Thanh Hóa: Nhiều bệnh viện gặp khó khi tự chủ tài chính

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một số bệnh viện tuyến huyện ở Thanh Hoá, nhất là các bệnh viện tại khu vực miền núi thực hiện tự chủ trong điều kiện thiếu nhân lực, trang thiết bị lạc hậu, khó thu hút bệnh nhân, thu không đủ bù chi...

Tăng chi thu nhập giảm dần

Trên cơ sở các văn bản của Chính phủ, năm 2017, UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành quyết định về việc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước và cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Đến nay, Thanh Hoá hiện có 38 bệnh viện công lập bao gồm 13 bệnh viện tuyến tỉnh và 25 bệnh viện tuyến huyện. Trước năm 2018, toàn tỉnh có 8.465 viên chức, lao động hợp đồng làm việc tại các bệnh viện công lập. Nhân lực ngành y tế Thanh Hóa nhất là nhân lực trình độ cao thiếu trầm trọng, năm 2017 số bác sỹ/10.000 dân mới chỉ đạt 7,8 người, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Đến hết năm 2023 tỷ lệ số bác sỹ/10.000 dân đạt 8,5 người (tăng 9% so với năm 2017).

Đến nay, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại các bệnh viện công lập ngày càng được nâng cao, các đơn vị đã triển khai áp dụng nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, cải tiến quy trình, chuyển giao kỹ thuật, thay đổi phong cách, thái độ phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Giai đoạn 2018-2020 đã có 705 kỹ thuật mới được triển khai. Từ năm 2021 đến năm 2023, đã có 1.157 kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng được phê duyệt triển khai tại các cơ sở y tế, trong đó có nhiều kỹ thuật cao được đưa vào ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị. Tổng số lượt khám bệnh và ngày điều trị nội trú của các bệnh viện tăng qua các năm, tuy nhiên giường bệnh được giao cho các bệnh viện công lập tăng chậm qua các năm. Nguồn chi thu nhập tăng thêm tăng đều qua các năm chủ yếu là các bệnh viện tuyến tỉnh và một số bệnh viện tuyến huyện có chênh lệch thu chi lớn, tuy nhiên, số lượng và tổng số tiền chi tăng thu nhập giảm dần qua các năm.

Thanh Hóa: Nhiều bệnh viện gặp khó khi tự chủ tài chính ảnh 1

Khả năng tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên giữa các bệnh viện ở Thanh Hóa có sự chênh lệch

Theo báo cáo tài chính giai đoạn 2018-2023 ở 38 bệnh viện công lập cho thấy, việc sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp giảm mạnh qua các năm, từ 175.426 tỷ năm 2018 xuống 77.442 tỷ năm 2023. Nhiều đơn vị không trích lập được quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp từ năm 2021 đến nay như Bệnh viện đa khoa Yên Định, Nghi Sơn, Thường Xuân, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Bá Thước, Như Thanh, Lang Chánh... Do đó, hầu hết các thiết bị y tế phục vụ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện đa khoa tuyến huyện được đầu từ những năm trước 2014 lạc hậu, thường xuyên hỏng hóc nhưng thiếu kinh phí để sửa chữa hoặc mua sắm mới thay thế.

Theo Sở Y tế Thanh Hoá, việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế đã góp phần giảm bớt kinh phí cho hoạt động ngân sách nhà nước, nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao chất lượng phục vụ, cung cấp dịch vụ phong phú, đa dạng cho xã hội, thu nhập của người lao động đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, rất nhiều đơn vị có công suất sử dụng giường bệnh qua các năm không đạt chỉ tiêu so với kế hoạch và đặc biệt có đơn vị thậm chí giảm mạnh dẫn đến có nguồn thu thấp không đảm bảo để chi tiền lương, chế độ phụ cấp cho con người ...

Chênh lệch giữa các bệnh viện

Theo Sở Y tế Thanh Hoá, quá trình tự chủ hiện nay của các bệnh viện đang gặp một số khó khăn như, khả năng tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên giữa các bệnh viện có sự chênh lệch; các bệnh viện tuyến tỉnh, chuyên khoa, vùng đồng bằng thực hiện cơ chế tự chủ tài chính thuận lợi hơn do đông bệnh nhân, người dân đến khám, chữa bệnh có mức thu nhập cao và ổn định, có dân số đông, ít cơ sở khám bệnh bảo hiểm y tế tư nhân.

