Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu: Tự bơi là chính

Ðóng gói sản phẩm tại Công ty TNHH Hải Minh chuyên về đặc sản xuất khẩu trên địa bàn TPHCM Ảnh: U.P
Ðóng gói sản phẩm tại Công ty TNHH Hải Minh chuyên về đặc sản xuất khẩu trên địa bàn TPHCM Ảnh: U.P
TP - Không người hướng dẫn, kết nối, doanh nghiệp (DN) muốn đưa hàng ra nước ngoài chỉ còn cách đem sản phẩm bán thô và dù hàng hóa có nguồn gốc Việt Nam xuất hiện trên quầy kệ thế giới nhưng mất thương hiệu... Ðó là những vấn đề gây bức xúc tại Diễn đàn xuất khẩu 2020 diễn ra hôm qua, 18/11 tại TPHCM…

Những đứa con không… mang họ

Đại diện thương mại cho sản phẩm cà gai leo An Xuân, bà Vani, Phó Giám đốc Công ty CP Quốc tế Xlife cho biết, nông sản dược liệu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản có nguồn gốc 100% từ thực vật, rất được người châu Âu ưa chuộng. Tuy nhiên, DN nội địa chỉ mới xuất thô là chính và đây là một điều đáng buồn. “Chúng ta có nguyên liệu dồi dào; nhà máy, nhân lực… đều sẵn có nhưng không ai hướng dẫn nên cứ xuất thô. DN cũng không biết phải tuân theo tiêu chuẩn nào để đưa vào nước nhập khẩu, cũng không có cơ quan đại diện nào đứng ra tư vấn cho DN”, bà Vani nói. Theo bà, xuất khẩu nông sản dược liệu rất tiềm năng và là cơ hội cho DN Việt muốn chinh phục thị trường châu Âu.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty Meet More chuyên xuất khẩu cà phê hòa tan cho rằng, từ trước đến nay, nông sản trong nước chỉ xuất sang Trung Quốc dạng thô và được DN nước này chế biến sản phẩm tinh, xuất khẩu qua EU thu lợi nhuận rất lớn. Nhu cầu của người tiêu dùng EU cao và họ cần sản phẩm chất lượng, đạt các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận ISO, dư lượng thuốc trừ sâu trong sản phẩm không được vượt ngưỡng cho phép.

“Khách EU không thích sự cầu kỳ, chỉ cần thông tin nhãn mác thể hiện rõ ràng, đầy đủ; Các địa chỉ, thông số kỹ thuật, hàm lượng, chỉ tiêu, các chứng chỉ... trên bao bì sản phẩm phải rõ ràng. Với các sản phẩm nông sản Việt Nam sau chế biến thì DN hoàn toàn yên tâm không có dư lượng thuốc trừ sâu, DN cần lựa chọn sản phẩm để xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu thô”, ông Luận nói.

Giám đốc một công ty chuyên về trái cây bộc bạch, ông có nguyên liệu chất lượng, có vùng trồng, có nhà máy sơ chế nhưng bao năm qua vẫn chủ yếu gia công cho đối tác ngoại. “Trước đây, tôi có xuất hàng theo đường tiểu ngạch nhưng nhiều lần bị thu giữ. Hết vốn mới chuyển sang gia công. Cái mình thiếu là thông tin, ngôn ngữ. “Con” của mình nhưng không mang “họ” mình cũng đau xót, nhưng thực sự lực bất tòng tâm, vì nhiều rào cản”, vị này cho hay.

Khiêm tốn trong chuỗi giá trị toàn cầu

Dẫn số liệu điều tra của Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, ông Phạm Thiết Hòa, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn cho rằng, tỷ trọng nông sản chế biến sâu được xuất khẩu của Việt Nam còn rất hạn chế, mới chỉ đạt khoảng 25-30% tổng sản lượng nông sản (bằng 1/2 so với các nước ASEAN). Về mức độ tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), các chuyên gia tại diễn đàn cho rằng, Việt Nam vẫn còn hạn chế, mặc dù là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2018, Việt Nam chỉ tạo ra được 20,4 tỷ USD thông qua việc tham gia vào các GVC, xếp thứ 53 trên tổng số 174 quốc gia. Con số này chưa bằng 1/4 của quốc gia tiếp theo trong khối ASEAN là Philippines với 84,8 tỷ USD (xếp thứ 34). Đồng thời, mức độ tham gia vào các công đoạn tinh vi phức tạp của Việt Nam vẫn còn thấp.

“Muốn đẩy mạnh hàng hóa vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, DN phải: Tập trung đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại trong sản xuất và chế biến; Đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường hợp tác kết nối với đối tác trong chuỗi cung ứng; Tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; Tối ưu hóa hiệu quả của dịch vụ logistics trong xuất khẩu nông sản; Xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ thông qua cơ chế liên kết “6 nhà”…”, ông Hòa đề xuất.

Cùng ngày 18/11, tại TPHCM diễn ra Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Mỹ năm 2020. Tại đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Ðỗ Thắng Hải cho rằng, diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu do COVID-19 thời gian qua đã thúc đẩy các công ty lớn, trong đó có nhiều tập đoàn Mỹ đánh giá Việt Nam là điểm đầu tư lý tưởng, quan trọng và an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Ðây là thời điểm quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường đầu tư, quảng bá về cơ hội, tiềm năng để thu hút dòng vốn đầu tư từ Mỹ, từ đó tham gia vào chuỗi cung ứng ở trình độ cao hơn. Với thế mạnh về công nghệ, tài chính cũng như kinh nghiệm quản lý, các nhà đầu tư Mỹ luôn được chào đón tại Việt Nam, đặc biệt là hoạt động đầu tư tại các dự án hạ tầng, năng lượng, công nghiệp chế tạo; các lĩnh vực liên quan đến sản xuất phục vụ xuất khẩu, logistics...”, ông Ðỗ Thắng Hải khẳng định.

MỚI - NÓNG