Tết dở khóc dở cười của những nàng dâu đoảng

Tết dở khóc dở cười của những nàng dâu đoảng
Vụng khoản chợ búa, nấu nướng nên mỗi lần chuẩn bị về nhà chồng ăn Tết là chị Thảo lại lo ngay ngáy, chỉ sợ làm phật ý nhà chồng.

Tết… toàn đồ ăn sẵn

Được bố mẹ chiều chuộng từ nhỏ, đến khi lấy chồng lại thuê người giúp việc nên chị Thảo (Tây Hồ, Hà Nội) ít khi phải động tay đến chuyện bếp núc. Vì thế mà chị rất vụng, cũng rất sợ vào bếp, mỗi lần chị vào bếp không sứt tay cũng làm bể bát.

Ngày thường, hai vợ chồng ở riêng, chị có thể giao “công việc khó nhằn” này cho người giúp việc. Nhưng về quê chồng ăn Tết, chị không thể dẫn theo người giúp việc, càng không thể ngồi chơi xơi nước để mẹ chồng lọ mọ một mình trong bếp.

“Chồng mình là con thứ, nhưng mình là dâu đầu vì anh chồng chưa lập gia đình. Nhà toàn đàn ông nên mọi chuyện sắm sửa, nấu nướng cho Tết đều vào tay mẹ chồng và mình hết. Cũng may mẹ chồng mình còn khỏe mạnh, bà thuộc tuýp người của gia đình nên khoản nội trợ bà rất thạo, mình chỉ phụ các thứ râu ria thôi. Chứ không thì…”, chị méo mặt kể.

Nhớ Tết đầu tiên về quê chồng, biết mình vụng nên chị đã “cứu nguy” bằng cách tỉ tê với mẹ chồng là “năm đầu về làm dâu, chưa biết tục ăn uống, nấu nướng của gia đình mình thế nào nên xin phép mẹ cho con phụ mẹ để học hỏi dần”. Mẹ chồng cũng từ tốn chỉ cho chị, Tết phải chuẩn bị những món gì, bày biện ra sao, sau mỗi bài học bà lại kết luận “năm sau con cứ thế mà làm”.

Tết này đã là “năm sau”, dù cố gắng dành các ngày nghỉ để học nấu ăn từ bà giúp việc nhưng chị vẫn chẳng tiến bộ là bao. Sợ phải thú nhận với mẹ chồng là mình vụng khoản nấu nướng nên chị đành tìm cách “đối phó”.

Chị lên danh các món cần dùng dịp Tết rồi đặt làm sẵn, đến Tết chỉ việc mang về cất tủ lạnh ăn dần. “Chân giò muối, giò xào, giò lụa, chả me, bây giờ cái gì cũng có bán, gọi điện đặt hàng là người ta mang đến tận nhà. Nem người ta cũng gói sẵn, mình mang về bỏ tủ, đến lúc ăn chỉ việc rán lên là xong”, chị chia sẻ.

Các món không thể đặt làm sẵn thì chị thay thế bằng cách mua bổ sung các món khác. Phương châm của chị là cứ mua thật nhiều đồ, đủ ăn Tết rồi thì mẹ chồng sẽ không bảo làm thêm các món khác nữa. “Nếu bảo mình mua sẵn hết thì chắc chắn mẹ chồng sẽ không hài lòng rồi. Món này thì mình bảo tự làm, món kia bảo được biếu, đành phải thế thôi”, chị méo mặt chia sẻ.

Đến quà biếu cũng đưa nhầm

“Vợ mình rất nhiệt tình và biết quan tâm đến mọi người trong gia đình nhưng… vụng quá”, anh Thắng (quê Thái Thụy, Thái Bình) mở đầu câu chuyện bằng lời thở dài. Ba năm về quê ăn Tết, năm nào vợ anh cũng để lại “kỳ tích” cho họ hàng, gia đình nhà chồng vì tính đoảng của mình.

Anh bảo, gia đình, họ hàng nhà anh cũng khá hiện đại, không bắt con dâu phải thế nọ thế kia, cũng không để bụng những chuyện cô ấy đã làm, mà chỉ góp ý nhẹ nhàng để rút kinh nghiệm. Nhưng vợ anh vụng quá, làm cái gì là hỏng cái đấy, khiến anh nhiều phen bẽ mặt.

“Năm đầu về làm dâu, cô ấy hỏi tôi tỉ mỉ từng người họ hàng để chuẩn bị quà biếu, gói gém cẩn thận lắm. Về quê lỉnh kỉnh một đống quà, bố mẹ tôi mừng ra mặt vì thấy con dâu chu đáo quá. Nhưng sau Tết, tôi mới nghe mẹ tôi nói lại là họ hàng đang xì xào vì không hiểu những món quà vợ tôi tặng là có ý gì. Hóa ra cô ấy đưa nhầm quà, bộ sữa tắm cho đứa cháu mới sinh thì đưa nhầm cho cụ nội, đứa cháu trai thì đưa nhầm chiếc váy của cháu gái, quần áo mua cho các cháu cái thì nhỏ quá, cái thì rộng quá, chẳng ai mặc vừa.

Năm thứ hai thì cô ấy làm vỡ bộ lư hương thờ của gia đình. Cô ấy mang bộ lư đi lau rửa, lỡ tay làm vỡ một chiếc, không nói với ai mà tự ý vứt cả bộ ra bụi chuối rồi đi mua bộ mới. Mẹ tôi biết chuyện giận tím mặt, bởi bộ lư hương ấy từ đời cụ cố để lại, gắn với gia đình tôi đã mấy chục năm.

Năm ngoái thì cô ấy làm cháy nồi cá kho của mẹ tôi. Mà nhà tôi có tục cúng cá trong mâm cỗ Tết. Chẳng biết năm nay cô ấy còn gây ra chuyện gì nữa”, anh Thắng thở dài kể.

Theo K. Minh

Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG