Tết này ở La Pán Tẩn

Tết này ở La Pán Tẩn
TP - Gần nửa năm trôi qua, vụ sạt lở kinh hoàng ở La Pán Tẩn (Mù Cang Chải, Yên Bái) cướp đi sinh mạng của 18 người vẫn còn là nỗi ám ảnh. Năm nay, họ không ăn Tết sớm như thường lệ mà sẽ đón Tết cùng lúc với đồng bào cả nước.

> Không còn phải vượt núi hiểm trở đến trường
> Báo Tiền Phong trao 50 triệu đồng hỗ trợ nạn nhân ở Yên Bái

Mịt mù La Pán Tẩn

10h20 ngày 7-9-2012, mưa lớn kéo dài nhiều ngày đã gây ra vụ sạt lở đất tại khu vực bản Trống Páo Sang (xã La Pán Tẩn) giáp ranh bản Kháo Nhà (xã Cao Phạ). Khoảng 1.000m3 đất đá đổ ập từ trên cao xuống đã vùi lấp 20 người, trong đó 16 người chết, 2 người mất tích và 2 người bị thương, vùi lấp 1.700m2 lúa của xã Cao Phạ. Trong 20 người này, có 1 người là nhân viên bảo vệ của Cty TNHH Thịnh Đạt, 19 người còn lại đi mót quặng.

Sau nhiều ngày tìm kiếm, lực lượng chức năng buộc phải dừng lại ở con số 18 người (16 người chết, hai người bị thương được đưa đi cấp cứu), còn hai người mất tích vĩnh viễn là Lý A Lềnh (SN 1979) và Lý A Sinh (SN 1987), cùng trú tại bản Trống Páo Sang. Nói là 18 người nhưng trên thực tế thi thể của họ được tìm thấy hầu hết không còn nguyên vẹn.

Trên những ngọn đồi, đào rừng đã thắm nụ. Mùa này, La Pán Tẩn đã hết mưa, song sương mù vẫn dày đặc ở lưng chừng núi.

Một đoạn đường từ phía UBND xã La Pán Tẩn đi lên khu vực sạt lở được láng xi măng. Song, 10km đường từ đây đi vào khu vực khai thác quặng của Cty TNHH Thịnh Đạt – nơi xảy ra vụ sạt lở vẫn mù mịt bụi vào mùa khô, lầy lội vào mùa mưa.

Chỉ có những công nhân của công ty Thịnh Đạt và một số hộ đồng bào Mông có nhà gần tuyến đường này mới thường xuyên qua lại. Còn du khách thập phương, trăm người may ra mới có một người hứng thú lên đây.

Chị Lý Thị Tàng – vợ nạn nhân Hảng A Sú đang hướng dẫn con may áo
Em Hảng Thị Là (trái, con của nạn nhân Hảng A Chua và Thào Thị Của) cùng chị dâu ngày ngày vẫn cặm cụi may áo. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Đang mùa khô, đường lên khu sạt lở được san ủi rộng hơn, song đất đá và bụi khiến những anh xe ôm lắc đầu ngán ngẩm khi nghe chúng tôi tỏ ý muốn thuê chở vào tận khu sạt lở.

“Từ đây vào đó gần 10km. Hai người phải đi hai xe. Mỗi xe giá 400.000 đồng chúng tôi mới chở!” – anh xe ôm tên Lại Đăng Hiệp (35 tuổi) quả quyết.

Tự thuê xe sợ bị lạc, chúng tôi đành chấp nhận để tài xế chở.

Anh Hiệp cho biết, lâu lắm rồi mới có người thuê anh chở lên đấy. Nhớ hồi sạt lở, anh cũng từng chở một số phóng viên vào hiện trường. Song lúc đó, chiếc xe Win 110 phân khối này phải gắn thêm dây xích vào bánh mới vượt được bùn lầy.

