Hàng loạt vụ bạo hành gia đình: Đứt gãy chuỗi giá trị

TP - Cha mẹ bạo hành con cái, con chửi mắng và hành hung mẹ già, mẹ bỏ rơi đứa con đỏ hỏn... Hàng loạt hành vi gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây chính là biểu hiện của sự xuống cấp đạo đức gia đình.

Theo TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên từ góc độ văn hóa có thể thấy hiện tượng đạo đức gia đình xuống cấp bắt nguồn từ sự đứt đoạn trong quy định và thực hành văn hóa gia đình. Trong gia đình xưa có loạt quy định được khái quát thành các yếu tố như gia phong, gia giáo, gia lễ, gia pháp. Quy định đó khiến các mối quan hệ gia đình ổn định qua hàng trăm năm, bởi gia đình là tế bào của xã hội.

Hàng loạt vụ bạo hành gia đình: Đứt gãy chuỗi giá trị ảnh 1

Môi trường giáo dục góp phần quan trọng hình thành nhân cách. (ảnh minh họa) TTXVN

Bây giờ chúng ta tiến vào xã hội mới, nhiều người coi quy định văn hóa (gia phong, gia giáo) là cổ hủ nên không còn theo nữa. Chúng ta còn coi trọng quy định văn hóa của gia đình, trong khi quy định mới chưa hình thành khiến rơi vào khủng hoảng quy định văn hóa gia đình, đạo đức xuống cấp.

Ngày xưa gia đình coi trọng chuyện làm gương. Nhưng nay gia đình hạt nhân hiện đại đề cao tự do cá nhân, tính nêu gương cũng kém đi. Xã hội hiện đại khiến cha mẹ ít thời gian cho con cái, phó mặc việc giáo dục cho nhà trường nhiều hơn. Không những vậy, con người chịu sự tác động từ xung đột giá trị từ các môi trường khác nhau. “Gia đình thường hướng con người tới điều hay lẽ phải, thế nhưng ra ngoài con trẻ lại nhìn thấy đầy rẫy tiêu cực không hề tương thích với điều được dạy dỗ trong nhà, dẫn tới xung đột và nảy sinh điều không mong muốn”, TS. Sơn phân tích.

Đồng quan điểm, TS. Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển chỉ ra lỗ hổng từ giáo dục giá trị gia đình. “Thành viên trong gia - đình ra ngoài xã hội chịu nhiều áp lực từ kiếm sống, họ mang theo sự tiêu cực ở môi trường bên ngoài về gia đình. Hơn nữa, nhiều gia đình ngày nay xem nhẹ vai trò giáo dục, nhất là chuyện nêu gương. Trước đây gia đình được coi là tổ ấm, nơi chia sẻ và duy trì chức năng tình cảm và giáo dục thì ngày nay các thành viên coi trọng tự do cá nhân nhiều hơn, xem nhẹ việc xây dựng gia đình bằng nền tảng văn hóa”, TS. Cảnh Linh nói.

Cần bộ giá trị mới

TS. Bùi Hoài Sơn cho rằng, một trong những trọng tâm của ngành văn hóa là xây dựng con người. Vì vậy cần thiết xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để hình thành và phát triển nhân cách. Sự ứng xử chịu tác động từ nhiều môi trường khác nhau, nên cần giải pháp đồng bộ hơn. “Nhiều người coi những giá trị như gia phong, gia giáo thuộc về xã hội lạc hậu nhưng thực tế đó là sự đúc kết qua cả nghìn năm văn hóa, lịch sử. Nên gạn đục khơi trong, tìm những quy định còn hợp với xã hội mới để hoàn thiện và tạo ra những giá trị mới”, ông nói.

Để tạo ra hệ giá trị mới, TS. Cảnh Linh phân tích: Cần sàng lọc loại bỏ những điều tiêu cực của hệ giá trị cũ, phát huy điều tích cực và đưa ra giá trị hiện đại đang được xã hội công nhận. Đó là: tôn trọng tự do cá nhân, tính đối thoại trong gia đình- điều này xã hội xưa không có được, cha mẹ không được trang bị kiến thức để làm bạn với con cái, để cảm thông thấu hiểu lẫn nhau. “Làm sao để tạo ra hệ giá trị mới? Tôi cho rằng để có được bộ giá trị này, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách cần lên tiếng. Bộ giá trị mới sau đó cần được lan tỏa giá trị tốt đẹp từ gia đình này tới gia đình khác, từ nhóm này tới nhóm khác”, TS. Cảnh Linh nêu.

Không chỉ có những quy chuẩn, quy tắc về đạo đức gia đình, chúng ta còn có quy định pháp luật, trong đó có hẳn Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, TS. Cảnh Linh cho rằng việc thực thi pháp luật còn lúng túng, chưa xử lý nghiêm các hành vi bạo hành nghiêm trọng nên không có tính răn đe.

Tôi cho rằng hiện điểm yếu ở chỗ ta không kịp thời ngăn chặn, phòng tránh nên khi bạo hành xảy ra mới lên án đã muộn. Nếu chính quyền, cơ quan đoàn thể, các chuyên gia can thiệp từ sớm, đã không dẫn tới hậu quả đau lòng như vừa rồi.

Sớm hoàn thiện Bộ tiêu chí ứng xử gia đình

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” năm 2017. Lãnh đạo Bộ giao Vụ Gia đình làm đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn, triển khai thí điểm để hoàn thiện bộ tiêu chí này. Đến đầu 2020, Bộ tiếp tục ban hành kế hoạch thí điểm năm thứ hai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình năm tại 12 tỉnh thành như Hà Nội, TPHCM, Lào Cai, Yên Bái, An Giang, Lâm Đồng, Thừa Thiên-Huế.

Theo văn bản này, vợ chồng cần chung thủy, nghĩa tình; cha mẹ với con cái, ông bà với cháu phải gương mẫu, yêu thương; ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà cần hiếu thảo, lễ phép; anh chị em phải hòa thuận, chia sẻ.

MỚI - NÓNG