Thăm dinh Bảo Đại ở Vũng Tàu

Dinh Bảo Đại ở Vũng Tàu, hay Bạch Dinh là một điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi tới du lịch thành phố biển Vũng Tàu.
Thăm dinh Bảo Đại ở Vũng Tàu ảnh 1

Dinh Bảo Đại ở Vũng Tàu – hay vẫn thường được gọi là Bạch Dinh là một trong những dinh thự của vua Bảo Đại ở nhiều miền trên đất nước, như Đà Lạt, Nha Trang, Buôn Mê Thuột, Đồ Sơn. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo, có giá trị lịch sử gắn liền với vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến ở Việt Nam, là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi tới thăm thành phố biển Vũng Tàu.

Thăm dinh Bảo Đại ở Vũng Tàu ảnh 2

Nơi đây nguyên là pháo đài Phước Thắng nằm trên sườn Núi Lớn do vua Minh Mạng nhà Nguyễn cho xây dựng để khống chế cửa biển Cần Giờ. Sau khi người Pháp chiếm được Nam Kỳ, pháo đài đã bị san phẳng để xây dựng dinh thự này. Công trình được Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cho xây dựng năm 1898 và hoàn thành năm 1903 để làm nơi nghỉ dưỡng. Năm 1934, Bạch Dinh được nhượng lại để làm nơi nghỉ mát cho Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương. Sau đó Dinh là nơi nghỉ của nguyên thủ và các quan chức cao cấp của Việt Nam Cộng hoà.

Thăm dinh Bảo Đại ở Vũng Tàu ảnh 3

Công trình có màu sơn trắng nên thường được gọi là Bạch Dinh. Bạch Dinh có hướng nhìn ra biển Vũng Tàu, cao 27m so với mực nước biển, nằm trong một khuôn viên rộng 6 hécta trên núi, mà trồng nhiều nhất là cây bông sứ (hoa đại).

Thăm dinh Bảo Đại ở Vũng Tàu ảnh 4

Bạch Dinh có lối kiến trúc châu Âu cuối thế kỷ 19, đặc trưng với những vòm cửa xây rất đẹp. Hệ thống cửa hai lớp trong kính ngoài chớp phù hợp với khí hậu bản địa của Việt Nam.

Thăm dinh Bảo Đại ở Vũng Tàu ảnh 5

Có hai lối lên công trình, một lối đi bộ từ chân núi thẳng lên phía trước, một lối vòng theo sườn núi cho xe lên ở phía sau. Công trình có 3 tầng cao 19m, rộng 15m, dài 28m gồm: 1 tầng hầm và hai tầng nổi. Tầng hầm là nhà bếp, kho và các phòng phụ trợ; tầng 1 là phòng khách, phòng ăn, phòng làm việc; tầng 2 là các phòng ngủ và phòng sinh hoạt chung gia đình.

Thăm dinh Bảo Đại ở Vũng Tàu ảnh 6

Sảnh phía sau cho xe ô tô lên công trình.

Thăm dinh Bảo Đại ở Vũng Tàu ảnh 7

Trên mặt đứng công trình có những bức tượng trang trí rất tinh xảo, mang nét nghệ thuật châu Âu.

Thăm dinh Bảo Đại ở Vũng Tàu ảnh 8

Đường viền trang trí dưới mái được khảm bằng gạch mosaic gốm tráng men.

Thăm dinh Bảo Đại ở Vũng Tàu ảnh 9

Phòng khánh tiết ở sảnh chính tầng 1 hiện vẫn được bố trí như ban đầu.

Thăm dinh Bảo Đại ở Vũng Tàu ảnh 10

Nhưng các phòng chức năng khác ở tầng 1 hiện được trưng bày như một bảo tàng. Nội dung trưng bày là các cổ vật từ một con tàu đắm ở Hòn Cau – Côn Đảo.

Thăm dinh Bảo Đại ở Vũng Tàu ảnh 11

Sàn nhà được lát bằng gạch men với nhiều hoa văn rất đa dạng ở các khu vực khác nhau.

Thăm dinh Bảo Đại ở Vũng Tàu ảnh 12

Cầu thang lên lầu. Chi tiết hoa sắt được cách điệu từ hình ảnh những con sóng biển.

Thăm dinh Bảo Đại ở Vũng Tàu ảnh 13

Hành lang trên lầu, rất rộng và thoáng mát với những ô cửa sổ lớn.

Thăm dinh Bảo Đại ở Vũng Tàu ảnh 14

Nội thất một phòng ngủ. Tất cả các phòng đều có phần hiên nhìn ra phía biển.

Thăm dinh Bảo Đại ở Vũng Tàu ảnh 15

Phòng sinh hoạt chung trên lầu.

Thăm dinh Bảo Đại ở Vũng Tàu ảnh 16

Chiếc bàn trang điểm Hoàng hậu Nam Phương đã từng sử dụng.

Thăm dinh Bảo Đại ở Vũng Tàu ảnh 17

Ô cửa nhìn ra biển.

Thăm dinh Bảo Đại ở Vũng Tàu ảnh 18

Một góc nhìn từ Bạch Dinh sang phía Núi Nhỏ.

Thăm dinh Bảo Đại ở Vũng Tàu ảnh 19

Những khẩu thần công được trưng bày ở sân trước, gợi lại quá khứ của một pháo đài.

Thăm dinh Bảo Đại ở Vũng Tàu ảnh 20

Từ năm 1906-1917, vị vua yêu nước Thành Thái đã bị thực dân Pháp giam lỏng ở đây. Trong thời gian này ông đã viết bài thơ “Sầu tây bể Cấp” thể hiện tâm sự của một nhà vua mất nước. Bài thơ đã được khắc lên bia đá đặt trong nhà bia ở khuôn viên Bạch Dinh. 

Theo Theo VOV
MỚI - NÓNG