Thách cưới - Bao giờ cởi bỏ

Vợ chồng H H. Niê trong ngày cưới
Vợ chồng H H. Niê trong ngày cưới
TP - Ngày nay, nhiều nơi đồng bào các dân tộc thiểu số đã được nâng cao dân trí và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhưng cạnh đó cũng vẫn còn những buôn làng chưa thoát khỏi cảnh sống khó nghèo dưới gánh nặng của các hủ tục lạc hậu tồn tại và ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ. Thách cưới là một trong những hủ tục khiến bao đôi lứa chia lìa, long đong bất hạnh.

Khổ vì tiền thách cưới

Sau cơn mưa rào đầu mùa, hơi đất xộc thẳng lên mặt, chúng tôi men theo con đường nhựa nhỏ đến nhà ông Y Phi Mjâu (60 tuổi), buôn A1, nằm ngay thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp, một huyện vùng biên giới giáp nước bạn Campuchia của tỉnh Đắk Lắk. Trong căn nhà sàn truyền thống, chúng tôi ngồi nghe ông kể về những thủ tục thách cưới của đồng bào: “Ở đây chủ yếu là người dân tộc Gia Rai. Dù trong cưới hỏi đã có nhiều thay đổi, nhưng cơ bản vẫn giữ tục thách cưới. Ngày xưa, nhà trai thường đòi lễ vật là trâu, bò, heo, đồng la, cồng chiêng, ghè, khố, váy, vòng cườm, nhẫn bạc... và một đám cưới linh đình kéo dài nhiều ngày. Còn mấy năm trở lại đây thì một số khoản lễ vật thách cưới khó tìm được quy ra thành tiền mặt. 

Nhấp ngụm nước trà đặc, ông tiếp: Gia đình mình có 8 người con, 4 trai, 4 gái. Cuộc sống của gia đình khá khó khăn vì rẫy ít con đông. Bây giờ không có tình trạng “ép hôn” như ngày xưa, mà là sự tự nguyện của hai bên, khi đã đồng thuận gia đình nhà gái phải sang nhà trai đặt vấn đề. Tất cả việc đám hỏi, đám cưới do nhà gái lo liệu. Sau khi cưới, chàng rể về sống bên nhà vợ. Ngày nay, đồng bào Gia Rai phía nhà trai thường thách cưới 1 con trâu sừng dài 1 gang tay, 3 con heo nặng 1,1 tạ, 1 ché rượu, 1 con gà, 2 bộ quần áo mới cho bố và mẹ chồng, tính số người họ hàng mà tặng mỗi người một vòng tay bằng đồng. Rồi tùy vào điều kiện nhà gái mà nhà trai thách số tiền cưới cao thấp khác nhau, thường thì nhà gái phải mang sang nhà trai từ 30 đến 50 triệu đồng, gặp nhà khá giả còn phải thách gấp nhiều lần hơn. Nếu không có trâu, bò thì nhà gái phải hứa với nhà trai lần khác mang sang. Trong hoàn cảnh quá ngặt nghèo gia đình phía vợ được nợ các lễ vật trong đám cưới sau đó mang sang trả dần.

“Ban đầu gia đình tôi đi hỏi chồng cho hai đứa con gái, phải chật vật vay mượn bà con họ hàng, xóm giềng mới đủ mua lễ vật và tiền mặt. May là khi hai đứa con trai cưới vợ, nhà tôi lại được quyền thách cưới, bù qua bù lại thành ra nợ nần trả được hết! “- ông Y Phi Mjâu thở phào nhẹ nhõm.

Thách cưới - Bao giờ cởi bỏ ảnh 1

Vợ chồng Y Bơr Kbuôr, thôn A1, huyện Ea Súp

Vừa cưới chồng được gần một tháng, H H. Niê (sinh năm 1992, dân tộc Gia Rai, thị trấn Ea Súp) bày tỏ: “Vì bên nhà chồng là Y Thai Siu cũng hiểu hoàn cảnh gia đình nhà vợ ngoài những lễ vật nhất định phải có, tiền thách cưới bên nhà chồng chỉ đòi 30 triệu thôi nên gia đình tôi cũng chuẩn bị được. Ở đây có một số gia đình thấy bên nhà gái khá giả một tý là thách tiền cưới cả trăm triệu chứ chẳng ít, có nhiều đôi yêu nhau nhưng vì thách cao quá, hai bên gia đình không thỏa thuận được, nên cặp uyên ương đường ai nấy đi, rõ là tội nghiệp. Bây giờ, học theo người Kinh nên hầu hết ai cũng mặc váy cô dâu, áo vét trong lễ cưới”.

Ông Y Bơr Kbuôr - Buôn trưởng buôn A1, thị trấn Ea Súp cho biết: Toàn buôn A1 có 152 hộ là người Gia Rai. Con gái đi cưới chồng thì phải chịu những lễ vật do nhà trai đưa ra. Bởi theo quan niệm của nhà trai, thách cưới là một việc làm cần thiết, khi gia đình mất đi một lao động chính. Nhiều khi tiền thách cưới quá cao khiến nhiều gia đình lâm vào túng quẫn, đôi vợ chồng trẻ phải còng lưng ra làm để trả nợ. Nhưng đây là tập quán từ xưa, họ khó có thể bỏ.