Một số bệnh viện tuyến huyện, đặc biệt là bệnh viện các huyện miền núi, thực hiện tự chủ trong điều kiện thiếu nhân lực và nhân lực chất lượng cao, trang thiết bị thiếu và lạc hậu, dẫn đến việc khó thu hút bệnh nhân; một số bệnh viện phát triển kỹ thuật mới, kỹ thuật cao chưa tương xứng với nhu cầu, nguồn thu không đủ bù đắp chi phí.

Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa tính đủ chi phí (chi phí quản lý, chi phí đào tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, chi phí khấu hao tài sản) nên một số bệnh viện tuyến huyện, nhất là các huyện miền núi, nguồn thu không đảm bảo chi hoạt động thường xuyên.

Nguồn thu của đơn vị chủ yếu là nguồn thu từ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (chiếm khoảng 80%) trong khi đó kinh phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được giao dự toán hàng năm chưa phù hợp với thực tế; việc thanh, quyết toán chi phí Bảo hiểm y tế còn nhiều vướng mắc và chưa kịp thời...

Nguyên nhân của thực trạng trên là do, dịch bệnh COVID-19 bùng phát kéo dài, kinh tế và đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn làm ảnh hưởng lớn đến nguồn thu sự nghiệp của các bệnh viện. Các chính sách, quy định của pháp luật về đầu tư công, mua sắm tài sản công, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp y tế còn nhiều vướng mắc, bất cập, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện... Sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa hệ thống y tế công lập và ngoài công lập. Trong khi đó, nguồn thu của các bệnh viện chủ yếu là thu từ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế chậm được thanh, quyết toán, nhiều chi phí bị xuất toán, không được thanh toán do vượt dự toán, vượt tổng mức thanh toán...

Thanh Hóa: Nhiều bệnh viện gặp khó khi tự chủ tài chính ảnh 2

Nhiều bệnh viện ở khu vực miền núi Thanh Hoá gặp khó khăn khi triển khai tự chủ

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Bá Cẩn, quyền Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, tự chủ tài chính là chủ trương chung và được xác định là xu thế tất yếu phải thực hiện ở các bệnh viện công lập. Thực tế này đòi hỏi các bệnh viện công lập nói chung, trong đó có bệnh viện ở khu vực miền núi muốn phát triển phải đổi mới phương thức quản lý, đặc biệt là quản lý kinh tế y tế.

Theo ông Cẩn, trước hết, tự thân bệnh viện phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành để tăng thu, tiết kiệm chi thông qua nhiều giải pháp như, lựa chọn những dịch vụ kỹ thuật mới phù hợp, chi phí hợp lý nhưng mang lại hiệu quả cao; nâng cao chất lượng hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để giảm thiểu tối đa việc từ chối và xuất toán trong thanh quyết toán bảo hiểm y tế. Lựa chọn, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư, sinh phẩm an toàn, hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm.

Ngoài ra, các cấp có thẩm quyền từ tỉnh đến cơ sở cần quan tâm hơn nữa trong đầu tư, hỗ trợ xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất hạ tầng, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đào tạo chuyển giao kỹ thuật từ nguồn ngân sách... đáp ứng ngày càng cao nhu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Giai đoạn 2018-2021, ngành y tế có 38 bệnh viện công lập: 1 bệnh viện (Bệnh viện Ung bướu) được Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên; 37 bệnh viện thực hiện tự chủ gồm: 3 bệnh viện thực hiện tự chủ 100% về chi thường xuyên (nhóm II); 34 Bệnh viện tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (nhóm III), trong đó: 2 bệnh viện thực hiện tự chủ từ 80% đến 90% về chi thường xuyên; 8 bệnh viện thực hiện tự chủ từ 70% đến 80% về chi thường xuyên; 22 bệnh viện thực hiện tự chủ từ 60% đến 70% về chi thường xuyên; 2 bệnh viện thực hiện tự chủ từ 50% đến 60% về chi thường xuyên.

MỚI - NÓNG