Trên ứng dụng MobiFone Smart Travel, các di tích, danh lam thắng cảnh như Lam Kinh (huyện Thọ Xuân),Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc), Am Tiên (huyện Triệu Sơn), Pù Luông (huyện Bá Thước)… được tái hiện qua hình ảnh; thông tin hướng dẫn chi tiết, giúp du khách, nhà nghiên cứu chiêm ngưỡng và hiểu hơn về các di tích, danh lam thắng cảnh.
Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã chính thức công bố hoàn thành việc phục dựng Chính điện Lam Kinh, chính thức đón khách du lịch đến tham quan chính điện từ ngày 2/4. Chính điện Lam Kinh được phục dựng từ năm 2010 trên cơ sở nền móng cũ. Các hạng mục được phục dựng ngoài chính điện còn có thái miếu, nghinh môn, sân rồng, cầu bạch, sông Ngọc, giếng cổ… Kết cấu chính điện Lam Kinh bằng khung gỗ lim, được các nghệ nhân phục chế theo mẫu, kiểu dáng, màu sắc mang đậm phong cách nhà Lê, như: kết cấu khung gỗ lim 6 hàng cột; vì chồng rường giá chiêng; trang trí hoa văn trên bề mặt cấu kiện gỗ hình rồng; chạm nổi, chạm bong một số lớp có độ sâu từ 10 - 20cm...
Chính điện Lam Kinh sau khi phục dựng, tu bổ đã trở thành công trình kiến trúc bằng gỗ lớn nhất và phức tạp nhất tại tỉnh Thanh Hóa, với khối lượng gỗ lim dùng để phục dựng, tu bổ là hơn 2.000 m3.
Chính thức mở cửa Chính điện Lam Kinh tại Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh |
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết tỉnh Thanh Hóa ra mắt sản phẩm du lịch thông minh, và chính thức mở cửa đón khách tham quan chính điện Lam Kinh là sự kiện ý nghĩa và rất kịp thời trong bối cảnh Việt Nam vừa chính thức mở lại hoạt động du lịch trong điều kiện “bình thường mới”.