> Tổ quốc cần biết và nhớ những người anh hùng
TS Nguyễn Huy Hoàng (đầu bạc) cùng anh em CLB May Thăng Long viếng mộ chị Đặng Thùy Trâm. |
Khoa Văn khóa 17 ĐH Tổng hợp Hà Nội chúng tôi thuở ấy có hai Hoàng người Khu Tư. Hoàng Quảng Bình người nhỏ rệu manh mảnh. Còn Hoàng Hà Tĩnh vậm vạp to đen chùi chũi gọi là Hoàng đen. Hoàng một tay xách cái xe đạp từ tầng một vùn vụt lên tầng ba sắc mặt không biến.
Đã từng may mắn đừng đốt để thế hệ này có di sản Đặng Thùy Trâm, nhưng chiều qua, 23-7, nhóm thực hiện cuốn nhật ký bản tiếng Nga đã dùng cách hoá vàng một bản sách trước mộ để gửi sách đến chị. Tất thảy đứng lặng trước cuốn sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm bản tiếng Nga, từng tờ, từng một lặng lẽ rực lên trước thời khắc về với vĩnh hằng. |
Hai Hoàng đều đam mê văn học Nga. Khác cái Hoàng Quảng Bình dạy ở Đại học Huế, cách đây vài năm mới làm luận án Tiến sĩ. Còn Hoàng đen (Nguyễn Huy Hoàng) dạy Đại học Tổng hợp, từ năm đầu 90 đã bảo vệ luận án tiến sĩ tại ngôi trường mang tên nhà bác học Lomonosov.
Rồi nghe nói Hoàng được tiếp tục ở lại Nga làm trợ giảng và sau đó là cộng tác viên khoa học của ngôi trường trứ danh này. Vậy cũng là thứ thành đạt chứ gì? Ấy vậy mà năm 1993 hiểm họa ập xuống với Nguyễn Huy Hoàng.
Con gái Hoàng mới mười mấy tuổi mất tích ở Xôchi. Chuyện vợ chồng Hoàng ròng rã lần tìm cô con gái trên nước Nga và cả Đông Âu lẫn châu Âu mênh mông có sự góp sức của cơ quan cảnh sát và cả sự tham góp của các nhà hảo tâm, nhà ngoại cảm suốt từ năm 1993 đến nay phải là cả cuốn sách mới tải hết.
Bởi nó gian truân, li kỳ lẫn nước mắt. Bởi không phải nghị lực cùng gia sản của bất kỳ ai cũng đều được mang ra mà trang trải mà sử dụng như thế? Bởi thần kinh con người dẫu là thép cũng khó mà chịu đựng qua lắm lắm những khúc nhôi của một thân phận Việt ở xứ người! Hai vợ chồng Hoàng suốt từ năm 1993 lúc lang thang, khi dặt dẹo, lúc bình lặng trên đất Nga, vừa kiếm sống vừa cũng có ý tiếp tục tìm kiếm ngóng tìm tin tức của đứa con mất tích...
Hoàng đen ngày nào đã trở thành Hoàng bạc! Mái đầu trắng xóa, Hoàng lang bạt trên đất Nga mênh mông. Hoàng không gục xuống như có người tưởng. Hoàng làm đủ nghề để mưu sinh nhưng chưa khi nào lụi tắt niềm tin từng nhen nhóm từ thời thơ dại. Và vào chữ nghĩa.
Có hai lần qua Máxcơva, tôi gặp Hoàng và ghé Hoàng. Nhang nhác nhận ra Hoàng dẫu có lụ khụ ở xứ người cũng chẳng bao giờ đạt tầm tướng hay soái về kinh tế. Có vẻ như Hoàng chỉ kiếm tàm tạm đủ sống? Nhưng Hoàng dư dật phong lưu theo một kiểu khác... Ngoài những giáo trình giảng dạy về văn học Nga, Hoàng xuất bản ở Nga và Việt mười sáu đầu sách về văn hóa văn chương về thế sự.
Hiếm hoi có một người Việt ở nước ngoài trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như Hoàng. Thôi thì Hoàng thành đạt cách nào cỡ nào, cánh đồng môn chúng tôi nghe vậy thì biết vậy, có hoa mừng hoa có nụ mừng nụ, nhưng trong thẳm sâu đứa nào cũng có chút đau đáu phập phồng tin tức nào đó dẫu mong manh về đứa con gái mất tích của Hoàng.
Một lần, năm 2006, trên chuyến máy bay về nước thấy cô chiêu đãi viên trong giờ giải lao khoảng nửa tiếng sau bữa ăn tối của hành khách, tranh thủ bật đèn ngồi đọc một quyển sách.
Hoàng thấy lạ vì hẳn là phải có gì đặc biệt cô ấy mới tranh thủ đọc trong thời gian ngắn như thế. Vả lại đang không có gì đọc, Hoàng ngỏ ý được mượn quyển sách.
Hoàng kể rằng suốt sáu tiếng đồng hồ còn lại, cho đến khi máy bay tiếp đất về đến Hà Nội, anh đã đọc xong toàn bộ quyển sách với một niềm xúc động sâu xa. Đó là quyển "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm".
Về Hà Nội, việc đầu tiên là Hoàng hỏi nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn để biết được địa chỉ của gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm để đến thăm. Rồi một quyết định không phải lúc gấp cuốn nhật ký lại mà là chợt loé ngay khi Hoàng ngồi với những người thân yêu của Đặng Thùy Trâm.
Một sự thôi thúc nội tâm rằng những sự nhân văn tử tế không biên giới này cần phải được lan tỏa đồng cảm sẻ chia. Rằng dẫu thời thế thế nào lòng tốt, sự trắc ẩn sự mất mát chịu đựng trong cuộc chiến tranh vệ quốc luôn hôi hổi trong tâm can những lương dân dưới gầm giời này!
Người ta vẫn thường tự dè chừng rằng nói trước bước không qua nhưng Hoàng đã chắc nịch trước người thân của liệt sĩ rằng tác phẩm này sẽ được dịch sang tiếng Nga.
Rằng cuốn sách từng được chuyển ngữ thành 17 thứ tiếng trên thế giới, không lâu nữa là thứ 18 sang tiếng Nga!
Đó là mùa thu năm 2006.
Trở lại nước Nga, việc đầu tiên là Hoàng tìm đến, liên hệ hai người vào loại giỏi nhất trong cái việc (hay cái nghề?) chuyển từ tiếng Việt sang tiếng Nga. Một người Nga và một người Việt.
Hóa vàng cuốn Nhật ký bản tiếng Nga. Ảnh: Nhật Linh. |
Người đầu tiên là A. Sokolov, Phó giáo sư-tiến sĩ Viện Phương Đông Mátxcơva. Hoàng may mắn có nhiều năm được làm việc với TS, tác giả cuốn từ điển Nga Việt được rất nhiều người dùng làm sách gối đầu giường.
Người thứ hai là thày Lê Văn Nhân, người Việt uyên bác tiếng Nga mà Hoàng coi là người biết chăm chút việc chuyển ngữ tiếng Nga theo cách riêng của mình! Thày Lê Văn Nhân từng là Chủ nhiệm bộ môn tiếng Nga Trường Ngoại ngữ Hà Nội, từng được mời sang Nga giảng dạy nhiều năm.
Thày Nhân quê ở Anh Sơn, xứ Nghệ. Còn Hoàng quê Hà Tĩnh cũng là chỗ quen biết thân thiết... Hoàng khoái hai cuốn sách viết bằng tiếng Nga của thày Nhân Tôi yêu nước Nga bằng trái tim vụng dại và Từ nhà trở lại nhà.
Thoạt tiên, Hoàng chỉ lẳng lặng kính chuyển cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm cho hai ông bạn vong niên từng có thời bánh ngon bẻ đôi, sách hay chung đọc ấy.
Chừng như chất lửa (câu nói của viên thượng sĩ phiên dịch Huy trong cuốn sách) đã lan sang hai cái đầu lục tuần Nga Việt! Vậy nên câu chuyện sau đó đâm suôn sẻ đồng thuận khi Hoàng đề nghị làm một bản tiếng Nga từ cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm.
