Thạc sĩ trẻ và tình yêu voọc chà vá chân xám

0:00 / 0:00
0:00
TP - Suốt 15 năm qua, thạc sĩ Nguyễn Ái Tâm (điều phối viên Hội Động vật học Frankfurt tại Việt Nam) đã xem cánh rừng Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh như nhà ở của mình để ghi chép về loài voọc chà vá chân xám. Tư liệu quý giá ấy sẽ giúp hiện thực khát vọng về giải pháp bảo vệ quần thể voọc chà vá chân xám.

Co ro chịu lạnh bám đuôi đàn voọc

Chừng 15 năm trước, chàng sinh viên Nguyễn Ái Tâm bước ra từ cánh cửa Đại học Sư phạm Đà Nẵng ngành Sinh- Môi trường. Lúc ấy Dự án nghiên cứu bảo tồn voọc chà vá chân xám tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai) đang cần người nên chàng trai trẻ quyết tâm tham gia. Dù vất vả nhưng anh Tâm xem đây là “duyên nghiệp”, bởi để có tư liệu về voọc chà vá chân xám phải vượt núi, lội sông, ngủ rừng cả tháng trời.

“Không đam mê sẽ không làm nổi. Hồi đầu, chưa có kinh nghiệm, tôi cùng mọi người phải lần tìm dấu vết, bám theo chúng từ sáng tới tối, ngày này qua ngày khác mới thấy loài linh trưởng này. Ngủ võng, nằm lán giữa rừng cả tháng là chuyện bình thường”, anh Tâm chia sẻ.

Anh Tâm nhớ, thời gian đầu chỉ bám theo voọc chà vá chân xám tầm vài cây số rồi về vì sợ chúng hoảng sợ bỏ đi xa. Lúc ấy anh Tâm gắng quan sát, ghi chép tỷ mỉ từ địa hình đến con suối, thức ăn của voọc chà vá chân xám. Khi về, anh la cà vào những ngôi làng người địa phương để dò hỏi những kinh nghiệm bám theo loài voọc này.

Hai năm ròng rã, anh Tâm mới biết được tập tính của loài động vật đặc hữu ấy. Giờ đây, thạc sĩ trẻ đã nắm rõ từng nơi đến, chu kỳ hoạt động trong ngày, khi nào voọc chà vá chân xám đi kiếm ăn, lúc nào nghỉ ngơi, mùa nào thì tập trung đàn lớn.

Thạc sĩ trẻ và tình yêu voọc chà vá chân xám  ảnh 1

Những bữa cơm giữa rừng đã quá quen với anh Tâm.

Anh Tâm nhớ như in, có lần bản thân cùng một đồng nghiệp đi từ sáng sớm, mãi đến trưa thì phát hiện một đàn voọc chà vá chân xám đang nghỉ dưới một khe núi. Cả hai tập trung quan sát, ghi chép, quên cả ăn uống.

Đến chiều, đàn voọc nhảy lên dãy núi cao, hai người vội cắt rừng bám theo. Tới nơi đàn voọc ngủ, hai “trinh sát” mới im lặng, nằm co ro chịu lạnh, không dám đốt lửa vì sợ khói đánh động.

Ăn mì tôm rồi uống nước cầm hơi, sáng hôm sau họ tiếp tục len lỏi qua rừng rậm bám đuôi đàn voọc. Đến chiều nhận ra bản thân cần thức ăn thì chân tay đã run lẩy bẩy, bắc vội nồi cơm. Đói nhưng vui bởi sau chuyến đi ấy anh Tâm đã có vô số thông tin về loài linh trưởng này.

Chung tay bảo tồn những động vật quý hiếm

Trăn trở lớn nhất của anh Tâm bây giờ là ảnh hưởng của cộng đồng địa phương đến quần thể voọc chà vá chân xám và môi trường tương quan. Điều này thôi thúc thạc sĩ trẻ tìm giải pháp giúp cho quần thể voọc chà vá chân xám vừa phát triển, vừa giúp cộng đồng địa phương thấy được giá trị của việc bảo tồn loài đặc hữu này.

Thạc sĩ trẻ và tình yêu voọc chà vá chân xám  ảnh 2

Thạc sĩ Nguyễn Ái Tâm.

Nhiều năm lội bộ trong rừng không chỉ có kiến thức về các loài động thực vật của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh mà còn giúp thạc sĩ trẻ có vóc dáng khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Giờ đây, với vai trò điều phối viên Hội Động vật học Frankfurt tại Việt Nam, thạc sĩ Tâm đã có những đóng góp trong bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.

Những năm qua, thông qua việc hỗ trợ đặt “bẫy ảnh”, anh Tâm còn giúp Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh ghi nhận được 32 loài động vật hoang dã đang sinh trưởng tại đây; nhiều loài nằm trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới; một loài động vật vô cùng quý hiếm được xem như đã tuyệt chủng tại Việt Nam.

Không chỉ làm bạn với voọc, những năm qua, thông qua việc hỗ trợ đặt “bẫy ảnh”, anh Tâm còn giúp Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh ghi nhận được 32 loài động vật hoang dã đang sinh trưởng tại đây; nhiều loài nằm trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới; một loài động vật vô cùng quý hiếm được xem như đã tuyệt chủng tại Việt Nam.

“Tôi tin từ kết quả này, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh sẽ xây dựng chiến lược bảo tồn trong thời gian tới đối với các loài động vật hoang dã. Các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, quỹ bảo tồn liên quan sẽ cùng chung tay phối hợp bảo tồn hữu hiệu động vật quý hiếm ấy”, anh Tâm quả quyết.

Theo ông Ngô Văn Thắng- Phó Giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, ngoài nhiệm vụ nghiên cứu về voọc chà vá chân xám, thạc sĩ Tâm còn tham gia gỡ hàng ngàn bẫy thú, đi cùng công an các xã vùng đệm thu hồi súng săn. Qua phương pháp tuyến, anh Tâm đã điều tra, ghi nhận chính xác số lượng voọc chà vá chân xám vườn với hơn 1,5 nghìn cá thể (trước kia ước tính khoảng 300- 500 cá thể).

MỚI - NÓNG
Dự án giao thông TPHCM chậm tiến độ vì 'vướng' trụ điện: Đại diện ngành điện nói gì?
Dự án giao thông TPHCM chậm tiến độ vì 'vướng' trụ điện: Đại diện ngành điện nói gì?
TPO - Trước việc một số dự án cầu, đường tại TPHCM chậm tiến độ vì vướng trụ điện, đại diện Tổng công ty Điện lực TPHCM nhận một phần trách nhiệm và cam kết đơn vị sẽ phối hợp cùng địa phương và ngành giao thông trong thời gian tới để tình trạng này không còn diễn ra.