Một thủ đô Seoul hiện đại nhưng luôn chú trọng tới yếu tố “xanh”, một thành phố Gwangju với tham vọng trở thành cái nôi nghệ thuật của châu Á và một đảo Jeju nhộn nhịp, sầm uất. Xem cách người Hàn ứng phó khủng hoảng, gợi mở cho những người làm du lịch xứ ta nhiều điều.
Korea Grand Sale và bí quyết vượt khủng hoảng
Đoàn nhà báo chúng tôi được mời tham dự chương trình Khách mời các nhà báo ASEAN do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hàn Quốc tổ chức gồm các đại diện của Việt Nam, Singapore, Philippines, Campuchia và Myanmar. Đây là thời điểm Hàn Quốc vừa trải qua đại dịch MERS (Middle East Respiration Syndrome), tên gọi tắt của Hội chứng Hô hấp vùng Trung Đông. Ngày làm việc đầu tiên tại Seoul, chúng tôi được bà Kyung An Han, Tổng thư ký Ủy ban Visit Korea, đơn vị chủ trì chương trình Korea Grand Sale mở đầu bằng câu hỏi: “Các bạn đến đây có còn thấy dấu vết của đại dịch MERS không?. Có cảm thấy an toàn không?”. Cả đoàn đều cười ồ vì nếu bà Kyung không hỏi như vậy thì chúng tôi cũng không nhớ ra là cách đây chưa lâu cả thế giới lo lắng như thế nào vì đại dịch MERS bùng phát ở Hàn Quốc kể từ ngày 26/5/2015 khi ca nhiễm MERS đầu tiên được phát hiện ở Hàn Quốc. Sau đó, tin tức và hình ảnh nhân viên sân bay, nhân viên y tế, du khách và thậm chí là các đôi tình nhân đi lại ở Hàn Quốc đều đeo khẩu trang luôn ngập tràn trên các trang tin tức toàn cầu. Xứ sở Kim Chi trong mắt khách du lịch lúc đó vô cùng đáng sợ và nguy hiểm. Mất toi bao công sức quảng bá và thu hút khách du lịch của Hàn Quốc.
Bà Kyung An Han cho biết, ngay sau khi dịch MERS bùng phát vào tháng 5/2015, lượng du khách tới Hàn Quốc giảm 11% trong tháng 6, và đến tháng 7 tiếp tục giảm 5%. Sự sụt giảm khách du lịch nước ngoài này đã khiến nền kinh tế Hàn Quốc thiệt hại tới 3,3 tỷ won (tương đương 3,3 triệu USD) chỉ trong vòng một tháng. Ngày 27/7/2015, khi Hàn Quốc chính thức công bố thoát khỏi đại dịch MERS sau 23 ngày không có ca nhiễm MERS mới nào, chính phủ Hàn Quốc ngay lập tức bắt tay vào việc thu hút khách du lịch trở lại. Korea Grand Sale, chương trình bán hàng khuyến mại lớn của Hàn Quốc, vốn diễn ra vào mùa xuân, thì nay được khởi động luôn vào mùa thu, bắt đầu từ ngày 14/8 đến 31/10/2015 với sự chung tay của nhiều cơ quan chính phủ như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Đất đai và Giao thông, Bộ Y tế và Phúc lợi, Cục Hải quan, Tổ chức du lịch Hàn Quốc, các sân bay quốc tế, các hãng du lịch và các công ty lớn nhỏ của Hàn Quốc…
Và Hàn Quốc đã nhanh chóng hồi phục được nền kinh tế không khói này bằng nhiều chương trình khuyến mại đặc biệt và hấp dẫn. Các chương trình quảng bá về Korea Grand Sale đã được giới thiệu tại Trung Quốc, Nhật Bản, những nước có số lượng du khách tới Hàn Quốc đông nhất. Chính người Hàn Quốc cũng không ngờ rằng, khi chương trình này được đăng trên mạng Sina. com của Trung Quốc, nó tạo nên cơn sốt du khách Trung Quốc trở lại Hàn Quốc ngay sau đại dịch MERS vừa kết thúc. Trong thời gian ở Seoul, tôi đã chứng kiến cảnh du khách Trung Quốc xếp hàng dài dằng dặc tại các cửa hàng hoàn thuế của Lotte. Điều này cho thấy, nỗi sợ hãi dịch MERS tại Hàn Quốc nhanh chóng tan biến thông qua các chiến lược tổng thể, bài bản của họ.