Trên đường đi, thi thoảng chúng tôi bắt gặp một số em nhỏ lủi thủi đi học về. Lâu lâu mới xuất hiện một bóng người đang chặt củi, hái rau rừng. Trời nắng nhưng trên những ngọn núi xa vẫn phủ đầy mây mù trắng xóa. Vượt qua mấy dốc núi cheo leo chiếc xe chầm chậm “bò” xuống dốc. Anh xe ôm vừa lái vừa chỉ tay về phía hẻm núi bảo với tôi đã đến khu sạt lở. Vẫn còn đó dốc núi bị lở.

Hiện trường vụ sạt lở sau gần nửa năm trở lại
Hiện trường vụ sạt lở sau gần nửa năm trở lại.

Hồi sạt lở, hơn 100 người gồm bộ đội, công an, dân quân cùng dân địa phương phải dùng hết sức lực đào bới thủ công để tìm kiếm nạn nhân. Máy húc, máy cẩu và máy xúc không thể tiếp cận hiện trường.

Tại vùng đất trống bị sạt lở, phía bên dưới, hai chiếc máy xúc, máy húc đang hoạt động. Cạnh đó là những chiếc lều tạm bợ, lán trại của công nhân Cty TNHH Thịnh Đạt. Tiếng điếu cày rít lên lẫn với tiếng nhạc xập xình phát ra từ các lán trại. Dốc xuống phía dưới thung lũng mây mù dày đặc phủ trắng xóa.

Buổi tối ở nhà họ Hảng

Chúng tôi tìm đến bản Trống Páo Sang, nơi có 8 nạn nhân trong thảm họa. Gần chục người trong dòng họ nhà anh Hảng A Chua (anh Chua đã mất) đang quây quần bên mâm cơm. 5 người họ Hảng đã ra đi.

Trong đó, gia đình anh Chua gồm anh và vợ là chị Thào Thị Của và con trai là Hảng A Giàng ra đi vĩnh viễn. Gia đình anh chỉ còn lại hai người con gái là Hảng Thị Là, Hảng Thị Sông và con dâu Ly Thị Cổ. Vợ chồng Giàng - Cổ đã có hai con nhỏ.

Rít điều thuốc lào, cha đẻ của anh Chua hướng cặp mắt già nua nhìn về phía trời xanh không nói câu gì. Hảng A Sú (38 tuổi, em trai nạn nhân Hảng A Chua) mất đi, để lại vợ là Lý Thị Tàng (30 tuổi) và hai người con. Con trai là Hảng A Khua nay đã 16 tuổi, học hết lớp 9 rồi nghỉ. Còn con gái là Hảng Thị Pằng đã 14 tuổi, học hết lớp 7.

“Không có chồng khổ lắm! Không ai trồng lúa, trồng sắn cho!” – chị Lý Thị Tàng chia sẻ. Chồng mất, thi thoảng mẹ con nhà chị Tàng lại sang ăn cơm cùng gia đình ông nội. Bữa cơm hôm nay đầy đủ hơn khi thịt được con gà, mua thêm vài miếng đậu và rau thơm. Ăn xong, hai người con của chị Tàng lại tranh thủ về bên nhà chẻ củi, may áo.

Bình thường, Khua vẫn đi mót quặng cùng cha. Hôm đó, trong bản có đám cưới nên anh đi ăn cỗ và thoát chết. Bây giờ Khua thành trụ cột chính trong nhà. Em gái Hảng Thị Pằng cũng tỏ ra rất khéo tay, ngồi dệt thổ cẩm giúp mẹ.

Phía dưới nhà Khua là ngôi nhà gỗ của vợ chồng nạn nhân Hảng Tống Chua, cửa đóng im ỉm. Hai người con gái ngồi đối diện nhau, chân nhịp nhàng đạp máy khâu, đôi tay đều đặn thoăn thoắt đưa vải chạy theo đường chỉ. Em Hảng Thị Là con gái ông Chua chỉ cười chào khách rồi tiếp tục làm việc.

Người chị dâu Ly Thị Cổ cho biết, hằng ngày ba chị em chỉ biết ngồi dệt vải, may áo. Cuộc sống vô cùng khó khăn, chị em thân đàn bà con gái phải nương tựa vào nhau để sống.

Trầm lắng nhất có lẽ là gia đình của hai nạn nhân Lý A Lềnh và Lý A Sinh. Cả hai cùng bị vùi lấp và không tìm được xác sau vụ sạt lở. Thời điểm anh Sinh mất, vợ anh đang mang thai tháng thứ 8. Một tháng sau, đứa con thơ mới chào đời đã thành mồ côi cha.

Chị Giàng Thị Dê – vợ anh Sinh - đã bỏ căn nhà cũ, chuyển đến ở cùng chị dâu là Thào Thị Sầu – vợ nạn nhân Lý A Lềnh.

Vợ chồng chị Sầu có 5 người con thì ba cháu từ 4-8 tuổi cùng con trai đầu của vợ chồng chị Dê (4 tuổi) được chính quyền xã La Pán Tẩn làm hồ sơ gửi đến Làng trẻ S.O.S Phú Thọ nuôi dạy. Hiện, chỉ còn hai người đàn bà góa cùng cô con gái lớn nhất 12 tuổi và nhỏ nhất mới 4 tháng tuổi của chị Sầu ở nhà.

Từ ngày bốn đứa con của hai chị được gửi đến Làng S.O.S Phú Thọ, mấy mẹ con vẫn chưa được gặp lại nhau bởi ngăn sông, cách núi. Khi tôi hỏi liệu Tết này các cháu có được về với mẹ không, các chị lặng lẽ lắc đầu: “Xa lắm, không đi được! Không có tiền đi!”. Đoạn, họ lại hì hục may áo. Những tấm áo mới nay chỉ may cho đàn bà con gái mặc!

Cùng ăn Tết với cả nước

Ông Giàng Chứ Ly - Chủ tịch xã La Pán Tẩn chia sẻ, cái đói, cái nghèo là nguyên nhân của tai họa hồi tháng 9 năm ngoái đó.

Vì nghèo mà họ bất chấp nguy hiểm. Sau vụ sạt lở, được sự quan tâm của nhà nước, các tổ chức, đến nay người dân bị nạn đã cơ bản ổn định cuộc sống. Xã cũng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các gia đình.

Sau vụ tai nạn, đã có hơn 130 đoàn đến trợ giúp bà con ở La Pán Tẩn với số tiền gần 1,6 tỷ đồng.

Huyện đã dùng số tiền đó phân bổ hợp lý để sửa chữa nhà cửa, giải quyết việc làm cho các gia đình bị nạn. Huyện cũng đã lập 65 sổ tiết kiệm trị giá gần 500 triệu đồng để tính chuyện tương lai cho bà con.

Tháng 11-2012, sáu cháu nhỏ là con em của các nạn nhân bị sạt lở đã được vận động, đưa đi làng trẻ S.O.S Phú Thọ. Trong đó, nhà nạn nhân Lý A Lềnh có hai cháu, nhà Lý A Sinh hai cháu, Hảng A Dênh hai cháu.

Bình thường, đồng bào Mông có phong tục ăn Tết một tháng trước Tết Nguyên đán. Bởi khoảng cách giữa các thôn bản rất xa nhau. Họ muốn có nhiều thời gian để các đôi trai gái du xuân, giao lưu, tìm hiểu nhau.

Năm nay, tỉnh Yên Bái đã có chủ trương vận động đồng bào Mông không tổ chức Tết sớm như thường lệ, sẽ ăn chung Tết cổ truyền với đồng bào cả nước. Sau khi được thăm hỏi, vận động, đồng bào Mông đã đồng tình ủng hộ. Nhà nhà ngô lúa đã thu về đầy bồ. Thực phẩm dự trữ, cùng trâu bò cũng đã được đưa hết từ rừng về chuồng.

Các em nhỏ La Pán Tẩn đã rủ nhau lên nương tìm những cánh đào rừng đẹp nhất về trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị đón Tết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG