> NATO triển khai tên lửa Patriot cảnh báo Syria
> Tuyên bố ủng hộ SNC, Mỹ 'đổ thêm dầu' vào chảo lửa Syria
Lệnh được đưa ra không lâu trước khi ông Panetta có chuyến thăm không được công bố tới Thổ Nhĩ Kỳ để gặp gỡ lực lượng Mỹ đóng quân tại căn cứ không quân Incirlik. Đây là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm kéo dài một tuần từ Afghanistan tới Kuwait.
Thổ Nhĩ Kỳ, nước thành viên của NATO, đã nhiều lần đưa máy bay chiến đấu tới khu vực biên giới và đáp trả khi đạn pháo từ cuộc xung đột Syria bay qua biên giới, làm dấy lên lo ngại rằng cuộc nội chiến có thể lan rộng, khiến tình hình khu vực bất ổn.
Trước Mỹ, Đức và Hà Lan cho biết họ sẽ cử hai khẩu đội tên lửa Patriot. Trong khối NATO, ba nước này sở hữu các khẩu đội tên lửa hiện đại nhất.
NATO chấp nhận đề nghị triển khai khẩu đội tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ để làm dịu nỗi sợ hãi rằng, nước này sẽ bị tấn công bằng tên lửa, thậm chí cả vũ khí hoá học từ Syria.
Hệ thống tên lửa Patriot được thiết kế để đánh chặn máy bay hoặc tên lửa. NATO nói rằng, biện pháp này chỉ để phòng vệ, nhưng Nga, Syria và Iran chỉ trích quyết định này làm tăng bất ổn trong khu vực.
Ngày 14-12, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định nước này sẽ không bao giờ thay đổi lập trường đối với vấn đề Syria.
Khẳng định được đưa ra một ngày sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov nói rằng chính phủ Syria đang “ngày càng mất kiểm soát” và rằng “không thể loại trừ chiến thắng của lực lượng đối lập ở Syria”.
Lực lượng đối lập ở Syria và Mỹ chớp cơ hội Nga bi quan về tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad để thúc giục Mátxcơva giúp sức nhằm khiến chính phủ đương nhiệm từ bỏ quyền lực và chấm dứt các cuộc xung đột kéo dài từ hồi tháng 3-2011, khiến ít nhất 40.000 người thiệt mạng.
Liên Hợp Quốc cho rằng, vào đầu năm tới, khoảng bốn triệu người ở Syria sẽ cần viện trợ nhân đạo, trong khi một số nước đang lên kế hoạch sơ tán công dân của mình khỏi Syria.
Gia Tùng
Theo AP, CBS News, RIA-Novosti