Thăm ngôi nhà nhỏ nhất phố cổ Hà Nội
“Nhà tôi nếu muốn cởi áo phải qùy xuống, mặc quần phải nằm ra sàn nhà”, anh Xuân kể về ngôi nhà dài 3 mét, rộng 2 mét, cao 1,2 mét của bố con anh ở ngõ 44, Hàng Buồm, Hà Nội. Nó được người dân phố cổ xếp vào dạng “đệ nhất nhỏ” ở giữa lòng Thủ đô.
Nhà anh Xuân nhìn từ dưới lên. |
Thấy khách lạ hỏi thăm, anh Xuân đang xem tivi tò mò nhìn xuống rồi mời lên nhà. Tôi bắt đầu bám chặt vào thanh sắt cố gắng trèo lên.
Vừa ló đầu lên đến sàn nhìn chung quanh tôi choáng ngợp vì chưa từng thấy ngôi nhà nào mà nhỏ đến mức chỉ để được cái tivi cũ, trải được chiếc chiếu đơn và để mấy bộ quần áo, vài quyển sách, nồi cơm điện đã không còn chỗ ngồi.
Anh Xuân cho biết: “Nhà nhỏ vậy nhưng trước đây hồi tôi chưa lấy vợ là chỗ ngủ cho cả 5 anh em trai trong nhà chỉ dài 3 mét và rộng 2 mét này đấy. Sau này lấy vợ thì hai vợ chồng tôi cùng đứa con trai là Hoàng Xuân Thủy (16 tuổi) ở.
Đêm nằm ngủ muốn cựa quậy cũng khó, chật vật không yên giấc. Hồi thằng Thủy biết ‘mồm ăn chân chạy’, hai vợ chồng định đẻ thêm đứa nữa cho nó có anh có em nhưng nghĩ cảnh nhà 3 người đã không còn chỗ nằm, giờ mà đẻ nữa chắc cả nhà ra đường ở nên đành thôi”.
Căn nhà của anh Xuân được nhiều người dân phố cổ xếp vào danh sách “độc nhất vô nhị” ở Hà Nội. Chuyện sinh hoạt theo anh Xuân kể: “Nếu cởi áo hay mặc áo phải quỳ xuống còn thay quần, mặc quần phải nằm ngửa ra sàn. Cũng do ở nhà thấp vậy mà chiều cao của tôi cũng không quá 1,5 mét, con trai học bài muốn đứng dậy vươn vai cũng khó, không khác nào ở trong khuôn vì thế đang tuổi ăn tuổi lớn mà nó cao chưa đầy 1,4 mét”.
Theo anh Xuân, nỗi ám ảnh lớn nhất ở phố cổ là người dân trong dãy nhóm bếp than. “Hàng chục bếp than bày tràn lan từ trên cầu thang xuống dưới. Hôm nào cũng vậy khói bếp than xộc vào từng nhà một, nhà tôi khói than mà xộc lên thì thôi coi như không thở nổi. Không sớm thì muộn bệnh tật vạ vào người”, anh Xuân bức xúc nói.
Đang tiếp chuyện khách bỗng câu chuyện bị cắt ngang, trên trần nhà các mảng vôi vữa rơi lả tả. Anh Xuân nói như giải thích: “Bên trên cũng có người ở, người ta đi lại mạnh chân, vôi vữa xây bao năm rồi nên dễ bục ra lắm. Không những thế bên trên người ta tắm rửa khiến nước thấm qua tường, ẩm mốc đến khổ”.
Dẫn khách đi ghé qua nhà tắm, nhà vệ sinh phải khom lưng chui qua đường hầm cao hơn 1 mét, tối om. “Ở đây một hay hai nhà dùng chung một nhà vệ sinh và nhà tắm được xây dựng từ thời bao cấp xuống cấp nhưng cũng đành chịu. Nhưng thế còn may chứ bạn tôi ở các phố khác mấy chục người dùng chung một nhà tắm, mùa hè có khi nửa đêm mới được tắm, khổ nhất là nhà vệ sinh ít mà người đông như thế nếu lúc cấp bách chờ đợi cũng phát ốm”, anh Xuân kể về nỗi khổ cực của người dân phố cổ.
đời sống, phố cổ, chật hẹp, nhà
Khi kể về gia đình mình, anh tâm sự: “Mang tiếng là nhà cửa nhưng cực chẳng đã, sống cuộc sống chật chội. Ngày trước hai vợ chồng được mai mối đến với nhau, lấy nhau về cô ấy biết mình ở trong ngôi nhà không khác gì hộp diêm này đã tủi thân khóc ròng cả tuần. Sau tôi động viên hai vợ chồng cùng nhau làm ăn sống qua ngày. Tôi làm nghề chạy xe ôm đủ nuôi thân, còn vợ tôi cô ấy bán hàng tạp vụ bữa đực, bữa cái nên suốt bao năm chung sống hai vợ chồng không có vốn để dọn ra ngoài ở”.
Nói rồi anh Xuân lặng người, sau một hồi anh kể tiếp: “Vợ tôi cũng chịu khổ mười mấy năm trời rồi, ở xóm này rất nhiều vợ chồng bỏ nhau cũng chỉ vì nhà cửa quá chật chội. Từ khi mẹ bỏ đi xây dựng hạnh phúc riêng, thằng Thủy nó cũng buồn bã, trở nên trầm tính. Thương con tôi động viên bảo mẹ đi làm xa nhưng dần nó hiểu chuyện có muốn giấu con cũng không giấu nổi”.
Anh Xuân cũng không tả nổi niềm vui và tự hào về đứa con trai mình: “Thằng Thủy nó sáng dạ nên học khá trong lớp. Là giọng hát hay của trường đấy nên các thầy cô và bạn bè quý lắm”.
Theo Người đưa tin