Thanh Lam: Luôn dạy con là đàn ông không được dốt

Thanh Lam: Luôn dạy con là đàn ông không được dốt
Tôi vẫn luôn dạy con là đàn ông thì không được dốt, phải giỏi hơn phụ nữ. Bởi vì cái gánh nặng của người đàn ông bao giờ cũng lớn hơn.

Thanh Lam và Tùng Dương sẽ một lần nữa "cháy" cùng khán giả của mình trong đêm nhạc yêu. Nhưng, đêm nhạc này cũng chỉ là một phần nhỏ, trong cuộc đời dâu bể của người đàn bà hát, đã nổi tiếng hơn hai chục năm và đã... đẹp hơn bốn chục năm.

Thanh Lam, từ đỉnh dốc cuộc đời, nhìn xuống và nói về những được - mất. Và cả những nỗi buồn của một đời hát, những nỗi buồn của người nghệ sỹ nói về những... "người bay không có chân trời".

Không có chuẩn mực nào trong nghệ thuật

Khán giả thành phố Hồ Chí Minh có những khác biệt trong việc thưởng thức cũng như cách tiếp cận âm nhạc với khán giả miền Bắc. Chị có cảm thấy e ngại khi đưa một chương tình dài như vậy vào Sài Gòn?

- Với kiến thức và kinh nghiệm biểu diễn lâu năm, tôi phải tính được hiệu quả và cảm nhận của khán giả. Mặc dù khán giả thành phố Hồ Chí Minh có vẻ khó hơn nhưng theo tôi họ lại dễ cảm nhận hơn người Hà Nội. Và khi đã mến mộ rồi thì làm gì họ cũng ưng.

Nếu như cách đây 10 năm, Thanh Lam luôn là người từ chối những cái cũ và đi tìm cái mới, luôn đi tiên phong thì hiện tại, chị như chùng xuống, quay lại với nhạc xưa. Phải chăng chị đã… già và mệt?

- Không phải vậy. Một dự án âm nhạc không phải là một hay hai cái gì đó trước mắt mà nó là cả một chặng đường dài. Quan trọng là tìm cách đến với công chúng. Ví dụ như tôi đã làm rất nhiều điều mới, có thể tôi sẽ quay lại làm những cái mềm mại hơn. Khán giả sẽ thấy rằng tôi không chỉ ve vuốt cái khao khát của bản thân, mà còn đáp ứng lại nhu cầu của họ. Nhưng chắc chắn, tôi vẫn phải nuôi dưỡng hoài bão của người nghệ sĩ. Ngay như hát nhạc xưa, chắc chắn tôi cũng hát bằng tất cả cảm xúc của tôi, sẽ không giống ai, và sẽ không giống tôi của những lần trước.

Nghĩa là chị sẽ phá vỡ mọi chuẩn mực, như đã phá vỡ những chuẩn mực trong nhạc Trịnh Công Sơn?

- Tôi hát sau mà hát theo những khuôn mẫu của ca sỹ đi trước thì cá tính nghệ sỹ của tôi nằm ở đâu? Tôi phải hát bằng cảm xúc của tôi, hát theo phong cách của tôi. Nếu bạn mặc định bài hát đó phải hát như vậy, nghĩa là bạn đang mang trong lòng định kiến rằng, chỉ được như thế này, mà không được như thế kia. Với tôi, nghệ thuật không có giới hạn.

Tôi cũng đồng ý với chị rằng, sự phá cách sẽ làm nên những sáng tạo và người nghệ sỹ sẽ tự xác lập những chuẩn mực của chính mình. Tôi nhớ, khi chị hát bài “Phượng yêu” của nhạc sỹ Phạm Duy trên sân khấu rất dữ dội, khán giả đã phản ứng rất mạnh vì cho rằng bài hát đó phải thủ thỉ tâm tình mới đúng phong cách. Nhưng chị vẫn giữ phong cách như vậy và những người thực sự yêu mến chị đã ủng hộ. Sự phản ứng ngược chiều của khán giả đòi hỏi bản lĩnh người nghệ sỹ phải lớn để dám đương đầu và kiên định con đường đi của mình. Phải chăng, chị nao núng và bắt đầu hơi chậm chạp trong việc thực hiện những dự án mới?

