP - Những ngày qua, khắp các trang mạng là hình ảnh nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận khốn đốn vì giá rớt mạnh, mà vẫn không có người mua. 

Trên nhiều tuyến đường tại TPHCM như Đại lộ Võ Văn Kiệt (Q.Bình Tân), Nguyễn Sơn (Q.Tân Phú), Cách mạng Tháng Tám (Q.3, Q.Tân Bình)… những chiếc xe đẩy chất đầy thanh long, giá 15.000 đồng/2kg, 20.000 đồng/4 kg xếp hàng dài 2 bên đường. Những chiếc loa phát huy hết công suất, chào mời khách hàng giải cứu thanh long mà khách thực mua lác đác.

Lựa những trái thanh long căng mọng, chị Hồ Thị Minh (35 tuổi, phục vụ căn tin một ngân hàng ở Q.3) cho hay, chị mua nhiều để trưa nay làm phần tráng miệng cho văn phòng. “Cách đây nửa tháng, tôi còn mua thanh long ruột trắng với giá 40.000 đồng/kg, vậy mà giờ thanh long ruột đỏ chỉ có giá 5.000 đồng/kg. Giá cả qua nhiều trung gian mà còn rẻ như thế này thì giá tại vườn còn thấp thế nào nữa. Thương cho nông dân mình quá!” - chị Minh xót xa.

Để thoát khỏi tình trạng trên, TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng cần phải có giải pháp khả thi, chứ không thể cứ nông sản ế là lại kêu gọi giải cứu. Theo bà, trước hết, đối với người nông dân cần phải có kiến thức về thị trường. Trước khi tiến hành trồng cây gì, nuôi con gì người nông dân cần tìm hiểu về thông tin thị trường cũng như vấn đề quy hoạch của nó.

Nông dân cần xem xét cây trồng của mình đã có nhiều vùng trồng chưa, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt. Bên cạnh đó, vai trò định hướng, tư vấn của các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương cũng rất quan trọng. Các tổ chức đơn vị này cần thông tin tuyên truyền định hướng cho người dân trong vùng về quy hoạch cây trồng và vận động người dân thực hiện đúng quy hoạch.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Cty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T, chuyên xuất khẩu trái cây sang thị trường khó tính, cho biết, hiện nay DN vẫn thu mua thanh long tại vườn của nông dân với giá 16.000 đồng/kg (ruột trắng), 24.000 đồng/kg (ruột đỏ) để xuất khẩu sang Mỹ. Điều kiện thu mua là nông dân phải tham gia chuỗi liên kết với DN, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn của Mỹ và được cấp mã số theo quy định. Tuy nhiên, DN cũng chỉ thu mua theo sản lượng xuất khẩu theo hợp đồng bình thường, không tăng lên. 

“Nếu đột ngột tăng sản lượng xuất khẩu sang Mỹ mà nhu cầu thị trường không có sẽ bị thừa giống như Trung Quốc. Tình hình hiện nay cũng là hồi chuông cảnh báo cho nông dân cần thay đổi sản xuất để đa dạng hóa thị trường, tránh bị phụ thuộc. Nếu chỉ sản xuất theo cách cũ thì chỉ có thể bán cho Trung Quốc với quá nhiều rủi ro” - ông Tùng nói. 

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho rằng, rõ ràng câu chuyện nông sản “được mùa mất giá” không hề mới, bởi nó vẫn thường xuyên xảy ra khi tình trạng cung vượt cầu. Nhưng vấn đề là vì sao biết là nông dân vẫn gặp phải. Một phần lý do cũng bắt nguồn từ việc nông dân vẫn có tâm lý nhìn những hộ xung quanh nhà hoặc nhìn giá thị trường, khi mà biến động lên một chút thì lại chuyển đổi, chặt cây này trồng cây khác.

“Chúng ta phải có kế hoạch quản lý, chuyển đổi, xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp... Như vậy mới phát triển bền vững, nông dân yên tâm sản xuất, và đặc biệt là không để tình trạng giá bèo vẫn không có người mua”.

Các chuyên gia nông nghiệp đều cho rằng, yêu cầu cấp thiết để chấm dứt tình trạng giải cứu nông sản chính vụ là những đầu tư bài bản và dự báo cung cầu, tránh để nông dân trồng tự phát. Ngoài ra, công nghệ bảo quản và chế biến nông sản cần có những bước đi thích hợp, tạo hậu phương vững chắc cho nông sản Việt đủ sức để vươn đến những thị trường xuất khẩu ổn định hơn. 

MỚI - NÓNG