Ngày 6/8, tại TPHCM, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo “MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” khu vực phía Nam.
Tham dự hội thảo có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân...
Báo cáo tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết những năm qua, MTTQ Việt Nam đã quan tâm thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng (PCTN) lãng phí.
Cụ thể: MTTQ các cấp đã tham gia tích cực vào việc xây dựng và tuyên truyền các quy định về PCTN, lãng phí, tăng cường giám sát, phản biện xã hội, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính chống tình trạng cán bộ nhũng nhiễu trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
Tuy nhiên, ông Ngô Sách Thực nhận xét hiện nay tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi, vẫn diễn ra rất nhức nhối ở nhiều cấp, nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, tiếp tục làm xói mòn đạo đức xã hội, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
“Tham nhũng lãng phí làm giảm lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Chính vì thế, PCTN, lãng phí luôn là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự tham gia thường xuyên, thực hiện kiên trì, kiên quyết của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó phải có sự vào cuộc tích cực của MTTQ Việt Nam”, ông Thực nhấn mạnh.
TS Cao Vũ Minh, Trường Đại học Luật TPHCM cho rằng công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua tuy có chuyển biến nhưng chưa đạt được kết quả tích cực.
Nguyên nhân một phần do chưa phát huy được vai trò của nhân dân tham gia vào kiểm soát quyền lực, việc tha hóa quyền lực trong bộ máy chính quyền chưa được ngăn chặn.
“Chúng ta đều biết, tham nhũng xuất hiện ở mọi nơi, mọi lĩnh vực, dù có nhiều cơ quan thực thi nhiệm vụ thanh, kiểm tra, giám sát, xử lý nhưng số vụ phát hiện tham nhũng, tiêu cực lại rất ít, chủ yếu do báo chí và người dân phát hiện. Nếu được luật hóa quyền của nhân dân trong kiểm soát quyền lực Nhà nước, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí sẽ đạt kết quả tốt”, TS Cao Vũ Minh nói.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM cho rằng bản chất của tham nhũng là những người có chức vụ và quyền hạn lạm dụng quyền lực để vụ lợi. Do đó, kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí thì nhất thiết phải kiểm soát được quyền lực.
Theo ông Hậu, cần có cơ chế giám sát ngay hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, lãng phí trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng. Đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Việc xử lý vi phạm không loại trừ bất cứ ai, nếu có hành vi tham nhũng.
“Sau khi kiểm soát được quyền lực thì phải xử lý tận gốc tham nhũng chính sách. Tham nhũng chính sách được đặt ra trong trường hợp một bộ phận xã hội, phổ biến nhất là các nhà đầu cơ, mưu cầu lợi ích riêng cho mình hoặc lợi ích nhóm bằng cách móc nối với những cá nhân, tổ chức có thẩm quyền soạn thảo, ra quyết định thông qua chính sách, để nhà nước đưa ra chính sách có lợi cho họ, bất chấp lợi ích chung”, ông Hậu nói.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng phải có cơ chế, quy trình tiếp nhận cụ thể để xử lý thông tin liên quan đến suy thoái, tham nhũng.
Tại TPHCM, cuối tháng 12/2017, Thành ủy đã có quy chế tiếp nhận các vụ việc này từ 4 nguồn: MTTQ, HĐND tiếp xúc, gặp gỡ cử tri, qua đơn thư khiếu nại tố cáo và báo chí đăng; từ đó tổng hợp các phản ánh chuyển sang cấp ủy địa phương, báo cáo Thành ủy chỉ đạo giải quyết.
Bí thư Thành ủy TPHCM đề xuất đến cuối năm 2018, MTTQ mỗi địa phương giới thiệu ít nhất 1 trường hợp có liên quan đến tham nhũng, lãng phí do Mặt trận kiến nghị giải quyết có kết quả, sau đó tổng hợp lại của 63 tỉnh thành một tập sách.
“Điều đó rất quý, là thông tin để thấy được vai trò của Mặt trận, hãy làm từng việc có kết quả từ đó đem lại niềm tin”, ông Nhân khẳng định.
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên cần thống nhất về mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương.
“Cán bộ MTTQ cần nâng cao năng lực, gương mẫu, quyết liệt trong công tác, đặc biệt phải có ý chí và hành động trong đấu tranh PCTN; không sợ mất uy tín, không sợ khuyết điểm; bản lĩnh, có chính kiến thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, phải lắng nghe ý kiến nhân dân, phải biết dựa vào nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu, làm cho nhân dân tin và phải công khai để nhân dân biết”, ông Trần Thanh Mẫn lưu ý.