- Không phải nao núng mà có rất nhiều lý do. Trong khoảng 3 – 4 năm gần đây, thị trường âm nhạc bị xáo động và chưa có những cái mốc dấu mang tính định vị về thị hiếu cũng như khuynh hướng âm nhạc. Làm cái mới không phải là chỉ nói ra, mà phải đầu tư tiền bạc, chất xám và rất tốn kém.

Thanh Lam: Luôn dạy con là đàn ông không được dốt ảnh 1

Cái mới phải có người nghe

Tôi hiểu được cảm giác của một người thành công và đang muốn đi chậm lại, nhưng để công chúng chờ quá lâu, chị có cảm thấy mắc nợ họ không?

- Cái mới phải có người nghe chứ. Hơn nữa, một người nghệ sĩ muốn làm ra cái mới phải có cảm xúc thì mới làm hay đỉnh điểm được. Bởi một sản phẩm được tạo ra không chỉ việc có ý tưởng rồi làm, mà phải triển khai thực hiện với những người cùng cộng tác. Chắc có lẽ sẽ một hai năm tới…

Riêng bản thân tôi, thời điểm Thanh Lam xuất sắc nhất, hấp dẫn nhất, vững chắc nhất và có được nhiều sáng tạo nhất chính là thời điểm chị kết hợp với nhạc sĩ Quốc Trung trong đĩa “Mây trắng bay về”. Qua thời điểm đó, Thanh Lam dường như chưa có lối thoát. Chị có nghĩ rằng cần một người đi đồng hành như Quốc Trung?

- Bạn nói đúng! Bây giờ tôi chưa có một người “ruột”, một người cộng tác thật sự. Bởi vì ai bây giờ cũng có nhu cầu mưu sinh. Thời điểm tôi kết hợp với Quốc Trung cũng là những bước đi mới trong nghề nghiệp. Sự đón nhận cũng nhẹ nhõm hơn bây giờ.

Thời điểm sau đó, chị làm việc cùng với nhạc sĩ Lê Minh Sơn và ra tương đối nhiều sản phẩm. Chị và anh Sơn cũng tung hứng và khen nhau nhiều. Nhìn lại, sau 5 năm, còn lại gì mà chị thấy đáng giá?

- Giai đoạn với Lê Minh Sơn cũng là giai đoạn thú vị trong nghề nghiệp. Tất nhiên, vì còn trẻ nên nhiều khi hơi sốc nổi. Nhiều lúc tôi cũng bất ngờ và đó cũng không phải là hiệu ứng tốt, không có ích cho chặng đường đi mà mình đã tính toán. Tất nhiên trong cuộc sống sẽ có lúc được và không được. Nhưng tôi vẫn cho rằng, đó là quãng thời gian thú vị.

Thế nếu tôi chia thành hai giai đoạn: một với Quốc Trung và một với Lê Minh Sơn. Đến lúc này, giai đoạn nào cho chị nhiều cảm xúc trong âm nhạc hơn?

- Tôi không bao giờ nghĩ khi hát bên Quốc Trung sẽ được 8 phần, hát cạnh Lê Minh Sơn được 10 hay hát cùng Phú Quang được 12. Khi làm việc với Quốc Trung, tôi còn trẻ và rất khao khát được làm nghề. Lúc làm việc với Sơn, tôi đã bắt đầu chững chạc trong sự nghiệp ca hát. Tôi nghĩ đó là hai thời điểm rất đáng nhớ mà tôi đã đi qua.

Không học thì khó đi đường dài

Tôi nghĩ lúc này việc ca hát của chị đã đi ra ngoài nhưng lo toan bình thường (Tất nhiên, chị vẫn cần tiền để sống, mua hàng hiệu, nuôi con và cả… làm đĩa nữa). Nhưng tôi vẫn tin chị hát với niềm đam mê nhiều hơn. Chị có nghĩ bây giờ chị cần phải thực hiện những dự án riêng, để duy trì niềm hứng thú, niềm “yêu” với nghề?

- Thật ra tôi cũng thích làm những điều thỏa mãn khao khát của người nghệ sĩ. Nó không quá mưu cầu về nhiều thứ. Nhưng ở Việt Nam người nghệ sĩ vẫn rất khó ở chỗ là họ phải toan tính. Tôi không nghĩ bây giờ tôi hát để thỏa mãn bản thân, tôi vẫn phải chiều lòng khán giả. Tôi chỉ có một mình và lúc nào cũng được gọi là người tiên phong. Và lọt tõm trong một không gian toàn những bài nhạc không chứa chất âm nhạc, triết lý hay văn học trong đó, thậm chí rất tầm thường! Rất buồn.

Chị muốn nói rằng, cái gì cũng cần phải có nền tảng văn hóa?

- Với riêng bản thân tôi, tôi không công nhận những người không được đào tạo. Ăn bát cơm cầm cây đũa như thế nào cũng cần phải học cơ mà! Tôi dám lấy sự trải nghiệm của bản thân ra đảm bảo điều này.

Có vẻ như quan điểm của chị ngược với anh Quốc Trung?

- Bạn cho tôi một ví dụ điển hình đi. Hát thật hay, không qua trường lớp và bây giờ vẫn là đương kim?

Chị có vẻ chua chát quá khi nhìn vào thị trường hiện tại, khi có những ngôi sao không học thanh nhạc bài bản như chị!

- Tôi kể bạn nghe điều này, tôi đã từng mua vé trước nửa năm, xếp hàng 8 tiếng đồng hồ để được xem show diễn của Madonna tại Tiệp Khắc. Show diễn 14 ngàn khán giả. Còn tại Việt Nam, show diễn của tôi ở Nhà hát lớn TPHCM có 500 ghế thôi, mà cũng phải tìm đường bán vé. Nó làm tôi choáng váng. Khi đi xem Madonna, nó khiến tôi buồn day dứt vì nghệ sỹ của chúng ta quá vất vả để có công chúng. Nhưng nó cũng dấy lên một hoài bão về sự thay đổi.

Tôi muốn cái Nhà hát lớn này, các chương trình được lên trước cả năm và khán giả có quyền lựa chọn, người nghệ sĩ cũng có thể tự hào để chỉ lo làm nghề của mình, phục vụ khán giả. Tôi muốn nói rằng, thị trường đang có chỗ cho tất cả. Tôi không chán, cũng không chua chát, tôi thích mọi dòng nhạc cùng phát triển. Nhưng, chỗ đứng của nhạc chính thống cần phải được khẳng định.

Tôi và Tùng Dương, dù sao cũng là các ca sỹ nhạc nhẹ, vẫn dễ dàng tìm được công chúng và dễ có chỗ đứng với khán giả hơn. Còn các nghệ sỹ cổ điển, quá nửa đời người họ học và làm nhạc, học đến.. ngớ ngẩn, mụ mị, nhưng họ vẫn chịu sự thờ ơ đến đau lòng. Cậu con trai út của tôi 12 tuổi, có tai nghe nhạc từ bé, khi hai mẹ con đi taxi, nó vô cùng sửng sốt và nói, lần đầu tiên con thấy trên taxi mở nhạc cổ điển mẹ ạ. Trước giờ con chỉ thấy mở nhạc Đàm Vĩnh Hưng và Tuấn Hưng thôi. Đấy, nói rộng ra, có lẽ phải chờ tới lứa những khán giả 12 tuổi này lớn lên, mới hy vọng nhạc chính thống lên ngôi. Tôi nghĩ, lỗi của việc loạn thị hiếu như suốt một thời gian dài qua, có phần “gợi ý” sai từ truyền thông.

Thực ra, khán giả cũng thông minh, nên truyền thông cũng chỉ là gợi ý thôi. Chị cũng đừng khắt khe với họ…
- Tại sao tôi nói vậy? Là bởi vì, báo chí có chức năng khẳng định hướng. Bạn không nói được cái gì là âm nhạc thực sự, bạn lại đi thổi phồng những hiện tượng nhất thời, thì đó là bạn gợi ý sai. Điều đó đã xảy ra quá nhiều rồi, tôi không nói bạn cũng tự biết.

Mong con sẽ thành ca sỹ

Chị vừa nói tới các con, chị có ý định đào tạo cho 3 hậu duệ thành ca sỹ?

- Âm nhạc khó ở chỗ đó. Không phải mẹ hát hay thì con sẽ hát hay. Tôi luôn luôn kỳ vọng trong ba đứa con sẽ có một đứa làm nghề. Bởi sinh ra trong một môi trường âm nhạc truyền thống như vậy, gen âm nhạc rất tốt. Nhưng người ta vẫn bảo thanh sắc là do trời cho. Tôi thấy con trai tôi có cùng gu âm nhạc với mình. Cháu cũng thông minh và chăm. Tôi vẫn luôn dạy con là đàn ông thì không được dốt, phải giỏi hơn phụ nữ. Bởi vì cái gánh nặng của người đàn ông bao giờ cũng lớn hơn phụ nữ.

Chị thành công hơn hai chục năm rồi. Trên hành trình ấy, chị đã đi qua rất nhiều thứ: thành công, đau khổ… Thời điểm này chị có hài lòng về những gì đã có không?

- Tôi là một người nghiêm khắc với bản thân. Tôi chưa bao giờ bằng lòng với những gì đã làm được. Về phía công chúng, tôi nhận thấy mình đã để lại được một phần nào đó uy tín, sự vững vàng trong nghề. Đó cũng là một niềm vui. Bởi chỉ lấy được thiện cảm của khán giả nhưng người trong nghề không công nhận cũng không được. Và để làm được như vậy không phải ai cũng làm được.

Lúc còn trẻ tôi cứ hay buồn vì tại sao mình cứ phải một mình vượt qua rất nhiều thử thách, không có được cuộc sống phẳng lặng như mọi người. Tôi vẫn cứ hay trách tại sao ông trời thử thách tôi nhiều như vậy. Đến bây giờ tôi nhận thấy ông trời không cho ai tất cả. Những lúc bị thử thách mình sẽ kiệt sức. Nhưng đã đi qua được con dốc và đứng trên đó nhìn xuống, bạn sẽ nhận thấy nếu cuộc sống không có sóng gió, không có thách thức thì sẽ trở nên vô nghĩa. Tôi cũng có được và mất trong đời sống của tôi. Tôi nghĩ đó là công bằng.

Nói một cách sòng phẳng, cái chị mất lớn nhất là gì? Phải chăng là cuộc sống riêng tư?

- Những điều tiếng, tai tiếng đối với tôi bây giờ cũng không còn nhiều ý nghĩa. Tôi nghĩ mất mát lớn nhất chính là ở những đứa con. Chúng không được cuộc sống bình thường, trọn vẹn như bao đứa trẻ khác.

Và từ trên đỉnh dốc nhìn xuống, Thanh Lam muốn nhìn thấy gì?

- Trước đây tôi thích phiêu lưu trong âm nhạc và dường như cuộc sống nằm ở trong đó. Nhưng bây giờ, tôi đã làm mẹ, tôi cần phải phủ được tầm bao quát, kinh nghiệm sống… để các con hiểu và chia sẻ, để cùng các con trưởng thành.

Có phải vì thế, bắt đầu từ chương trình này, chị quyết định làm từ thiện. Hướng của chị muốn dành cho những đối tượng nào?

- Chương trình này thì tôi kết hợp với Báo Công an nhân dân, trích số tiền bán vé ban đầu là 120 triệu, hy vọng sau đó sẽ kêu gọi được thêm và có nhiều người cùng tham gia. Đối tượng tôi muốn hướng tới là các bà mẹ bị nhiễm HIV. Sự sẻ chia, tôi nghĩ là quan trọng nhất…

Cảm ơn chị và chúc cho “Yêu” sẽ kéo dài tới những chương trình sau!

Theo Cảnh sát toàn cầu

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG