Giao lưu đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017:

Thành công đến từ đam mê và bản lĩnh

Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó tổng biên tập báo Tiền Phong tặng hoa các khách mời giao lưu.
Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó tổng biên tập báo Tiền Phong tặng hoa các khách mời giao lưu.
TP - Chiều 6/3, tại trụ sở báo Tiền Phong diễn ra Giao lưu trực tuyến với các đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017. Qua chia sẻ về chặng đường đến vinh quang, các gương mặt đã thắp lên ngọn lửa tinh thần đam mê sáng tạo, dũng cảm chinh phục đỉnh cao.

Phát biểu tại buổi giao lưu, nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong, Phó giám đốc Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam mong muốn các khách mời chia sẻ với độc giả cả nước về quá trình nỗ lực học tập công tác, theo đuổi đam mê và chinh phục đỉnh cao; cũng như những hoài bão, khát vọng trong tương lai. Qua đó, tạo cảm hứng, động lực lan tỏa tinh thần học tập, đam mê nghiên cứu sáng tạo trong giới trẻ; nhân rộng tinh thần dũng cảm mưu trí, dưỡng thiện, diệt ác, xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

Thành công đến từ đam mê và bản lĩnh ảnh 1 Đại úy Phạm Văn Dân.

Luôn sẵn sàng đối mặt hiểm nguy

Đại úy Phạm Văn Dân, SN 1983, khắc tinh của hàng loạt tội phạm nguy hiểm ma túy, đánh bạc, trộm cắp tài sản... Ước mơ làm cảnh sát hình sự thuở bé được anh Dân nỗ lực thực hiện từ những việc rất nhỏ. Anh không dám gánh lúa vì lo ảnh hưởng tới chiều cao, để được làm cảnh sát.

Chia sẻ với độc giả Tiền Phong về những lần đối mặt với tội phạm nguy hiểm, đại úy Dân bộc bạch: “Từ khi vào nghề đến nay, tôi chưa một lần có cảm giác lo lắng, hồi hộp khi bước vào các “trận chiến”. Những vụ án càng lớn, tôi càng quyết tâm làm bằng được. Có khi đi đánh án, bước chân ra khỏi nhà cũng có chút suy nghĩ, biết đâu đi làm không quay về nhà nữa. Nhưng vì đam mê nghề, trách nhiệm bảo vệ an ninh trật tự nên mình gạt ngay suy nghĩ đó”.

Một trong những chuyên án đáng nhớ nhất của anh Dân là phá sới bạc tồn tại 20 năm ở Hải Dương. Sới bạc này có mạng lưới rộng, hoạt động rất tinh vi, thường tổ chức ở nơi rất hẻo lánh, không có sóng điện thoại. Nhiều đội trinh sát tổ chức bắt giữ nhưng đều không thành. “Khi được phân công tham gia vào chuyên án này, tôi đang đi học tại Hà Nội. Cứ sáng lên Hà Nội học, chiều về đi “đánh án” đến 2-3 giờ sáng. Có khi đi đến sáng về nhà thay đồ rồi lại lên Hà Nội học”, đại úy Dân kể. Ròng rã hơn nửa tháng trời, đại úy Dân và đồng đội phá án thành công. Những thành công từ chuyên án được làm điển hình nhân rộng tại nhiều đơn vị. 

Theo anh Dân, trong ngành công an, cảnh sát hình sự vất vả nhất vì trực tiếp đối đầu với đối tượng nguy hiểm. Để trưởng thành trong ngành cảnh sát, yêu nghề chưa đủ mà cần có bản lĩnh, sự quyết đoán. “Các ngành khác có khi cần cố gắng một chút là được. Nhưng cảnh sát mà chùn bước, không quyết đoán, không quả cảm thì không thể thành công”, đại úy Dân khẳng định.

Sáng tạo không ngừng nghỉ

Vũ Văn Bình, SN 1989, được xem là cây sáng kiến của Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội. Nói về bí quyết biến ý tưởng thành sản phẩm, Bình khẳng định: Cách duy nhất là sự kiên trì. “Người trẻ thường có rất nhiều ý tưởng táo bạo, mạnh mẽ, tư duy đổi mới nhưng không có nhiều người có thể theo đến cùng để hiện thực hóa ý tưởng. Trong trường hợp đó ý tưởng cũng không có ý nghĩa. Đây là điểm chúng ta nên thay đổi”, Bình nói. Để thành công, theo Bình, nên chia mục tiêu lớn thành nhiều mục tiêu nhỏ và thực hiện từng phần; thường xuyên có các hành động khuyến khích động viên bản thân hoặc cả nhóm để tạo niềm vui, gắn kết và động lực không bỏ cuộc.

