Ths-BS.Nguyễn Minh Mẫn (Khoa Thần kinh - Tâm lý, BV Đại học Y-Dược TPHCM), người có 30 năm chuyên chữa trị những thương tổn tâm lý cho mọi người. Một buổi tối cuối tuần đầu tiên của tháng 10/2021, khi Sài Gòn vừa mở cửa sau hơn 100 ngày giãn cách, ông dành nhiều giờ nói chuyện để giúp hàng trăm doanh nhân tự thanh lọc tâm hồn, giải quyết khủng hoảng tâm lý hậu COVID.
Ám ảnh
Cả là mấy tháng liền giãn cách, ông Nguyễn Lâm Viên-Chủ tịch Công ty Vinamit chỉ ngồi nhà. Trong khoảng thời gian dịch diễn biến phức tạp, âm thanh từ còi xe cứu thương nhiều hơn bất cứ loại âm thanh nào khác, khiến ông bị ám ảnh nặng nề. Ông cho biết, khủng hoảng tâm lý bắt đầu từ tháng 6, khi công ty ông xuất hiện mấy ca F0. Tâm lý khủng hoảng nhanh chóng lan ra các bộ phận, nhà máy. Cùng với đó, việc phong tỏa bắt đầu khiến nhiều công nhân, nhân viên cấm túc. Những ngày đó, mọi người bị hút vào chuyện dịch dã, không ai còn tâm trạng để nói về sản xuất kinh doanh và nhiều người lo sợ dịch bệnh đã bỏ về nhà.
Phong tỏa kéo dài gây sang chất tâm lý cho người dân |
Ông Viên cũng cho biết, đến giờ này, khi dịch tạm lui thì hầu hết nhân viên chuyển qua trạng thái tâm lý chán nản, mệt mỏi vì thời gian cầm cự quá dài. Hiện có đến 95% lao động trong các nhà máy đều muốn về nhà, và ngay trong ngày 1/10, ông phải chấp nhận cho 4 kỹ sư mà ông bỏ nhiều công sức đào tạo, nghỉ việc để về quê vì họ không chịu nổi sức ép tâm lý. Điều đó khiến ông bị áp lực tâm lý nặng, mất ăn mất ngủ, stress. “Chúng ta đang thiếu phương thức, liều thuốc chữa căn bệnh tâm lý thời COVID đang xâm chiếm trong tận sâu thẳm mỗi người”, ông Viên bày tỏ.
Dù từng được rèn luyện trong quân ngũ và là một “chiến binh” dày dạn trên thương trường, song ông Nguyễn Hoàng Ngân-Tổng giám đốc Công ty nhựa Bình Minh cũng không khỏi mất ăn mất ngủ khi dịch ập đến và kéo dài. Ông trải lòng: “Lãnh đạo các DN phải cố tỏ ra mạnh mẽ, vì sau họ là cuộc sống, sự an toàn cả nghìn lao động và gia đình họ. Còn bên trong, ai cũng hết sức lo lắng, hoang mang, cả về kết quả sản xuất kinh doanh, an toàn cho người lao động…”. Cũng vì lo lắng về sự an toàn của nhà máy và người lao động nên giờ này ông Ngân vẫn “3 tại chỗ” với số lượng lao động hạn chế và chưa có kế hoạch mở rộng cửa nhà máy.
Tiệc Trung thu
Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn cho rằng, câu chuyện của hai chủ DN kể trên là điển hình của rất nhiều doanh nhân trong giai đoạn hiện nay. Ông còn kể, ở thời điểm dịch dã căng thẳng nhất, nhiều doanh nhân bị khủng hoảng, không chịu nỗi áp lực vì vỡ trận và vỡ nợ, đã tìm đến ông.
Theo BS.Mẫn, sức khỏe con người gồm có sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm lý và sức khỏe xã hội. Sức khỏe của DN cũng như vậy. Ông mổ xẻ trạng thái tâm lý khủng hoảng, đồng thời đưa ra liệu pháp chữa trị, ông gọi là mô hình “Bữa tiệc Trung thu”.
Bánh trung thu, tách trà và đèn lồng ông sao là 3 cấu phần của bữa tiệc Trung thu. Bánh trung thu hình bát giác, gồm 8 phần, đại diện cho 8 lĩnh vực của cuộc sống: Sức khỏe, gia đình, bản thân, tài chính, công việc-học hành, giải trí, lòng tin và quan hệ xã hội. Nhân bánh là tháp nhu cầu Maslow, gồm 5 bậc về các nhu cầu của con người, gồm nhu cầu sinh lý; nhu cầu về sự an toàn (được bảo vệ); nhu cầu về yêu thương, chia sẻ; nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu được thể hiện mình.
