Trường hợp thẩm phán bỏ lọt tội phạm, ra bản án gây thiệt hại cho Tòa án, Nhà nước cũng bị dừng thực hiện nhiệm vụ. Nếu thẩm phán có số bản án, quyết định bị tòa cấp trên hủy từ 1.16 đến 3% trên tổng số vụ có thể nhận kỷ luật từ tạm dừng đề nghị bổ nhiệm lại trong thời hạn từ 6 đến 18 tháng. Trường hợp có trên 3% án bị hủy hoặc bản án sai trong việc đánh giá chứng cứ, vi phạm tố tụng, gây thiệt hại… thì thẩm phán không được bổ nhiệm lại.
Dự thảo cũng đưa ra quy định nhằm tránh trường hợp “ngâm án”. Theo đó, thẩm phán có thể bị kiểm điểm, không được phân công giải quyết vụ việc mới hoặc tạm dừng việc xét xử trong 18 tháng nếu để 1 vụ việc quá hạn từ 6 đến 9 tháng hoặc 2 vụ quá hạn từ 6 tháng đến 1 năm. Đặc biệt, thẩm phán áp dụng án treo không đúng với 1 bị cáo phạm tội tham nhũng sẽ bị dừng việc thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, thẩm phán sẽ bị kỷ luật nếu để vợ chồng, bố mẹ (đẻ hoặc của vợ/chồng), con, anh chị em ruột tham gia tư vấn, bào chữa trong vụ việc mình được phân công giải quyết. Với hành vi tiếp, bị can, bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không đúng địa điểm, thời gian quy định hoặc ăn uống với họ thì thẩm phán có thể bị cảnh cáo hoặc hạ bậc lương. Nếu thẩm phán trực tiếp tư vấn cho bị can, bị cáo, người liên quan… sẽ bị kỷ luật bằng hình thức cách chức hoặc buộc thôi việc.