Bình cho rằng, để bảo vệ ý tưởng cần 2 điều kiện rất quan trọng: Tính khả thi và giá trị cốt lõi. “Trong các buổi bảo vệ ý tưởng, tôi thường dùng một số câu “Why” hay “What if” để thu hút và cảnh báo người đánh giá về chuyện gì sẽ xảy ra khi không áp dụng ý tưởng. Ví dụ: Tại sao em lại đưa ra ý tưởng này? Hoặc nếu bỏ qua giải pháp này, chúng ta sẽ mất gì?”, Bình nói và cho biết thêm, việc khó là nguồn cảm hứng thúc đẩy sự sáng tạo. Khi phải xử lý việc khó mà chưa bao giờ gặp phải, kinh nghiệm sẽ lùi lại phía sau, thay vào đó là sự thúc giục sáng tạo, đổi mới.

Thành công đến từ đam mê và bản lĩnh ảnh 2 Chàng trai vàng Hóa học Đinh Quang Hiếu.

Kiên trì chinh phục mục tiêu

Vốn không phải “con nhà nòi”, những thành tích ấn tượng của chàng trai vàng Hoá học Đinh Quang Hiếu và cô gái vàng Piano Trần Minh Châu là kết quả của tháng năm kiên trì vượt qua bản thân, theo đuổi đam mê và khát khao chinh phục những đỉnh cao.

Người truyền lửa đam mê Hóa học cho Hiếu là thầy Vi Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Hoá của trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (hiện là phó hiệu trưởng nhà trường) và thầy Nguyễn Hữu Thọ. Từ những ngày đầu gặp thầy Tuấn, Hiếu đã nuôi khát khao chinh phục những tấm huy chương Hóa học quốc tế.

Hiếu chịu khó “cày” hết những nền tảng cơ bản về Hoá học kết hợp thực hành, thí nghiệm và mày mò tìm thêm những phương pháp học nhanh, hiệu quả. Hiếu bật mí: “Ngoài việc học lý thuyết và làm thực hành thông thường, em thường lên youtube xem các video làm thí nghiệm hóa học. Sau đó, em kết hợp làm thực hành trong phòng thí nghiệm. Để phân tích xem mình có thể mắc sai sót ở bước nào dẫn đến sai số”.

Với hai tấm huy chương vàng Hóa học quốc tế, được tuyển thẳng vào trường NUS ĐH quốc gia Singapore nhưng Hiếu từ chối để quyết tâm chinh phục ngôi trường ước mơ- Viện công nghệ MIT (Mỹ). Đây là ngôi trường số 1 thế giới về công nghệ. Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, mới đây, Hiếu đã chinh phục MIT với suất học bổng toàn phần trong 4 năm trị giá 6,4 tỷ đồng.

Thành công đến từ đam mê và bản lĩnh ảnh 3 “Thần đồng” Piano Trần Minh Châu.

Trần Minh Châu đến với piano từ lúc 4 tuổi, đến năm 7 tuổi, mới học chuyên nghiệp. Để theo đuổi đam mê, Châu đã vượt qua nhiều khó khăn, thiệt thòi khi trong gia đình không ai theo ngành âm nhạc; ít cơ hội biểu diễn, cọ xát. Có mặt tại buổi giao lưu, bố mẹ Trần Minh Châu chia sẻ: “Khi cháu bắt đầu theo con đường chuyên nghiệp, chúng tôi nhận ra một số khó khăn. Với các bạn con nhà nòi được bố mẹ hỗ trợ rất nhiều. Ở đây chúng tôi hoàn toàn phó mặc cho giáo viên. Đó là một thiệt thòi với con. Hơn nữa, học nghệ thuật thì việc được biểu diễn, trau dồi là rất quan trọng. Tuy nhiên chúng tôi gặp khó khăn trong việc tổ chức các buổi biểu diễn cho cháu”.

Dù vậy, nhưng ngay trong lần thi quốc tế đầu tiên vào năm 2015 tại Milan, Ý, Châu đã giành giải Nhất trong hạng mục dành cho thí sinh từ 10-13 tuổi. Ước mơ lớn nhất của Châu là được trở thành một nghệ sĩ piano, đi biểu diễn ở khắp thế giới, được mang piano và nhạc cổ điển đến với nhiều khán giả hơn. “Có một bản nhạc mà con rất yêu thích đó là bản Hungarian Rhapsody số 11 của nhà soạn nhạc Franz Liszt và con ước mơ sẽ được chơi bản nhạc này nhiều lần hơn nữa trên các sân khấu sau này”, Châu chia sẻ.

“Làm về kỹ thuật thường không được lãng mạn. Với mình điều lãng mạn nhất là bắt gặp những nụ cười. Trong công việc hàng ngày, mỗi khoảnh khắc nụ cười từ những người đồng chí, những cộng sự, những khách hàng hướng về phía mình, mọi điều trở nên nhẹ nhõm và lung linh hơn. Mỗi khi mạng lưới có sự cố, sản phẩm chưa hoàn thành, kế hoạch bị chậm mọi người thường rất căng thẳng, bí bách. Đó là lúc cần nhất những nụ cười”.

Vũ Văn Bình, Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội

MỚI - NÓNG