Thâm ý TQ khi đề xuất bàn quy tắc ứng xử Biển Đông

Thâm ý TQ khi đề xuất bàn quy tắc ứng xử Biển Đông
TPO - Giáo sư Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) mổ xẻ thâm ý của Trung Quốc khi bất ngờ đề xuất đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) với ASEAN.

> TQ đề xuất đàm phán về soạn thảo COC

> Shangri-La 12 sẽ thảo luận các vấn đề biển Đông

Ông đánh giá thế nào việc Trung Quốc muốn bàn COC?

Việc Trung Quốc đồng ý tổ chức một cuộc họp vào tháng 8 năm nay của Nhóm làm việc về Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), để bàn về COC là một bước ban đầu tích cực. Trước đó Trung Quốc đã từ chối tham gia các cuộc thảo luận chính thức về COC trong những sắp đặt đa phương.

Nhưng nên lưu ý là Nhóm làm việc cũng sẽ thảo luận DOC. Trung Quốc có thể sẽ đề cập tới tiến triển DOC, trước khi tiến đến COC. Trung Quốc có thể sẽ lập luận rằng, thái độ và cách cư xử của “một số nước” vi phạm tinh thần của DOC và cho đến khi điều này được “chỉnh đốn” thì vẫn không có tiến triển nào về COC.

> Trung Quốc có thật lòng?

> ASEAN dự kiến bàn vấn đề biển Đông
> ASEAN, TQ sẽ có cuộc gặp đặc biệt về Biển Đông 

Trung Quốc đã bổ nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao mới, ông Vương Nghị (Wang Li), người có kinh nghiệm sâu rộng về ngoại giao trong quan hệ với ASEAN. Nhưng bộ Ngoại giao chưa hẳn có quyền lực trung tâm ở Trung Quốc hiện nay. Có thể Bộ Ngoại giao đang cố gắng “hạn chế thiệt hại” gây nên bởi lối cư xử của Trung Quốc trước đây. Trung Quốc cũng đang phản ứng lại với cách tiếp cận từ Brunei, Indonesia và các ngoại trưởng ASEAN để bắt đầu thảo luận về COC.

Thưa ông, mới đây Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh cho hay Trung Quốc và ASEAN sẽ có cuộc họp đặc biệt giữa các Ngoại trưởng khoảng tháng 8-9 năm nay, để thảo luận về Biển Đông, nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược. Ông có cho rằng COC sẽ có tiến triển thực sự?

Bước đi đầu tiên quan trọng này rất đáng được hoan nghênh. Nhưng quan điểm cơ bản của Trung Quốc với đường 9 đoạn không thay đổi. Truyền thông Trung Quốc cáo buộc Philippines về việc làm “không tặc” trong quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và ASEAN nhằm khuấy động rắc rối ở biển Đông. Truyền thông Trung Quốc cũng cáo buộc  Philippines về chiếm đóng trái phép lãnh thổ Trung Quốc và khuyến khích các thế lực bên ngoài (Mỹ) can thiệp.

Điều này dường như cho thấy Trung Quốc sẽ dùng ngoại giao để cố gắng và cô lập Philippines trong ASEAN nhằm tạo áp lực cho Manila từ bỏ yêu sách lên LHQ.

Biển Đông tại Đối thoại Shangri La

Đội tàu Trung Quốc trên Biển Đông
Đội tàu Trung Quốc trên Biển Đông.

Ông dự đoán Biển Đông sẽ được thảo luận tại Đối thoại Shangri La tới đây thế nào? Thái độ của Mỹ ra sao?

Biển Đông không được đưa vào chương trình nghị sự chính thức nhưng sẽ được thảo luận ở phiên về an ninh hàng hải. Có thể biển Đông cũng sẽ được đưa ra khi liên quan tới các vấn đề an ninh khu vực ở phiên toàn thể.

Tôi cho rằng vấn đề có thể phụ thuộc vào lãnh đạo cấp cao Việt Nam trong phát biểu mở đầu, để đưa vấn đề biển Đông ra, thể hiện không chỉ quan điểm của Việt Nam mà còn là đề xuất thiết thực cho con đường phía trước. Nếu phía Việt Nam không đề cập vấn đề biển Đông thì thảo luận có thể chuyển sang các chủ đề an ninh khác.

Theo tôi, Mỹ có thể sẽ không quá nhiệt tình trong vấn đề này, vẫn ủng hộ ASEAN và những nỗ lực của hiệp hội để đàm phán COC. Tuy nhiên, Mỹ sẽ tập trung hơn vào vấn đề Triều Tiên hơn và tăng cường quan hệ với Trung Quốc, một chủ đề chính trong Đối thoại Shangri La năm nay.

Xin cảm ơn ông!

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.