Nhiều chính sách hỗ trợ
Là huyện biên giới còn nhiều khó khăn, huyện Mường Lát nói chung, địa bàn đồng bào Khơ Mú tại huyện nói riêng luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương với nhiều Chương trình, Nghị quyết lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất và đời sống.
Như giai đoạn2017-2021, Chương trình 135, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a đã hỗ trợ các hộ nghèo ở bản Lách (xã Mường Chanh) và phố Đoàn Kết (thị trấn Mường Lát) bò giống, với kinh phí 630… Đáng chú ý, với quyết tâm nâng cao đời sống của đồng bào Khơ Mú, tỉnh Thanh Hóa đã có chính sách riêng tại Đề án “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Khơ Mú tỉnh Thanh Hóa”.
Đồng bào Khơ Mú tại phố Đoàn Kết vào mùa thu hoạch lúa nương |
Thực hiện đề án này, trong 5 năm qua, tỉnh Thanh Hoá đã bố trí khoảng 9 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, tập huấn, phổ biến kiến thức về kinh tế - xã hội cho đồng bào Khơ Mú.
Cụ thể, tỉnh đã đầu tư xây dựng 5 công trình giao thông nội bản Lách và phố Đoàn Kết; 2 nhà văn hóa, 1 công trình nước sinh hoạt, với quy mô 13 bể chứa nước; tổ chức cho 59 người Khơ Mú đi tham quan học tập mô hình phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào Khơ Mú tỉnh Nghệ An; mở 4 hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức phát triển sản xuất cho 500 lượt người dân bản Lách và phố Đoàn Kết.
Với nhiều chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, nhiều hộ đồng bào Khơ Mú ở bản Lách, phố Đoàn Kết đã thực sự vươn lên thoát nghèo. Có thể kể đến gia đình ông Mong Văn Dôm (ở phố Đoàn Kết), từ chỗ thay đổi tư duy, ông đã xác định rõ chăn nuôi là hướng đi quan trọng cho hành trình thoát nghèo của gia đình. Ít ruộng nên khi được Nhà nước hỗ trợ bò giống, ông Dôm đã chuyển từ chăn nuôi thả trong rừng sang chăn nuôi có kiểm soát để nhân đàn. Cùng với nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng, ông mạnh dạn đầu tư chăn nuôi đàn lợn thịt. Giờ đây, gia đình ông Dôm có 20 con trâu, bò và 7 con lợn thịt. Từ hộ nghèo, giờ đây gia đình ông Dôm đã trở thành điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi ở phố Đoàn Kết.
Đời sống người dân đổi thay
Bà Trương Thị Huyền, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mường Lát, đánh giá: Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ và Đề án “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Khơ Mú tỉnh Thanh Hóa” có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Mường Lát, trong đó có đồng bào Khơ Mú.
Bí thư Huyện uỷ Mường Lát (trái ảnh) Hà Văn Ca thăm hỏi đời sống đồng bào Khơ Mú ở khu phố Đoàn Kết. |
So với năm 2016, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Khơ Mú được cải thiện rõ rệt. Tất cả các hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có thẻ bảo hiểm y tế, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh khi xảy ra ốm đau, bệnh tật; tỷ lệ người dân có và dùng điện thoại di động chiếm trên 35%.
Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,87%; thu nhập bình quân đầu người đạt 11,3 triệu đồng/năm. Hệ thống y tế thôn, bản được phát huy và đem lại hiệu quả thiết thực. Trong bản Lách và khu phố Đoàn Kết đều có 1 cán bộ y tế được đào tạo trình độ sơ cấp, trực tiếp tư vấn chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, hướng dẫn người dân đến bệnh viện khi ốm đau...