Ngược với người Gia Rai, quyền thách cưới của người Mường lại thuộc về nhà gái. Anh Nguyễn Văn Thuyên (người Mường Thịnh Lang) và chị Nguyễn Thị Thu Trân (người Mường Chăm Vát) cùng ở xã Hòa Thắng (thành phố Buôn Ma Thuột) sau một thời gian tự do tìm hiểu quyết định đi tới hôn nhân. Lễ cưới được tổ chức theo nghi thức truyền thống của cộng đồng người Mường sinh sống tại xã Hòa Thắng. Tuy có sự thay đổi so với trước nhưng vẫn có đủ các lễ: dạm ngõ, ăn hỏi, lễ cưới, rước dâu, lại mặt…

Tại lễ dạm ngõ, nhà gái đưa ra điều kiện thách cưới gồm: 6 triệu đồng tiền mặt, con heo nặng 60 kg, 60 kg gạo nếp, 1 nén bạc 6 lạng (đeo cho cô dâu). Nhà trai phải đưa đủ lễ vật, nếu không đủ sẽ không gả con gái. Ông Nguyễn Văn Phú (bố cô dâu) cho biết: “Người Mường rất coi trọng việc thách cưới. Qua lễ vật thách cưới thể hiện sự tôn trọng của nhà trai đối với công lao sinh thành và nuôi dưỡng con gái của họ lớn khôn đến ngày dựng vợ gả chồng”.

Gồng mình trả nợ… cưới

Do cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao vẫn còn nhiều khó khăn, hủ tục thách cưới đã gây ra không ít phiền phức và sự tốn kém. Nhiều hộ nghèo chỉ vì hủ tục này mà phải vay các khoản tiền nóng sắm lễ vật thách cưới, rồi sau đám cưới linh đình ấy lại ôm đống nợ, bán cả ruộng rẫy vẫn không thoát khỏi bi kịch tan gia bại sản vì vay nợ nặng lãi. 

Thách cưới - Bao giờ cởi bỏ ảnh 2

Bà H Điêng luôn lo lắng trước khoản nợ chưa trả được

Trước căn nhà tuềnh toàng với những tấm ván được lắp ghép chồng chéo lên nhau, bà H’ Điêng A Đrơng (sinh năm 1972, huyện Ea Súp) thở dài: “Dân tộc Gia Rai mình có tục thách cưới, nhà trai thách cưới bao nhiêu nhà gái đều phải đáp ứng đủ. Tôi cưới đến giờ đã có 4 mặt con. Chồng mất cách đây hơn 3 năm, bỏ lại tôi và các con với khoản nợ nhà trai gần 30 triệu đồng từ việc thách cưới. Mẹ con tôi giờ chỉ trông chờ mấy sào lúa, ai thuê gì làm nấy để có bữa ăn hằng ngày, không biết đến bao giờ mới thoát kiếp nợ nần.

Xã Cư Pui của huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, người dân tộc chiếm gần 90% dân số của xã với những hủ tục thách cưới rất nặng nề.

Chị H’Na Niê (SN 1991, xã Cư Pui, người dân tộc M’nông), gặp và yêu anh Y Diêm Bjă (SN 1987, xã Cư Pui). Xung quanh nhiều bạn bè tảo hôn, dù mới 24 tuổi cũng đã sợ mình thành gái già, cần phải lấy chồng để ổn định cuộc sống. Chị H’Na quyết bắt chồng. Gia đình nhà trai sau nhiều lần bàn bạc đã thách cưới chăn màn, gà vịt, 2 con lợn, 2 con bò và 25 triệu đồng tiền mặt. Đám cưới vừa xong, vợ chồng chị phải đối mặt với khoản nợ hơn 40 triệu đồng. “Hai vợ chồng làm nông, trồng màu quanh năm thu nhập không được bao nhiêu, phải lo từng bữa ăn hằng ngày, vậy mà mỗi tháng phải trả hơn 1 triệu đồng tiền lãi, không biết đến khi nào mới trả được nợ gốc mình vay”- chị H’Na than thở .

Vợ chồng anh Nông Văn Duẫn, dân tộc Mông (sinh năm 1976, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) cho biết: “Dân tộc Mông chúng tôi có tục “bắt vợ” hai bên ưng ý nhau, lên kế hoạch, chọn một ngày đẹp vào ban đêm chàng trai đến nhà cô gái bắt về nhà mình ở khoảng 3 ngày, sau đó mang 1 cặp gà đến gia đình nhà gái đặt vấn đề. Về lễ vật, trong ngày cưới nhà gái yêu cầu phải có 2 con heo nặng 100 kg, 1 can rượu trên 10 lít, cộng thêm 6 triệu hoặc 10 triệu đồng tiền mặt tùy theo kinh tế của gia đình nhà trai để mang đến cho nhà gái”. Kể xong về tục thách cưới , anh Duẫn buồn hiu: “Vào Tây Nguyên lập nghiệp với hai bàn tay trắng, vợ chồng mình quanh năm khổ cực làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi 3 đứa con, lại thêm tiền thách lúc cưới vợ chưa trả hết, không biết bao giờ mới thoát cảnh gánh nợ đè nặng trên vai”.

Chị Hoàng Thi Châm - cán bộ dân số xã Cư Kbang cho biết: “Ở đây đa phần là đồng bào dân tộc Mông di cư từ phía Bắc vào, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, hủ tục thách cưới vẫn duy trì và ăn sâu vào tiềm thức của bà con nên để xóa bỏ các tập tục này là điều không hề dễ dàng”. Ông Y Kô Niê, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh Đắk Lắk xác nhận: “Tục thách cưới của mỗi dân tộc là khác nhau, nó nằm trong luật tục của các đồng bào nên rất khó xóa bỏ! ”.

MỚI - NÓNG