Thần thánh cũng cách ly

Phủ Tây Hồ hôm mùng Một tháng Ba âm lịch
Phủ Tây Hồ hôm mùng Một tháng Ba âm lịch
TP - Tôn giáo, tín ngưỡng là quyền tự do, là sự lựa chọn tự nguyện của mỗi người. Trong những tình cảnh ngặt nghèo đất nước cần mỗi người dân ở đâu thì ở yên đó, con nhang đệ tử ắt không ngoại lệ.

1.Chùa chiền, đền phủ gần hai tháng nay như chùa bà Đanh, phần lớn nhờ các văn bản mệnh lệnh hành chính nhằm ngăn tụ tập đông người. Ấy thế mà Mùng 1 tháng Ba âm lịch, bất chấp những ổ dịch tiềm tàng ở Hà Nội với chừng “20 người dương tính lang thang ngoài cộng đồng”, người ta lại nhao tới phủ Tây Hồ, phải nhờ vào lực lượng chức năng phát loa động viên, lập hàng rào mềm mới chịu giải tán.

Tháng Tám tiệc cha, tháng Ba tiệc Mẹ. Chẳng trách Mùng 1 sớm mai hàng trăm con nhang đệ tử sống chết dâng hương hoa vật phẩm đến trình diện cho kỳ được ở phủ Tây Hồ-nơi thờ mẫu Liễu Hạnh. Xe máy xếp hàng dãy dài, sạp hương hoa, tiền vàng, viết sớ tấp nập như mở hội. Phủ Tây Hồ trước đó có treo biển dừng đón khách, các ban thờ đều cửa đóng then cài kín mít, nhưng dân tình chẳng nề hà đặt lễ để vái vọng. Hàng trăm người chen nhau trong khuôn viên chật hẹp. Khẩu trang người có người không, khấn vái hăng say đâu ai dám chắc giọt bắn không văng sang người bên cạnh.

Người Việt sau hàng chục năm “mồ côi tâm linh”, nay lại rơi vào trạng thái cuồng tín. Dịp này không mắc kẹt dịch COVID-19, hàng triệu dân ta hẳn say sưa phải biết với chuỗi hội hè miên man kéo dài suốt ba tháng đầu năm. Thời đại dịch toàn cầu đang căng như dây đàn, thế mà không ít người vẫn nghĩ vi rút nó chừa mình ra, bất chấp khuyến cáo để đi lễ. Làm như lễ tại gia thì thánh thần quở quang, không lễ bái e tận thế đến nơi. Trót tìm tới cửa Phật, cửa Thánh rồi thì phải bỏ khẩu trang ra để các ngài... chứng. Đức tin vừa ngây ngô, vừa nửa vời là thế.

2. Người theo đạo Mẫu trọng tháng 3 âm vì diễn ra nhiều tiệc Mẫu, không thể thiếu tiệc Mẫu Liễu Hạnh-Thánh Mẫu đứng đầu trong hệ thống thờ Tam, Tứ phủ. Ngày 3 tháng 3 âm lịch cũng là ngày mở hội Phủ Dầy (Nam Định), nơi đón bằng ghi danh Di sản phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Ngày kỵ Mẫu Liễu Hạnh năm nay khác thường. Bà đồng Kim Huệ trông coi phủ Dầy phát trực tiếp hình ảnh phun thuốc khử trùng khắp trong ngoài phủ. Hội dừng, phủ đóng cửa im lìm, thủ nhang thông báo trên facebook về chủ trương của Chính phủ, tỉnh Nam Định không mở hội để đẩy lùi dịch bệnh. Không tránh khỏi thở than, phiền não vì lỗi hẹn về cửa Mẫu, nhưng con nhang đệ tử cốt nhất tâm kính lễ cũng là tưởng nhớ, ghi ơn bề trên.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ thời dịch bệnh tràn về cũng thể hiện rõ tính nhập thế. Nào là phát động tăng ni, phật tử và nhân dân chung tay chống dịch, hạn chế tụ tập đông người. Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng thư ký Giáo hội khuyên người dân đeo khẩu trang hành lễ không hề giảm bớt sự tôn nghiêm. Đại lễ Phật đản vào tháng 4 âm lịch cận kề, các chức sắc tôn giáo nhắc nhở không tụ tập đông người, đại lễ Vesak năm nay hủy bỏ. Giáo hội khuyến khích mừng đại lễ Phật đản bằng nghi thức tắm Phật, tụng kinh tại cơ sở tự viên, tư gia, không tập trung quá đông người. Phật tại tâm-giáo lý kinh điển của đạo Phật- ở thời dịch bệnh này càng nên phát huy hơn bao giờ.

Tôn giáo, tín ngưỡng là quyền tự do, là sự lựa chọn tự nguyện của mỗi người. Trong những tình cảnh ngặt nghèo đất nước cần mỗi người dân ở đâu thì ở yên đó, con nhang đệ tử ắt không ngoại lệ. Loạt sự kiện của một số tôn giáo nguy cơ thành ổ dịch không phải hão huyền, cứ nhìn sang Hàn Quốc, Malaysia cho sáng mắt ra. Bệnh nhân số 61 dự thánh lễ Hồi giáo ở Malaysia trở về nước khiến nhiều người vạ lây.

Ban Tôn giáo Chính phủ hướng dẫn các tôn giáo đón lễ trọng giữa bối cảnh đại dịch, cũng là điều nên làm và cần thiết. Hàng loạt thánh lễ của Công giáo, Tin lành không cầu nguyện tập trung, nhiều hoạt động tôn giáo khác chuyển hướng sang trực tuyến, đại hội nhiệm kỳ của một số hội thánh được tạm dừng và đẩy lùi thời gian. Quyết định tình thế vì sự ưu tiên bậc nhất cho sinh mạng con người, sự tồn vong của nhân loại. Thần thánh thời COVID-19 cũng cần trú ẩn, cách ly.         

MỚI - NÓNG
'Cô tiên từ thiện' vừa bị bắt là ai?
'Cô tiên từ thiện' vừa bị bắt là ai?
TPO - Nguyễn Đỗ Trúc Phương (30 tuổi, sống tại TPHCM) từng nổi tiếng trên mạng xã hội với biệt danh "cô tiên từ thiện". Ngày 14/11, công an TPHCM cho biết đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Đỗ Trúc Phương để điều tra về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.