Đảo là nhà, biển cả là quê hương
Từ trước Tết Nguyên đán, đón những chuyến tàu chở nặng tình cảm hậu phương ra Trường Sa, bộ đội trên các đảo tất bật chuẩn bị gói bánh chưng, bánh tét, cắt tỉa cây, chậu cảnh, trang trí phòng đón xuân…
Đại úy Ngô Khắc Thắng, Chính trị viên đảo An Bang, cho biết, niềm mong đợi và hào hứng nhất là lúc tập trung mổ heo gói bánh chưng và làm cỗ Tết. Nếu trong đất liền gói bánh chưng bằng lá dong, lá chuối, hoặc lá dừa, anh em trên đảo có thể gói bánh bằng lá bàng vuông và tạo ra một hương vị đặc sắc. Đây là sự khác biệt đặc trưng nhất giữa Tết ở đảo và đất liền. Trong mâm cỗ của những ngày Tết cổ truyền, tuy ở nơi đầu sóng ngọn gió nhưng cũng có đầy đủ các món từ thịt heo, thịt gà, giò chả, dưa hành, bánh chưng…, tạo nên bữa cơm đầm ấm.
“Thời khắc giao thừa đến, chúng tôi quây quần bên phòng đón xuân, tổ chức giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ và các trò chơi hài hước, dí dỏm. Trong những ngày vui Tết, đơn vị còn tổ chức rất nhiều các hoạt động giải trí như kéo co, ném bóng vào chậu, ném vòng cổ chai, nhảy bao bố, thi đấu cầu lông, bóng bàn. Xa hậu phương, lính biển chúng tôi coi đảo là nhà, biển cả là quê hương”, đại úy Thắng chia sẻ.
Nhập ngũ tháng 2/2020 và mới ra đảo Đá Lớn nhận nhiệm vụ được 6 tháng, binh nhất Ngô Bảo Khang (SN 2001, quê huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) cho biết đây là lần đầu tiên cậu ăn Tết xa nhà và rất tự hào khi được khoác trên mình bộ quân phục Hải quân. Được các chú, các anh đi trước chỉ bảo, kèm cặp nề nếp sinh hoạt nhà binh trong môi trường đặc biệt này khiến Khang thêm yêu nghiệp lính đảo.
Lời hứa với hậu phương
Từng là chiến sĩ Sư đoàn 330 (Quân khu 9), thiếu úy - Phân đội trưởng Nguyễn Phú Quốc cất tấm bằng kỹ sư Đại học Cần Thơ để quyết tâm theo con đường binh nghiệp. Sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 2, anh về một đơn vị Hải quân công tác rồi tình nguyện xin ra Trường Sa bảo vệ đảo Sinh Tồn.
“Những ngày này, lính đảo chúng tôi đều có chung tâm trạng nhớ nhà, nhớ người thân và bạn bè. Tôi năm nay thêm một lần vắng nhà dịp Tết, ba mẹ gọi điện động viên an tâm công tác và thực hiện tốt nhiệm vụ. Sau này trở về tôi sẽ kể chuyện đón Tết cho ba mẹ nghe để hiểu hơn về quần đảo thiêng liêng mà chúng tôi đang chắc tay súng bảo vệ”, thiếu úy Quốc nói.
Đồng đội của thiếu úy Quốc ở đảo Sinh Tồn là đại úy chuyên nghiệp - y sĩ Đinh Văn Đảm. Đại úy Đảm quê ở Thái Bình, vợ anh công tác ở Viện Y học Hải quân. Vợ chồng có hai con còn nhỏ, thường xuyên phải gửi hai bên ông bà nội ngoại. “Nhờ sự động viên, khuyến khích, hỗ trợ của bố mẹ hai bên và vợ, tôi thấy mình may mắn, yên tâm hoàn thành tốt công việc của một người lính quân y, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và ngư dân”, đại úy Đảm nói.
Nhập ngũ năm 1996, đại úy, bác sĩ Bùi Công Hưng ở đảo Đá Đông cho biết quê ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Đón Tết xa gia đình, không còn cảm giác hụt hẫng như lần đầu tiên nhưng trong anh trào dâng niềm xúc động. “Tôi thấy thật vinh dự, tự hào khi được đón Tết cùng đồng đội mình ở đây. Tuy không được ở bên vợ con, người thân nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự ấm áp đặc biệt mà không phải ai cũng có dịp trải nghiệm. Chúc cho tất cả mọi người đón một mùa xuân mới an lành và hạnh phúc!”, đại úy Hưng nói.
Thoải mái tinh thần, vững vàng tư tưởng
Phó Chỉ huy trưởng đảo Đá Lớn - đại úy Đỗ Hồng Thái cho biết, cùng với sự quan tâm của các cấp, các tổ chức đoàn thể trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và Lữ đoàn 146 đã đảm bảo đầy đủ các chế độ tiêu chuẩn, định lượng được hưởng ngày lễ Tết, cả về lương thực, thực phẩm cũng như vật chất, tinh thần cho mọi cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Không chỉ đảm bảo tươm tất về vật chất cho bộ đội ăn Tết, trên đảo còn trang bị giàn máy karaoke để cán bộ, chiến sỹ sinh hoạt văn hóa văn nghệ, góp phần giúp bộ đội thoải mái tinh thần và vững vàng tư tưởng.