Hình như nhà văn Tô Hoài có nói rằng muốn học hay tìm hiểu vấn đề gì đó thì cứ mạnh dạn... viết thẳng về thứ ấy! Hoàng không trực tiếp dịch nhưng ngồi mà soát mà đối chiếu bản dịch với nguyên tác, bằng vốn tiếng Nga học đọc cọ sát hơn 20 năm ở Nga, Hoàng nhiều lúc như nổi gai... Cái rờn rợn vừa sung sướng vừa khiếp đảm! Hoàng học được nhiều lắm từ bản dịch của hai người.
Đây không phải là sự lắp ghép đơn thuần do tiến độ thúc ép nào đó hai phần của hai dịch giả mà là sự tiếp nối là dòng chảy chung của những tâm hồn đồng điệu!
Thời buổi kinh tế thị trường, thường cái khó ló cái khôn? Sự tử tế đã lặng lẽ làm chức phận lan tỏa của nó. Hoàng tìm đến Câu lạc bộ May mặc Thăng Long ở Mátxcơva, một tổ chức không phải là một trung tâm văn hóa, mà là nơi tập hợp những doanh nhân với mục đích sản xuất và kinh doanh, gồm những người có tâm.
Các anh Đỗ Quý Dương, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Viết Tuấn... ở đó thấy việc tài trợ cho việc ra sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm bản tiếng Nga như là một lẽ tự nhiên.
CLB May mặc Thăng Long đã dành 18.000 USD cho việc in ấn 3.500 cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm bằng tiếng Nga. Đúng ngày 24-8-2011, với sự chứng kiến của Đại sứ Phạm Xuân Sơn, đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng dịch cuốn sách giữa TS Sokolov và CLB may mặc Thăng Long.
Cũng cần nói thêm một công đoạn quan trọng để cuốn Nhật Ký Đặng Thùy Trâm được ra đời. Vốn bản tính thận trọng, sau khi củ soát lại bản tiếng Nga kỹ càng, trong một lần về nước TS Nguyễn Huy Hoàng đã ôm bản thảo đến gặp dịch giả Đoàn Tử Huyến, chủ trung tâm sách Đông Tây nổi tiếng đề nghị củ soát lại lần nữa.
Dịch giả nổi tiếng gặp được bản thảo dịch của một cuốn sách vang danh. TS Nguyễn Huy Hoàng đã biết chọn mặt gửi vàng. Gã đầu bạc, ấy là tên gọi yêu pha chút kính nể của bạn đọc đối với nhà văn kiêm dịch giả Đoàn Tử Huyến.
Cùng với Hoàng, hai gã đầu bạc người Nghệ này đã chụm đầu với nhau nhiều đêm để 3.500 cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm bản tiếng Nga với 340 trang do nhà xuất bản Thế giới in (bìa của họa sĩ Văn Sáng) phát hành hôm nay, ngày 24-7-2012.
...Chiều muộn 23-7, tôi phôn cho Hoàng lần nữa hỏi xem khoản thù lao cho bao nhiêu vất vả thì gã trả lời rằng không lấy một xu nhỏ! Hoàng cho biết vừa cùng anh em CLB may Thăng Long vừa đến thắp hương mộ chị Đặng Thùy Trâm (sáng hôm vừa bay ở Nga về để dự lễ ra mắt cuốn sách, Hoàng và mấy anh em cũng đến nhà chị Thùy Trâm dâng hương).
Thủ tục cuối cùng buổi viếng mộ là hóa vàng. Đã từng may mắn đừng đốt để thế hệ này có di sản Đặng Thùy Trâm. Nhưng xin chị Trâm yêu quý, thử dùng phương tiện này để gửi sách đến chị.
Tất thảy đứng lặng trước cuốn sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm bản tiếng Nga, từng tờ, từng một lặng lẽ rực lên trước thời khắc về với vĩnh hằng.
Đêm 23-7-2012