Bà Kyung cho biết thêm: “Korea Grand Sale là một cơ hội tuyệt vời và cũng là một thách thức để vượt qua khủng hoảng. Korea Grand Sale đã đóng góp 5% cho GDP Hàn Quốc. Năm 2014, lượng khách du lịch đến với Hàn Quốc đạt 14 triệu người và mục tiêu của Hàn Quốc đạt 20 triệu du khách vào năm 2018. Mục tiêu này có thể đạt được khi Hàn Quốc vượt qua được đại dịch MERS và nhân sự kiện Hàn Quốc trở thành quốc gia châu Á đầu tiên đăng cai Olympic mùa đông 2018”.
Trước câu hỏi của tôi: “Liệu sau đại dịch MERS, Hàn Quốc sẽ tiếp tục duy trì Korea Grand Sale vào mùa thu như năm nay không hay đây chỉ là biện pháp “cứu” khủng hoảng?” Bà Kyung khẳng định: “Nếu thành công, chúng tôi sẽ tiếp tục chương trình thường niên vào mùa xuân tới và mở rộng mùa sale vào dịp hè”.
Gangnam style không bỗng dưng nổi tiếng
Câu chuyện các cơ quan bộ, ngành của Hàn Quốc cùng chung tay vượt qua đại dịch MERS một cách ngoạn mục vừa qua khiến tôi nhớ tới chuyến đi 10 năm trước tới Seoul. Dạo đó, tôi được Quốc hội Hàn Quốc mời sang thuyết trình về việc làm thế nào để duy trì Làn sóng Hàn Quốc (tiếng Hàn là Hallyu) khi nó đang có nguy cơ bị chìm xuống ở Đông Nam Á. Thời điểm đó, Việt Nam, Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc là những nước trọng điểm mà Hàn Quốc muốn phổ biến Hallyu. Các bộ phim truyền hình Hàn Quốc như “Bản tình ca mùa đông”, “Trái tim mùa thu”… là các bộ phim quảng bá của Hàn Quốc đã từng sốt sình sịch ở các nước châu Á này. Mốt “tóc nâu, môi trầm” của Hàn Quốc cũng rộ lên từ dạo đó tại Việt Nam.
Tại hội thảo đó, bên cạnh những mặt tích cực, tôi đã mạnh dạn nêu ra những mặt tiêu cực của văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, điển hình là phim truyền hình Hàn Quốc với những mô típ quen thuộc đến nhàm chán như nhân vật chính chết vì bệnh ung thư, máu trắng và bạo lực học đường…Khi bài tham luận của tôi kết thúc, rất nhiều nghị sỹ tới bắt tay tôi và nói: “Cảm ơn vì những góp ý chân thành và sâu sắc”.
Ngỡ rằng, họ cảm ơn xã giao vậy thôi và cuộc hội thảo cũng chỉ là hình thức. Thế nhưng, đúng 6 tháng sau, ông Kim Sang Ug được phái sang Việt Nam, thông qua Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, đã liên hệ với tôi và muốn được gặp gỡ trao đổi. Tại cuộc gặp mặt, ông Kim nói, ông được giao nhiệm vụ sang Việt Nam xúc tiến việc thành lập Trung tâm văn hóa Hàn Quốc và muốn “chuyên gia về Hàn Quốc” (ông Kim gọi tôi thế) cho vài lời khuyên. Chỉ chưa đầy một năm kể từ ngày ông Kim Sang Ug sang Việt Nam, ngày 18/11/2006, Trung tâm văn hóa Hàn Quốc đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á ra đời tại Việt Nam và ông Kim Sang Ug là Giám đốc đầu tiên của Trung tâm. Một sự xúc tiến nhanh ngoài sức tưởng tượng của tôi. Và rồi, Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Philippines cũng ra đời sau đó và năm 2016 sẽ tại Myanmar.
10 năm qua, Hallyu không những không suy giảm mà thậm chí có sự phát triển không ngừng với nhiều dạng thức khác nhau. Không chỉ bó hẹp ở khu vực Đông Nam Á, nó đã lan ra toàn cầu, đỉnh điểm là bài hát và điệu nhảy Gangnam Style của PSY khởi phát tại Mỹ và nhanh chóng tạo được cơn sốt toàn cầu vào năm 2012, một thành công ấn tượng của Làn sóng Hàn Quốc ra thế giới.
Trong chuyến trở lại Hàn Quốc lần này, tôi nhận thấy 10 năm qua, không chỉ các trung tâm văn hóa Hàn Quốc được thành lập ở một số nước Đông Nam Á, mà ngay tại Hàn Quốc, các trung tâm nghiên cứu về Đông Nam Á được mở tại các trường đại học ở Hàn Quốc. Trung tâm văn hóa châu Á (Asia Culture Centre) sau 10 năm chuẩn bị vừa chính thức khành thành tại thành phố Gwangju, miền Nam Hàn Quốc trên một diện tích rộng lớn với tham vọng trở thành tâm điểm cho các hoạt động văn hóa lớn nhất của châu Á. Năm 2013, Hiệp hội các trung tâm nghiên cứu Hallyu trên thế giới đã được thành lập với 15 trung tâm đặt tại nhiều nước và khu vực trên thế giới trong đó có Mỹ, Anh, châu Âu, Trung Đông…
Ông Ingyu Oh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hallyu, trực thuộc Đại học Hàn Quốc cho biết: “Với việc lập ra nhiều chi nhánh trên khắp thế giới, chúng tôi có thể hiểu hơn về văn hóa của mỗi nước để có thể đưa Hallyu tiếp cận với văn hóa bản địa một cách hiệu quả. Việc các ban nhạc Hàn Quốc được biểu diễn tại Quảng trường Thời đại của Mỹ hay tháp Eiffel của Pháp vào đêm giao thừa không hề dễ dàng chút nào, nhưng chúng tôi đã
làm được”.
Ông cho biết thêm, thành công vượt bậc của Gangnam Style không phải bỗng dưng mà có. Ông nói: “Bạn nghĩ rằng người Mỹ dễ dàng chấp nhận âm nhạc của người châu Á ư? Âm nhạc Hàn Quốc sẽ không bao giờ được người Mỹ để ý tới nếu nó không phải là thứ âm nhạc quen thuộc với người Mỹ. Gangnam style đã làm quen tai người Mỹ bằng bản phối lại từ bài hát của Justin Bieber, một ca sỹ ăn khách nhất hiện nay tại Mỹ với số lượng fan khá lớn. Một lý do nữa khiến người Mỹ để mắt tới bài hát này là do ca sỹ PSY là người Hàn Quốc sống tại Mỹ, có thể nói tiếng Anh lưu loát, cộng với điệu nhảy cưỡi ngựa vui nhộn, lạ mắt, không đụng hàng”.
_____________
(Còn nữa)
Hallyu với mục tiêu chinh phục thế giới thông qua văn hóa do chính phủ Hàn Quốc chủ trì được thực hiện nhất quán trong sự phối hợp ăn ý giữa các bộ, ngành, các tổ chức tư nhân hơn 10 năm qua đã đưa Hàn Quốc tiến dài thông qua các cuộc “đổ bộ” của K-pop (Âm nhạc đương đại Hàn Quốc), K- drama (phim truyền hình Hàn Quốc), sắp tới là K- rap, K- hip hop, K- animation (phim hoạt hình Hàn Quốc). Ăn theo nó là doanh thu khổng lồ của K- cosmetics (Mỹ phẩm Hàn Quốc), K- products (Sản phẩm Hàn Quốc)…