“Sự mất cân bằng giữa nhu cầu và thực tế được thỏa mãn gây ra khủng hoảng tâm lý”, ông nói. Theo ông, sở dĩ công nhân, người lao động bỏ nhà máy về nhà cũng là vì các nhu cầu như tháp Maslow. Trong đó, nguyên nhân quyết định nhất vẫn là nỗi sợ về visus SARS-CoV-2. Nếu làm cho nhân viên hiểu được virus này không thực sự đáng sợ nếu biết cách phòng chống thì họ sẽ không hoảng loạn. Thực tế, chỉ có 20% người nhiễm visus SARS-CoV-2 chuyển nặng, trong đó 5% phải hồi sức và 2% tử vong. Khi nhận thức đúng vấn đề thì mọi người sẽ không còn sợ hãi, và sẽ biết cách sống, làm việc an toàn trong dịch.
BS.Mẫn cho rằng, tách trà trong bữa tiệc Trung thu gồm 2 phần, phần có nước và phần không có nước. Cần phải có tư duy tích cực. Thay vì nhìn vào phần không có gì hoặc đã mất đi, tức phần không nước, hãy nhìn vào cái còn lại, tức phần có nước. Thay vì lo sợ hay than vãn, hãy nhìn vào những thế mạnh của DN để phát huy, xem DN còn lại những gì để tiếp tục bồi đắp. Vì vậy, tách trà là thể hiện tư duy của chủ DN. Quan trọng nhất là phải đối diện với vấn đề mình đang gặp, nhìn thẳng, nhận diện và gọi tên nó để giải quyết, chứ không phải trốn chạy.
BS. Mẫn dẫn lời một nữ doanh nhân mà ông rất tâm đắc: “Lâu nay lo lắng, lo âu, lo nghĩ…, giờ lo làm. Lao vào làm, tự nhiên sẽ hết lo và quên hết mấy con virus SARS-CoV-2”.
Chiếc đèn ông sao thể hiện 6 nguồn lực của DN, trong đó năm cánh sao đại diện 5 nguồn lực: nhân lực, tài chính, vật chất và nguồn lực thiên nhiên; vòng tròn bên ngoài là nguồn lực văn hóa của DN. Ông cho rằng, cần phải sử dụng các nguồn lực này để giải quyết câu chuyện khủng hoảng. Nếu quá căng thẳng thì phải biết giảm bớt nhu cầu để cân bằng trạng thái. Và điều quan trọng nhất lúc này là phải minh bạch thông tin, lãnh đạo DN phải cho người lao động hiểu rõ được vì sao họ phải làm thế này hay thế nọ, khi hiểu được họ sẽ vui vẻ thực hiện. Khi người lao động không còn hoang mang lo sợ thì chủ DN cũng sẽ hết hoang mang, đau đầu.
Quẳng gánh lo đi
Ông Nguyễn Hoàng Ngân thừa nhận, khi các chủ DN ngồi lại với nhau, thường chỉ thấy một bức tranh toàn màu xám. Sau khi thưởng thức “Bữa tiệc Trung thu” của BS.Mẫn, ông ý thức rõ hơn trong tay mình đang có một nguồn lực quý giá, đó là nguồn nhân lực xanh. Hiện nhà máy tại TPHCM đã có 98,5% người lao động đã được tiêm vắc xin mũi 1 và 89,5% đã tiêm mũi 2. Các nhà máy tại Bình Dương, Long An cũng có 62% người lao động tiêm mũi 2 và đang tiếp tục nâng độ phủ vắc xin. Vì vậy, ông không còn cảm thấy nhiều lo lắng và cho biết sẽ mở cửa nhà máy sớm hơn dự kiến. Với ông, sự thấu hiểu giữa chủ DN với người lao động và ngược lại là điều rất quan trọng trong lúc này.
Ông Nguyễn Lâm Viên cũng nhận ra, virus SARS-CoV-2 không còn đáng sợ nữa. Ông cho rằng, mọi người cần nâng cao nhận thức để lạc quan. Tâm phải an, nếu tâm bất an thì mọi sự sẽ không thành. “Tôi sẽ không nói đến dịch bệnh COVID nữa mà chỉ nói đến việc làm gì để mở cửa sản xuất, tìm kiếm cơ hội cho thị trường cuối năm và những năm tiếp theo, dù vẫn biết dịch dã, khó khăn còn kéo dài”, ông Viên giãi bày.
“Yếu tố tác động mạnh nhất gây ra những sang chấn tâm lý người dân là giãn cách và cách ly kéo dài. Từ sáng mở mắt ra, điện thoại ngập những thông tin, hình ảnh về dịch bệnh tang thương khiến người dân sợ. Họ sợ bị chết, sợ bị đói, sợ lây cho mọi người sẽ trở thành tội đồ, sợ bị kỳ thị, bị chối bỏ…”.
BS.Nguyễn Minh Mẫn