'Thành hoàng' ở ngã ba biên giới

'Thành hoàng' ở ngã ba biên giới
TP - Người dân Leng Su Sìn thờ cúng anh như thành hoàng vì đã có công bài trừ thuốc phiện, dạy nghề trồng lúa nước. Ngày giỗ anh, mỗi gia đình đặt lên mộ anh một sản vật.
Con suối vào bản Leng Su Sìn. Ảnh: Đức Hoàng
Con suối vào bản Leng Su Sìn. Ảnh: Đức Hoàng.
 

Nhổ thuốc phiện trồng lúa nước

Vùng đất Leng Su Sìn nằm ở khu vực ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào mấy chục năm trước, có người lính biên phòng Trần Văn Thọ, quê ở Việt Thành (Trấn Yên - Yên Bái) đã xuyên rừng lên “nằm vùng” với bà con.

Xã Leng Su Sìn nằm cách thành phố Điện Biên khoảng 250km và cách Hà Nội 750km. Trước đây, muốn đi vào bản, người ta phải cuốc bộ xuyên rừng, đem theo cơm ăn thức uống, đi cả chục ngày mới tới nơi. Nay Leng Su Sìn đã có đường ô tô vào tận trung tâm xã.

Lão du kích Lý Kim Khoa, ngoài 70 tuổi kể, xưa người Mông, người Hà Nhì ở đây chỉ biết dùng gậy vót nhọn chọc lỗ, tra ngô tra lúa vào đó, chẳng chăm sóc tưới tắm gì, cứ để cây cối lớn tự nhiên. Tới khi thu hoạch lại dùng tay tuốt từng hạt lúa cho vào gùi. Năm nào rét đậm, rét hại, sương muối thì mất trắng, phải kiếm củ mài, rau rừng ăn qua bữa. Thế nhưng, từ khi làng bản xuất hiện đôi bàn chân của thiếu úy Trần Văn Thọ, cuộc sống của người dân thay đổi hẳn.

Ông Lý Kim Khoa đang chăm gà, vịt
Ông Lý Kim Khoa đang chăm gà, vịt.
 

Trần Văn Thọ sinh năm 1935, vào quân đội, tham gia đánh Pháp từ năm 17 tuổi, đến năm 23 tuổi được điều động lên vùng cao Tây Bắc của Tổ quốc để làm công tác vận động quần chúng, chính là bản Leng Su Sìn bây giờ.

Nhiều lần tổ công tác của cán bộ Thọ lên thuyết phục bà con xuống núi làm nhà cạnh nhau bên suối Păm Pơ để có cái nắng ấm, có nước sạch, có hạt thóc ăn, lũ trẻ được đi học cái chữ, nhưng dân bản lắc đầu: “Quen sống trên núi cao, gần trăng gần sao, xuống chân núi thì con ma sẽ vật chết đấy”.

Nhân dịp nghỉ phép, về quê, anh Thọ gùi thóc và chiếc lưỡi cày, rồi đi bộ cả tháng trời từ dưới xuôi lên bản Leng Su Sìn giúp dân trồng lúa nước.

Đầu tiên, anh Thọ cùng đồng đội tới giúp dân bản sửa nhà, mang ống tre xuống suối lấy nước, mang hạt muối, cái chăn ấm, quần áo bằng vải lên chia cho bà con, rồi vận động bà con di dời nhà xuống thấp để ở gần nhau. Dân bản quý tấm lòng, quý sự tận tụy của anh Thọ nên làm theo.

Những gia đình đầu tiên xuống núi không bị con ma vật chết, lại có nước suối trong lành uống, có hạt lúa ăn thường xuyên. Thấy thế, 16 gia đình còn lại ở bản Pam Pơ chuyển xuống ở cùng. Rồi nhiều gia đình khác ở bản Chú Xé, Vàng Thùng Thú cách đấy gần một ngày đường cũng kéo về dựng nhà, lập nên bản mới.

