Thâm nhập lò “độ” cân

Sau khi được ông Hai T. “phù phép”, dây xích trọng lượng 1 kg thành 1,2 kg
Sau khi được ông Hai T. “phù phép”, dây xích trọng lượng 1 kg thành 1,2 kg
Trong phút chốc, một trùm “độ” có thể làm cho cân chênh lệnh đến 20% với tiền công từ 70.000-100.000 đồng

Mang chiếc cân đồng hồ 5 kg, phóng viên Báo Người Lao Động đã thâm nhập nhiều lò “độ” tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Vẫn nguyên vẹn chì niêm phong

Trong vai thương lái tìm nơi “độ” cân, chúng tôi được một tiểu thương tại Trung tâm Thương mại TP Pleiku hướng dẫn “đến đường Hoàng Văn Thụ hỏi ông Hai T. Ổng “độ” cân từ xưa đến giờ, ai cũng biết”.

Nhà ông Hai T. nằm trong một hẻm nhỏ. Khi chúng tôi nhờ “độ” chiếc cân mang theo, ông hỏi lại: “Độ” cân ăn chênh lệch chứ gì, thế cân mua hay cân bán? “Độ” ăn 2 lạng nhé. Nếu “độ” để mua thì hàng 1,2 kg cân còn 1 kg. Còn độ bán thì ngược lại, hàng 8 lạng thành 1 kg. Cân 5 kg nên “độ” 1-2 lạng thôi, chứ ăn nhiều người ta nghi ngờ”.

Sau khi biết chúng tôi muốn “độ” cân bán hàng, ông Hai T. cầm chiếc cân lên gác và bảo chúng tôi chờ. Chưa đến 20 phút sau, ông xuống với chiếc cân vẫn còn nguyên chì kẹp niêm phong 2 bên. Trước khi giao hàng, ông T. lấy sợi dây xích nặng 1 kg đặt lên, cân nhảy 1,2 kg. “Thấy chưa. Tôi làm nghề này gần hai chục năm nay. Ở đây, tiểu thương nào chẳng biết tôi. Cân vàng tôi còn “độ” được mà. Nhiều người ở tận Đắk Lắk, Kon Tum…, còn mang cân đến đây thuê “độ” - ông Hai T. nói liên hồi rồi yêu cầu chúng tôi trả 70.000 đồng tiền công.

Tại khu vực chợ Trà Bá, tiệm sửa cân đồng hồ của ông L. cũng được nhiều người biết vì “độ” cân giá rẻ và nhanh. Sau khi chúng tôi yêu cầu chỉnh cân mua, ông L. cầm chiếc cân xuống nhà bếp. Chúng tôi liền theo sau. Sau khi tháo chiếc cân ra, ông đếm số vòng của lò xo rồi dùng kìm chỉnh lại. Chưa đầy 5 phút, chiếc cân được lắp lại, kẹp chì niêm phong vẫn như cũ. Cân thử miếng sắt 2 kg, kim đồng hồ chỉ 1,4 kg.

Sau khi lấy tiền công 100.00 đồng, ông L. khuyên đối với loại cân 100 kg, không nên “độ” cách này vì có ai nghi ngờ, nhảy lên cân thử là “thua ngay”. Sau đó, ông bày cho chúng tôi cách điều chỉnh nút dưới bàn cân để tăng giảm trọng lượng theo ý muốn. Để chứng minh, ông đưa ra cân loại 100 kg rồi đặt vật nặng 6 kg lên. Khi tay ông chạm vào nút điều chỉnh, kim đồng hồ liền nhảy lên 8 kg, hay xuống còn 4 kg theo ý của ông. Chỉ cần vặn nút điều chỉnh thì trọng lượng sẽ lên hay xuống theo ý mình. Tuy nhiên, khi cân, tay phải nhanh và khéo, nếu không dễ bị phát hiện.

Trước khi chúng tôi ra về, ông L. khẳng định cân nào “độ” ở đây đều còn chì niêm phong như mới mua.

Cơ quan chức năng… chưa biết

Ngoài 2 cơ sở chuyên làm sai lệch cân nói trên, tại TP Pleiku còn nhiều lò chuyên “độ” cân núp dưới danh nghĩa “sửa chữa cân”, như tiệm của ông H.T, ông B.L.

Tuy nhiên, lực lượng chức năng hầu như chưa biết về việc làm sai trái này.

Ông Trần Văn Tư, Trưởng Ban Quản lý Trung tâm Thương mại TP Pleiku, tỏ ra bất ngờ: “Chúng tôi chưa nghe người dân phản ánh tình trạng tiểu thương cân gian lận và cũng không nghe có việc làm sai lệch cân đồng hồ”.

Ông Lê Hồng Hà, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường, cho rằng: “Chưa nghe người dân phản ánh về tình trạng gian lận trong cân hàng hóa. Chi cục không có thẩm quyền kiểm tra cân. Khi nào có đơn khiếu nại của người dân, chúng tôi mới được quyền thu hồi cân rồi đưa đi kiểm định”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, cho biết: “Trước đây, chi cục đặt cân đối chứng tại trung tâm thương mại nhưng do không ai sử dụng nên đã mang về. Trước đây, chi cục phối hợp với nhiều cơ quan khác để kiểm tra cân của tiểu thương tại các chợ nhưng không phát hiện sai sót, có cảm giác như họ giấu cân sai, đưa cân mới để chúng tôi kiểm tra”.

Khi phóng viên đề cập chuyện học nghề, ông L. cho biết: “Cách đây hơn 10 năm, tôi bỏ ra 2 triệu đồng để học “độ” cân. Nếu muốn học nghề, học phí bây giờ là 5 triệu đồng, tôi sẽ truyền hết bí kíp “độ” các loại cân”. 

Theo Theo Người lao động
MỚI - NÓNG