Theo dự kiến chương trình, phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra từ ngày 8 – 13/8. Đáng chú ý, vào ngày 13/8, theo kế hoạch, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Trao đổi với PV về việc này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến sẽ trả lời chất vấn tại phiên họp 26.
Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn trong một ngày và vẫn áp dụng hình thức đổi mới từ kỳ chất vấn tại phiên họp lần thứ 22. Theo đó, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút mỗi lần. Sau đó người được chất vấn sẽ trả lời ngay câu hỏi của đại biểu Quốc hội.
Trong trường hợp đại biểu Quốc hội chưa thỏa mãn với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng để đăng ký tranh luận như tại phiên chất vấn ở Quốc hội, thời gian hỏi và trả lời khi tranh luận ngắn hơn quy định nêu trên.
Trước đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thí điểm chất vấn theo hướng hỏi nhanh đáp gọn, chất vấn một câu và trả lời một câu, thay vì gom lại nhiều câu mới trả lời như trước kia. Tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã áp dụng chất vấn theo hướng hỏi nhanh đáp gọn này.
Việc đổi mới chất vấn đã mang lại hiệu quả tức thì, được các đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá cao. Bởi chất vấn theo hướng này sẽ tiết kiệm thời gian, tạo điều kiện cho nhiều đại biểu chất vấn. Đặc biệt, với thời lượng chỉ tối đa 1 phút cho câu hỏi, đòi hỏi người chất vấn và người trả lời phải tìm hiểu kỹ, nắm chắc được từng vấn đề.
Bên cạnh nội dung chất vấn, tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi); tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016”. Các dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật Kiến trúc, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)... cũng được cho ý kiến tại kỳ họp này.