Ông Khoa kể, ngày ấy bộ đội biên phòng được gọi là công an vũ trang. Cả vùng bạt ngàn cây thuốc phiện. “Của nhà trồng được” nên cả bản ai nấy đều nghiện. Anh Thọ đến từng nhà vận động người dân nhổ cây thuốc phiện, trồng lúa, trồng ngô. Khi trồng lúa, ngô, anh còn hướng dẫn bà con cách chăm sóc, bón phân, làm cỏ… Những vụ lúa sau đó, dân bản Leng Su Sìn liên tục trúng mùa, không những đủ thóc gạo ăn cho cả năm mà còn dư dả bán cho bà con ở những bản xa xôi khác.

Khi người dân đã từ bỏ việc phá rừng làm nương, quen với cây lúa nước thì cũng là lúc bà con chấm dứt hoàn toàn trồng cây thuốc phiện. Số người nghiện giảm dần.

“Tuy nhiên, tới lúc chúng tôi làm quen được với cây lúa nước, từ bỏ thói quen sống trên núi cao, di dời xuống thung lũng lập làng bản, trồng hoa màu, nuôi gà lợn... thì cũng là lúc anh Trần Văn Thọ hy sinh vì bệnh sốt rét. Người dân Leng Su Sìn vẫn nhớ, ấy là vào năm 1961. Ơn của anh Tho với dân bản chúng tôi to như núi, chẳng bao giờ trả hết được...”, ông Khoa xúc động nói.

Nhà nước phong anh Thọ là anh hùng liệt sỹ. Di cốt của anh sau đó được đưa về nghĩa trang liệt sỹ Lai Hà. Tuy nhiên, bà con Hà Nhì ở Leng Su Sìn vẫn đắp lại mộ nơi anh nằm xuống, thờ cúng anh như một Thành hoàng vì đã có công bài trừ thuốc phiện, dạy nghề trồng lúa nước. Đến ngày giỗ anh Thọ, mỗi gia đình đều đem đến mộ anh một sản vật để tỏ lòng tri ân...

Hôm chúng tôi có mặt ở Leng Su Sìn, cũng là ngày người dân ký cam kết không tái trồng cây thuốc phiện, không hút thuốc phiện. Anh Đinh Văn Hưởng, Đồn Biên phòng 405 nói, do Leng Su Sìn nằm ở vùng cao hẻo lánh, nên để vận động bà con phá bỏ cây thuốc phiện, phải kiên trì nhiều năm liền.

“Chúng tôi phải lấy sự giàu nghèo, ốm đau, bệnh tật do thuốc phiện để phân tích. Cái chính vẫn là nói thật, làm thật cho dân tin, có như vậy người dân mới quyết tâm cai nghiện”, anh Hường nói.

Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ
Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ.
 

Mối tình bên dòng suối Păm Pơ

Chúng tôi gặp bà Chu Chà Me, người Hà Nhì tại Điện Biên, 73 tuổi. Chắc chắn, thời thiếu nữ Chu Chà Me là cô gái duyên dáng. Khi hỏi về anh hùng liệt sỹ Trần Văn Thọ, ánh mắt bà vui hẳn lên.

“Sau khi giải phóng Điện Biên Phủ (năm 1954), bộ đội vào quê tôi xây dựng cơ sở. Cán bộ xã lúc bấy giờ cũng chẳng có ai biết chữ, cán bộ cơ sở như anh Thọ (anh hùng liệt sỹ Trần Văn Thọ) thì rất giỏi, “biết tiếng giao dịch giữa các dân tộc với nhau” nên đã động viên, thuyết phục dân bản đi học, trong đó có tôi. Sau đó ít lâu, quê tôi thành lập Ủy ban hành chính xã Chung Chải”, bà Chu Chà Me kể.

Được các chiến sỹ biên phòng dạy chữ, động viên đi học ở Điện Biên, nhưng Chu Chà Me vẫn băn khoăn tự hỏi, nếu đi học sẽ lấy ai nuôi mẹ già, anh Thọ và nhiều anh bộ đội biên phòng nói, chẳng lẽ cả Đồn biên phòng Leng Su Sìn không giúp Chà Me nuôi nổi mẹ sao. Thế là Chu Chà Me cuốc bộ hàng chục ngày trời đi theo các anh bộ đội tới trường.

Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo của bà Chu Chà Me: “Hai mẹ con tôi lúc đó ở nhà tranh nứa lá, nhưng lúc nào cũng có mấy anh bộ đội đến ở cùng, tôi thấy vui và vinh dự lắm. Các anh dạy múa hát và chỉ cho tôi viết từng chữ a, b, c...”.

'Thành hoàng' ở ngã ba biên giới ảnh 4
"Anh giữ đúng lời hứa với tôi trong suốt thời gian tôi đi học, ấy là ở cùng mẹ tôi, chăm sóc mẹ tôi, tổng cộng thời gian anh ở là 7 năm liền”.
- Bà Chu Chà Me.

Anh Thọ là người ở với gia đình Chà Me lâu nhất, thường xuyên dạy Chà Me tăng gia sản xuất, quét dọn vệ sinh bản. Dần dần, các anh lập nên đồn biên phòng Leng Su Sìn. Những dịp lễ, Tết, các anh luôn mời thanh thiếu niên đến múa hát và cho kẹo.

Một hôm, anh Thọ đề nghị với thiếu úy Quang Lâm, Đồn trưởng Đồn biên phòng Leng Su Sìn bấy giờ một việc vô cùng cảm động, ấy là sửa chữa, lợp lại mái nhà cho mẹ con Chà Me bớt dột nát. Thấy anh Thọ và các anh bộ đội đến giúp, dân bản cũng kéo nhau đến làm cùng, vèo một cái, sau mấy hôm đã có ngôi nhà kín trên ấm dưới.

“Từ bản tới chỗ học, chúng tôi phải đi bộ mất 7 ngày. Hôm ấy, tôi nhớ là khoảng tháng 2-1959, tôi theo chân anh Vũ Văn Quỳnh để đi học. Hai anh em vừa đi qua suối Păm Pơ thì có tiếng gọi từ phía sau: Chà Me ơi Chà Me. Nhìn lại thì ra là anh Thọ. Anh ấy vội vàng lội qua suối rồi tặng tôi chiếc bút kim tinh, chúc tôi học tốt. Tôi cũng thấy xấu hổ lắm, nhưng vẫn nhận mà chẳng biết nói lại câu nào với anh Thọ. Mấy hôm sau, chúng tôi xuống học trong trường nội trú ở khu tự trị Thái-Mèo, sau gọi là khu tự trị Tây Bắc”, bà Chu Chà Me nhớ lại.

Người phụ nữ dừng một chút, rồi kể tiếp: “Khi đi học về, anh Thọ vẫn ở nhà với mẹ tôi. Bà quý anh Thọ lắm, còn nói: Mày mà lấy được người chồng như anh Thọ thì tốt. Anh Thọ cũng có ý, nhưng hồi đó tôi còn trẻ con, ngần ấy tuổi rồi nhưng vẫn ngốc lắm, chẳng biết gì. Tôi đi học về có nói chuyện với anh Thọ là em đã vào Đảng, anh Thọ nói với tôi, thế là Chà Me đã trở thành đồng chí với anh rồi. Anh giữ đúng lời hứa với tôi trong suốt thời gian tôi đi học, ấy là ở cùng mẹ tôi, chăm sóc mẹ tôi, tổng cộng thời gian anh ở là 7 năm liền”.

Tháng 7-1961, tôi gặp anh Thọ thấy anh vẫn khỏe, về Mường Nhé, tôi bị đau chân nằm liệt giường. Các anh từ Leng Su Sìn ra Mường Nhé, nói với tôi: Chà Me ơi, anh Thọ biết Chà Me bị đau chân rồi, anh Thọ nói sẽ xin bộ đội Đồn Leng Su Sìn ra cáng Chà Me về để chữa thuốc Nam đó. Lần thứ 2 các anh đến thăm tôi ở Mường Nhé thì nói, anh Thọ bị sốt rét, rồi khi các anh đón tôi về tới huyện thì đã nghe tin anh Thọ mất rồi...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG